Công ty chuyển phát nhanh là gì? Điều kiện thành lập công ty chuyển phát nhanh? Trình tự thủ tục thành lập công ty chuyển phát nhanh?
Hiện nay, xuất phát từ nhu cầu ngày càng nhiều thì dịch vụ chuyển phát là một trong những ngành nghề có xu hướng phát triển mạnh mẽ, kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực bưu chính viễn thông. Các công ty chuyển phát đang ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường, vậy khi muốn thành lập công ty chuyển phát nhanh thì cần phải có những điều kiện gì và trình tự thủ tục thành lập công ty chuyển phát nhanh ra sao? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về điều kiện và thủ tục thành lập công ty chuyển phát nhanh.
Luật sư
– Cơ sở pháp lý:
+ Luật bưu chính 2010
+ Nghị định 47/2011/NĐ- CP
1. Công ty chuyển phát nhanh là gì?
Theo quy định của pháp luật bưu chính 2010 thì: hoạt động bưu chính gồm các hoạt động đầu tư, kinh doanh, cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ bưu chính công ích, tem bưu chính.
Công ty chuyển phát nhanh là công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn thu gom, chia chọn, vận chuyển và phát, bằng các phương tiện vật lý, thông tin dưới dạng văn bản và kiện, gói hàng hóa có yếu tố nhanh về thời gian và có độ tin cậy cao. Mô hình chuyển phát nhanh hiện nay rất phổ biến với nhiều hình thức như: chuyển phát nhanh đường hàng không, chuyển phát nhanh đường bộ, chuyển phát nhanh đường sắt, chuyển phát nhanh đường thuỷ, chuyển phát nhanh kết hợp.
2. Điều kiện thành lập công ty chuyển phát nhanh
– Căn cứ Điều 5 Nghị định 47/2011/NĐ- CP quy định về điều kiện về tài chính như sau:
” Điều 5. Điều kiện về tài chính
1. Điều kiện về khả năng tài chính nêu tại điểm b khoản 2 Điều 21 Luật bưu chính được quy định như sau:
a) Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam;
b) Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.
2. Mức vốn tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này phải được thể hiện trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bưu chính tại Việt Nam của doanh nghiệp.”
Theo đó, có thể thấy được trong mỗi hình thức cung ứng dịch vụ khác nhau thì điều kiện về khả năng tài chính là khác nhau, tuy nhiên điều kiện về tài chính mà công ty chuyển phát nhanh cần phải đáp ứng đó là: (1) trong trường hợp công ty chuyển phát nhanh cung ứng dịch vụ bưu chính trong nước, trong phạm bị nội tỉnh, liên tỉnh thì doanh nghiệp đó phải có mức vốn tối thiểu là hai tỷ đồng Việt Nam, (2) trong trường hợp công ty chuyển phát nhanh cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế thì doanh nghiệp đó phải có mức vốn tối thiểu là năm tỷ đồng Việt Nam.
Khi tiến hành thành lập công ty chuyển phát nhanh, ngoài việc đáp ứng đủ yêu cầu về tài chính thì doanh nghiệp, tổ chức thành lập phải chuẩn bị những tài liệu, hồ sơ liên quan để đề nghị cấp giấy phép bưu chính, theo đó, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính bao gồm những giấy tờ sau:
(1) Giấy đề nghị giấy phép bưu chính;
(2) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bưu chính tại Việt Nam do doanh nghiệp tự đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao;
(3) Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp (nếu có);
(4) Phương án kinh doanh. Theo đó, khi trình phương án kinh doanh thì phải đảm bảo phương án kinh doanh đó phải bao gồm đầy đủ những nội dung như sau: thông tin về doanh nghiệp gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (e-mail) của trụ sở giao dịch, văn phòng đại diện, chi nhánh, trang tin điện tử (website) của doanh nghiệp (nếu có) và các thông tin liên quan khác; địa bàn dự kiến cung ứng dịch vụ; hệ thống và phương thức quản lý, điều hành dịch vụ; quy trình cung ứng dịch vụ gồm quy trình chấp nhận, vận chuyển và phát; phương thức cung ứng dịch vụ do doanh nghiệp tự tổ chức hoặc hợp tác cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp khác (trường hợp hợp tác với doanh nghiệp khác, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép bưu chính phải trình bày chi tiết về phạm vi hợp tác, công tác phối hợp trong việc bảo đảm an toàn, an ninh, giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ); các biện pháp bảo đảm an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính; phân tích tính khả thi và lợi ích kinh tế – xã hội của phương án thông qua các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, chi phí, số lượng lao động, thuế nộp ngân sách nhà nước, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư trong 03 năm tới kể từ năm đề nghị cấp phép.
(5) Mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
(6) Mẫu biểu trưng, nhãn hiệu, ký hiệu đặc thù hoặc các yếu tố thuộc hệ thống nhận diện của doanh nghiệp được thể hiện trên bưu gửi (nếu có);
(7) Giá cước dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
(8) Têu chuẩn chất lượng dịch vụ bưu chính công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
(9) Quy định về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp phát sinh thiệt hại, quy trình giải quyết khiếu nại của khách hàng, thời hạn giải quyết khiếu nại phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
(10) Thỏa thuận với doanh nghiệp khác, đối tác nước ngoài bằng tiếng Việt, đối với trường hợp hợp tác cung ứng một, một số hoặc tất cả các công đoạn của dịch vụ bưu chính đề nghị cấp phép;
(11) Tài liệu đã được hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài theo quy định.
Các tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép bưu chính thì cần phải chuẩn bị những hồ sơ đã được nêu ở trên và gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị cấp giấy phép bưu chính. Đây là những giấy tờ, tài liệu có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, tổ chức đó và cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá về việc tổ chức, doanh nghiệp đó có đủ điều kiện để được cấp giấy phép bưu chính hay không, nếu trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức không nộp đủ những giấy tờ nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền sẽ phải yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ, tài liệu trước khi làm thủ tục cấp giấy phép bưu chính.
3. Trình tự thủ tục thành lập công ty chuyển phát nhanh
Sau khi tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép bưu chính đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu và đáp ứng đủ điều kiện về tài chính thì sẽ gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để tiến hành thủ tục cấp giấy phép bưu chính. Theo đó, trình tự thủ tục cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận
Bước 1: Nộp hồ sơ
+ Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức đề nghị cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính nộp trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu chính đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ.
+ Việc thông báo hoạt động bưu chính tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được thực hiện chậm nhất là 07 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên hoạt động bưu chính.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Kể từ ngày nhận được hồ sơ đáp ứng theo quy định của pháp luật thì việc cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được thực hiện trong thời hạn sau đây:
+ 30 ngày, đối với việc thẩm tra và cấp giấy phép bưu chính;
+ 10 ngày làm việc, đối với việc thẩm tra và cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
Bước 3: Cấp giấy phép bưu chính
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính gửi giấy biên nhận hồ sơ đến địa chỉ thư điện tử (e-mail) của doanh nghiệp, tổ chức đề nghị cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
+ Sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính ra thông báo từ chối cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, doanh nghiệp, tổ chức muốn tiếp tục đề nghị cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính thì phải nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật.
Lưu ý:
+ Trong trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính chưa đáp ứng theo quy định của pháp luật thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính gửi thông báo lần 1 về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong hồ sơ.
+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, doanh nghiệp, tổ chức có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.
+ Trường hợp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo quy định hoặc có sửa đổi, bổ sung nhưng chưa đạt yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính gửi thông báo lần 2 trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo lần 1.
+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, doanh nghiệp có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.
+ Trường hợp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính ra thông báo từ chối cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo lần 2.
+ Trường hợp doanh nghiệp có sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhưng chưa đạt yêu cầu thì việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ tiếp tục được thực hiện theo quy trình theo quy định
+ Trường hợp từ chối cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính thì trong thời hạn theo quy định thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, việc thành lập công ty chuyển phát nhanh phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, điều kiện về tài chính,..và gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp phép mà không nộp đầy đủ những giấy tờ, hồ sơ theo quy định thì sẽ phải trả lại để bổ sung thêm những giấy tờ, tài liệu liên quan. Nếu không tuân thủ theo những quy định về thành lập doanh nghiệp thì sẽ bị từ chối cấp phép và trả lại hồ sơ.