Điều kiện trưng cầu giám định tư pháp? Vai trò trưng cầu giám định tư pháp? Thủ tục trưng cầu giám định tư pháp?
Giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và vụ án hành chính. Hoạt động này được thực hiện chủ yếu dựa trên quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Chính vì chiếm phần lớn nguyên nhân làm phát sinh hoạt động giám định tư pháp, chứng tỏ trưng cầu giám định có ý nghĩa quan trọng, do đó, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ có sự phân tích cụ thể hơn các nội dung liên quan về trưng cầu giám định tư pháp, bao gồm điều kiện, vai trò và thủ tục trưng cầu giám định.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Trước khi đi vào phân tích nội dung, tác giải giải thích về trưng cầu giám định tư pháp như sau: Trưng cầu giám định tư pháp là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính. (Khái niệm được xây dựng dựa trên cách giải thích về giám định tư pháp và người trưng cầu giám định tư pháp tại Khoản 1, 2 Điều 2 Luật Trưng cầu giám định).
Mục lục bài viết
1. Điều kiện trưng cầu giám định tư pháp?
Luật Giám định tư pháp với tư cách là văn bản điều chỉnh chuyên ngành về giám định tư pháp không đưa ra bất cứ một quy định nào về điều kiện trưng cầu giám định tư pháp. Cùng với đó, các quy định tại các văn bản pháp luật tố tụng cũng không quy định về điều kiện trưng cầu giám định tư pháp. Vì vậy, có thể nói, sẽ không có một điều kiện cụ thể nào được áp dụng khi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, trưng cầu giám định tư pháp phải là hoạt động có cơ sở và phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự và vụ án hành chính, do vậy, trong các văn bản pháp luật tố tụng các đặt ra các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp. Cụ thể:
– Tại Điều 206
“1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
….“
– Điều 103
Điểm chung của các văn bản pháp luật tố tụng là điều quy định về lí do “xét thấy cần thiết” thì trưng cầu giám định, như vậy, sẽ chả có một điều kiện nào đặt ra mà chủ yếu dựa trên ý chí và xem xét thực tế để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (trừ quy định tại Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự kể trên).
2. Vai trò trưng cầu giám định tư pháp?
Vai trò của trưng cầu giám định tư pháp là một liên dung liên quan đến lý luận và thực tiễn, vai trò chính yếu nhất của trưng cầu giám định là làm phát sinh hoạt động giám định tư pháp của người giám định, là cơ sở để người giám định thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình một cách hợp pháp. Trưng cầu giám định còn là cách để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực thi quyền lực, quyền chi phối của mình tới cá nhân, cơ quan thực hiện giám định, buộc họ phải thực hiện hoạt động chuyên môn để làm sáng tỏ các chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án, bởi giám định tư pháp có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả và chất lượng của hoạt động tố tụng.
Trưng cầu giám định tư pháp là còn thể hiện trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với việc giải quyết vụ án, phải xác định chính xác các nội dung chưa rõ mà chỉ có thể thực hiện thông qua hoạt động giám định (đặc biệt là đối với các trường hợp bắt buộc trưng cầu giám định). Trưng cầu giám định về sâu xa còn là cách để bảo vệ quyền, lợi ích của các cá nhân có liên quan chặt chẽ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
3. Thủ tục trưng cầu giám định tư pháp?
Khi tìm hiểu quy định về thủ tục trưng cầu giám định tư pháp, tác giả nhận thấy, các văn bản pháp luật tố tụng cũng có quy định về nội dung này, mỗi văn bản sẽ có sự ghi nhận cụ thể nhưng vẫn đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giám định tư pháp. Luật Giám định tư pháp cũng quy định về thủ tục trưng cầu giám định tư pháp tại Điều 25, nội dung điều luật này thể hiện ở các khía cạnh sau:
Hình thức trưng cầu giám định: Quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản.
Nội dung quyết định trưng cầu giám định tư pháp phải đảm bảo: (1) Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ, tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định; (2) Tên tổ chức; họ, tên người được trưng cầu giám định; (3) Tóm tắt nội dung sự việc; (4) Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định; (5) Tên tài liệu, đồ vật có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có); (6) Nội dung chuyên môn của vấn đề cần giám định; (7) Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định tư pháp. (Khoản 2).
Nếu trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại thì quyết định trưng cầu giám định còn phải nêu rõ là trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại và lý do của việc giám định bổ sung hoặc giám định lại. (Khoản 3).
Trình tự thực hiện trưng cầu giám định:
Người trưng cầu giám định gửi quyết định kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. Trường hợp đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan không thể gửi kèm theo quyết định trưng cầu giám định thì người trưng cầu giám định có trách nhiệm làm thủ tục bàn giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. (Khoản 1).
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp phải có văn bản cử người giám định gửi người trưng cầu giám định; đối với tổ chức phối hợp thực hiện giám định thì còn phải gửi văn bản cử người giám định cho tổ chức chủ trì việc thực hiện giám định. Tổ chức chủ trì phải tổ chức ngay việc giám định sau khi nhận được văn bản cử người của tổ chức phối hợp thực hiện giám định. (Đoạn 4 Khoản 5).
Nhìn chung, trưng cầu giám định có thủ tục không hề phức tạp, điều phức tạp chỉ xuất phát ở hoạt động chuyển giao và xác định các nội dung liên quan đến hoạt động giám định. Vì vậy mà tại Khoản 4, có quy định rằng: ” trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan về nội dung trưng cầu, thời hạn giám định, thông tin, tài liệu, mẫu vật cần cho việc giám định và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).”
Việc quy định về thủ tục trưng cầu giám định có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo trật tư hoạt động, phối hợp giữa các cơ quan, tránh tình trạng trưng cầu tùy ý, làm sai lệch nội dung trưng cầu, gây ra những khó khăn trong quá trình giám định tư pháp. Khi phát sinh vướng mắc trong việc trưng cầu, phối hợp thực hiện giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ trì, phối hợp với tổ chức được trưng cầu để giải quyết.
Điều cơ bản có thể nhận định rằng, việc trưng cầu giám định chủ yếu là hoạt động xuất phát từ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, vai trò của chủ thể này mới quyết định đến việc có phát sinh hoạt động giám định tư pháp hay không. Hơn nữa, chỉ cần có quyết định trưng cầu giám định thì việc từ chối giám định trên thực tế là rất ít và giữa cả hai bên đã có sự thống nhất ý chí từ đầu. Do vậy, việc tiếp nhận trưng cầu giám định của người giám định chỉ mang tính chất như một thủ tục tất yếu giữa một bên gửi và một bên nhận nhằm xác lập quan hệ và buộc các bên phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.