Tư vấn luật hành chính qua tổng đài 19001950. Luật sư tư vấn luật hành chính uy tín, giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng trong lĩnh vực hành chính.
Điều kiện xét danh hiệu nhà giáo nhân dân, ưu tú. Xét điều kiện đối với người đạt danh hiệu giáo viên ưu tú.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là giáo viên tiểu học trực tiếp giảng dạy đã 26 năm. Từ năm 2000 đến năm 2013 tôi liên tục đạt các danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, 3 lần đạt giáo viên giỏi cấp Thành phố, 6 năm liên tục đạt chiến sĩ thi đua cấp Cơ sở, 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố, 1 lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, 1 lần được Giám đốc Sở giáo dục và đào tào tặng giấy khen, nhiều giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi,, có nhiều học sinh đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cấp thành phố. Từ 2014 đến nay tôi đạt LĐTT. Vậy tôi có được xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, hay ưu tú không? Rất mong được Luật sư giúp đỡ. Tôi trân thành cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Việc xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo Ưu tú được quy định tại Nghị định 27/2015/NĐ-CP như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng:
1. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bao gồm:
a) Giáo viên, giảng viên (sau đây gọi chung là nhà giáo) trực tiếp làm nhiệm vụ nuôi dạy, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác quy định tại Điều 49, Điều 61, Điều 62, Điều 63, Điều 64 và Điều 69 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục);”
Theo Điều 8 quy định tiêu chuẩn để đạt danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” khi bạn đã được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn. Do vậy, nếu bạn chưa đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú thì bạn sẽ không được đạt danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
Căn cứ Điều 9 để đạt danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” thì bạn cần đạt tiêu chuẩn sau:
– Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương nơi cư trú.
– Có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng; đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; quản lý, giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả cao.
– Đã 07 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 07 lần được tặng danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 07 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng; 01 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bộ hoặc danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; 01 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, bộ.
Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn: Đã 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 05 lần được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng.
– Tài năng sư phạm, sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được quy định cụ thể với từng đối tượng như sau:
+ Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở:
Có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; giảng dạy, giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao; phát huy được năng lực, tính chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong học tập; giúp đỡ được 02 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên;
Chủ trì 02 sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục học sinh đã được áp dụng có hiệu quả cao trong trường, được hội đồng sáng kiến cấp huyện nghiệm thu.
Trong trường hợp bạn không có các tiêu chuẩn sáng kiến, đào tạo tiến sĩ thì theo Điều 10 quy định các thành tích được thay thế để xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” như sau:
“Điều 10. Các thành tích được thay thế tiêu chuẩn sáng kiến, đào tạo tiến sĩ áp dụng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”
1. Nhà giáo trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh, sinh viên đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi quốc tế; giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi quốc gia được tính là có 01 sáng kiến cấp tỉnh, bộ.
2. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được nghiệm thu, được tính là có sáng kiến cấp tỉnh, bộ.
3. Nhà giáo đạt giải Nhất trong các hội thi tay nghề ở cấp nào thì được tính là có sáng kiến ở cấp đó.
4. Giảng viên các đại học, trường đại học, học viện không được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ được thay thế bằng một trong những thành tích sau:
Hướng dẫn 03 sinh viên đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi quốc tế; hướng dẫn 05 sinh viên đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi quốc gia; hướng dẫn 05 công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt giải “Tài năng khoa học trẻ” hoặc “Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo” cấp bộ.
5. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giảng dạy các ngành, chuyên ngành đặc thù được tính thay thế tiêu chuẩn sáng kiến theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”
Bạn có thể đối chiếu trường hợp của bạn theo các quy định trên để xem xét bạn có đủ tiêu chuẩn để được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nếu bạn đủ tiêu chuẩn thì có thể chuẩn bị hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” gửi cơ quan, đơn vị bạn đang công tác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Hồ sơ bao gồm:
– Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” theo Mẫu số 01 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 27/2015/NĐ-CP;
– Các tài liệu chứng minh thành tích cống hiến trong hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học và những đóng góp đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo gồm bản sao: Giấy chứng nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền đối với sáng kiến; biên bản nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học; trang bìa giáo trình có ghi tên tác giả và nhà xuất bản; bằng chứng nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có liên quan đến tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”; danh mục bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế.