Kinh doanh bán lẻ xăng dầu là gì? Điều kiện để thực hiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Thủ tục mở cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Ngày nay, với mong muốn phát triển kinh tế và để phục vụ cho việc cung cấp nhiên liệu xăng dầu cho người dân, Nhà nước đã mở cửa hơn trong việc cấp phép kinh doanh bán lẻ xăng dầu cho các cơ sở kinh doanh tư nhân. Vậy để có thể mở cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, chủ cơ sở kinh doanh cần phải tuân thủ những điều kiện gì? Và việc mở cửa hàng kinh doanh như vậy nên chuẩn bị những loại giấy phép nào để đảm bảo kinh doanh hợp pháp và thủ tục được thực hiện ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc trên của quý bạn đọc.
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
–
– Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương;
– Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Mục lục bài viết
1. Kinh doanh bán lẻ xăng dầu là gì?
Kinh doanh bán lẻ xăng dầu là hình thức kinh doanh xăng dầu được ưa chuộng trong thời kỳ hiện nay và được nhiều cá nhân, tổ chức hay một số đơn vị kinh doanh lựa chọn thực hiện. Kinh doanh bán lẻ xăng dầu được biết đến là hình thức kinh doanh thương mại tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu sử dụng xăng dầu với số lượng ít, đảm bảo cho nhu cầu đáp ứng đủ nhiên liệu để phương tiện giao thông có thể di chuyển được hằng ngày.
Kinh doanh bán lẻ xăng dầu được thực hiện đơn lẻ hoặc có thể thực hiện theo hệ thống bao gồm nhiều chi nhánh, nhiều cửa hàng xăng dầu.
2. Điều kiện để thực hiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu:
Để biết được việc kinh doanh bán lẻ xăng dầu có đáp ứng được các điều kiện mà pháp luật quy định hay không thì cần phải xem xét cả về điều kiện chủ thể kinh doanh mà điều kiện của cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cụ thể các điều kiện được quy định như sau:
2.1. Điều kiện về chủ thể kinh doanh bán lẻ xăng dầu:
Chủ thể kinh doanh bán lẻ xăng dầu hay còn được gọi là thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Theo quy định tại khoản 15 Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP thì thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu được hiểu là thương nhân kinh doanh việc bán lẻ xăng dầu theo hình thức nhượng quyền thương mại từ thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.
Để thực hiện việc kinh doanh bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 22 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Cụ thể các điều kiện được quy định như sau:
– Thương nhân phải kinh doanh cửa hàng xăng dầu bán lẻ được thành lập theo đúng quy định của pháp luật và trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cửa hàng bán lẻ phải ghi rõ nội dung kinh doanh là kinh doanh xăng dầu;
– Thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu phải có cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu và đồng sở hữu hoặc thuộc sở hữu doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng bán lẻ xăng dầu đủ điều kiện để kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo quy định của pháp luật hiện hành;
– Đối với những nhân viên hay cán bộ quản lý có nhiệm vụ trực tiếp kinh doanh bán lẻ xăng dầu phải được đào tạo và huấn luyện bài bản về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, nhóm người này cần phải đảm bảo được cấp Chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, để kinh doanh xăng dầu bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu phải đảm bảo tất cả các điều kiện nêu trên đối với thương nhân.
2.2. Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu:
Pháp luật hiện hành đã quy định về điều kiện đối với cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Điều 24 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP và khoản 18 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Theo đó, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu phải có đủ điều kiện theo quy định pháp luật và phải được Sở Công thương nơi có cửa hàng cấp Giấy chứng nhận là cửa hàng có đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Cụ thể như sau:
– Cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu phải thuộc sở hữu của chủ kinh doanh bán lẻ xăng dầu hoặc được thuê với thời hạn thuê từ 05 năm trở lên.
+ Cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải là cửa thương nhận nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc là của thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, thương nhân phải đứng tên tại Giấy chứng nhận cửa hàng xăng dầu đủ điều kiện để kinh doanh bán lẻ xăng dầu;
+ Đối với cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đi thuê để kinh doanh thì thương nhân trực tiếp đứng ra thuê phải đứng tên trên Giấy chứng nhận cửa hàng xăng dầu đủ điều kiện để kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
– Cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu phải đảm bảo điều kiện về thiết kế và xây dựng. Cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu phải được thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định của Quy chuẩn quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
– Đối với những nhân viên hay cán bộ quản lý có nhiệm vụ trực tiếp kinh doanh bán lẻ xăng dầu phải được đào tạo và huấn luyện bài bản về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, nhóm người này cần phải đảm bảo được cấp Chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, để kinh doanh bán lẻ xăng dầu thì cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chủ thể và cả về mặt cửa hàng. Theo đó, khi tiến hành kinh doanh, thương nhân cần phải xem xét kỹ lưỡng các điều kiện để tạo lập hồ sơ đăng ký kinh doanh và bổ sung các điều kiện còn thiếu.
3. Thủ tục mở cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu:
Nếu đầy đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh bán lẻ cần chuẩn bị hồ sơ và thực hiện theo trình tự, thủ tục sau để đăng ký và nhận Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu:
3.1. Chuẩn bị hồ sơ:
Thương nhân nhận quyền kinh doanh bán lẻ xăng dầu cần chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu ( Thực hiện theo mẫu đơn số 3 được ban hành kèm theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP);
– Bản sao của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp của thương nhân là chủ sở hữu cửa hàng xăng dầu bán lẻ;
– Bản sao của các chứng chỉ hoặc giấy tờ chứng minh về đào tạo nghiệp vụ của cán bộ quản lý và nhân viên cửa hàng theo quy định về điều kiện thương nhân được quy định trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP này;
– Bản kê khai trang thiết bị kinh doanh và thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu được quy định và các tài liệu chứng minh cửa hàng xăng dầu bán lẻ được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành;
– Bản sao của văn bản xác nhận được cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của thương nhân chịu trách nhiệm phân phối và cung cấp;
– Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc thuê đất với thời hạn thuê từ 05 năm trở lên của thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
3.2. Nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thương nhân nhận quyền kinh doanh bán lẻ xăng dầu nộp 01 bộ hồ sơ về Sở Công thương nơi có cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Sở Công thương có trách nhiệm nhận hồ sơ và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trong trường hợp xét thấy hồ sơ chưa hợp lệ, cần bổ sung thêm một số giấy tờ thì Sở Công thương có trách nhiệm ra văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung hồ sơ trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Đối với trường hợp hồ sơ của thương nhân đã hợp lệ, Sở Công thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ và trả kết quả là Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 04 được ban hành kèm theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Thời gian trả kết quả đối với hồ sơ hợp lệ là không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ từ thương nhân.
Trong trường hợp Sở Công thương từ chối cấp Giấy chứng nhận cho thương nhân thì phải có trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không cấp Giấy chứng nhận.
Lưu ý: Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu có hiệu lực là 05 năm kể từ ngày cấp mới. Thương nhân sau khi nhận kết quả là Giấy chứng nhận thì phải thực hiện các nghĩa vụ về tài chính như phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.