Khái quát về quốc tịch và nhập quốc tịch? Điều kiện và thủ tục để người Việt Nam nhập quốc tịch Lào?
Quốc tịch là một trong những vấn đề gắn liền với nhân thân của một cá nhân, là căn cứ để xác định cá nhân là công dân của quốc gia nào và thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước mà công dân mang quốc tịch. Quốc tịch cũng là nội dung pháp lý được nhiều học giả quan tâm và cho rằng đây là nội dung phức tạp, đặc biệt là quy định pháp luật của các quốc gia trên thế giới có sự khác biệt, trong đó quy định về việc nhập quốc tịch là một điển hình. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích các điều kiện và thủ tục để người Việt Nam nhập quốc tịch Lào theo quy định của pháp luật Lào.
1. Khái quát về quốc tịch và nhập quốc tịch?
Về mặt pháp lý, quốc tịch là căn cứ duy nhất để xác định công dân của một quốc gia, là điều kiện pháp lý tiên quyết để một cá nhân được hưởng quyền và nghĩa vụ công dân đối với một nhà nước.
Quốc tịch thể hiện mối quan hệ có tính ổn định cao, bền vững về mặt thời gian và không bị giới hạn về mặt thời gian thông qua các quy định về việc nhập, tước, trở lại quốc tịch thường rất chặt chẽ với trình tự, thủ tục phức tạp. Chính vì vậy, mối quan hệ này không dễ dàng bị thay đổi và chỉ có thể thay đổi trong những trường hợp đặc biệt với những điều kiện hết sức khắt khe (xin nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch,…).
Đối với mỗi cá nhân, quốc tịch mang ý nghĩa là sự ràng buộc với chính phủ nhà nước mà họ là công dân, nhưng đối với một đất nước, quốc tịch thể hiện vai trò, trách nhiệm của quốc gia đó với công dân của mình cả ở trong nước và ngoài nước, khi công dân ra nước ngoài sinh sống thì quốc gia mà công dân đó có quốc tịch vẫn có nghĩa vụ bảo hộ công dân của mình.
Quốc tịch là nơi thể hiện chủ quyền tối cao của quốc gia, quốc gia có thể có quy định cho phép cấp quốc tịch một cách đặc biệt nhưng cũng có thể từ chối cho nhập quốc tịch mặc dù cá nhân đó đáp ứng các điều kiện luật định.
Trong hầu hết các tài liệu khoa học pháp lý, người ta đều cho rằng, quốc tịch là một phạm trù chính trị pháp lý. Và được hiểu là mối quan hệ pháp lý đặc biệt giữa nhà nước và cá nhân, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa cá nhân và nhà nước; là căn cứ pháp lý để xác định công dân của một quốc gia.
Nhập quốc tịch là một trong những cách thức để xác lập quốc tịch của một quốc gia, căn cứ vào điều kiện, hoàn cạnh cụ thể và quan điểm pháp lý mỗi quốc gia mà quy định về điều kiện, trình tự thủ tục xin nhập quốc tịch giữa các nước là có sự khác nhau. Nhập quốc tịch xảy ra trong 3 trường hợp: (1) Do xin vào quốc tịch; (2) Do kết hôn với người nước ngoài; (3) Do nhận làm con nuôi người nước ngoài.
Tuy nhiên, trong Mục 2 dưới đây, tác giả chỉ tập trung vào quy định về điều kiện, thủ tục xin vào quốc tịch Lào của người Việt Nam.
2. Điều kiện và thủ tục để người Việt Nam nhập quốc tịch Lào?
Lào là một trong số các nước trên thế giới áp dụng nguyên tắc một quốc tịch, theo đó nếu là người Việt Nam muốn nhập quốc tịch của các nước Lào thì phải từ bỏ quốc tịch gốc của mình, công dân các nước Lào nếu tự nguyện nhập quốc tịch của nước ngoài sẽ đương nhiên mất quốc tịch gốc. Điều này đã được khẳng định tại Điều 2, Luật Quốc tịch Lào: “Nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào không cho phép công dân Lào cùng một lúc có nhiều quốc tịch.”
Các cư dân Việt Nam hoặc có nguồn gốc Việt Nam tại Lào có thể xếp theo 3 bộ phận: Người Lào gốc Việt Nam, Việt kiều (người Việt Nam sinh tại Lào hoặc làm ăn sinh sống lâu dài tại Lào nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam) và một bộ phận cư trú tạm thời tại Lào.
Luật quốc tịch Lào, Mục 2, Điều 9 quy định những trường hợp sau đây thì được hưởng quốc tịch Lào:
– Theo sự sinh đẻ;
– Theo sự gia nhập quốc tịch Lào;
– Theo sự phục hồi quốc tịch Lào;
Như vậy, pháp luật nước này cho phép người nước ngoài có quyền được gia nhập quốc tịch Lào.
Điều 14 Luật quốc tịch Lào về điều kiện được hưởng quốc tịch Lào của công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch quy định rằng:
Công dân nước ngoài, hoặc người không có quốc tịch, cũng có thể được hưởng quốc tịch lào theo đơn xin gia nhập quốc tịch của người đó, nếu xét thấy có đủ các điều kiện sau đây:
– Tuổi từ 18 trở lên khi làm đơn xin gia nhập quốc tịch Lào.
– Tuân thủ hiến pháp và pháp luật của Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.
– Biết nói, đọc và viết tiếng Lào thành thạo.
– Có bằng chứng có thể chứng minh được rằng mình đã hoà nhập vào cộng đồng xã hội và phong tục tập quán Lào; tôn trong truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc Lào.
– Có sức khỏe tốt, không mắc căn bệnh lây nhiễm nghiêm trọng, không bị nghiện thuốc phiện và các loại chất kích thích.
– Không có tiền án, tiền sự.
– Có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Lào.
– Không gây thiệt hại đến lợi ích của quốc gia Lào.
– Đã thôi quốc tịch của mình.
– Đã thường trú ở Lào liên tiếp từ 10 năm trở lên trước khi làm đơn xin nhập quốc tịch Lào, riêng đối với người có trình độ chuyên môn bậc chuyên gia quy định thời hạn trên có thể ngắn xuống.
– Có trình độ chuyên môn, có một số nghề nghiệp chắc chắn, có thu nhập kinh tế ổn định.
Luật pháp Lào cũng như các cơ quan tổ chức của Lào coi người nước ngoài kể cả người Việt Nam đã được nhập quốc tịch Lào giống như công dân Lào. Họ có quyền bình đẳng về mọi mặt với công dân Lào như có quyền ứng cử, bầu cử, đi lính, đóng lệ phí,…có quyền sở hữ và chuyển nhượng tài sản, bất động sản, được cấp thẻ môn bài kinh doanh,… Khi đã nhập quốc tịch Lào mà vi phạm pháp cũng bị xét xử theo pháp luật của Chính phủ Lào như mọi công dân Lào khác.
Ngược lại, luật pháp Lào chỉ thừa nhận một quốc tịch, do đó, đối với công dân (cho dù sinh ra trên đất Lào) không mang quốc tịch Lào sẽ không được luật pháp thừa nhận các quyền cơ bản như trên, đặc biệt là không được làm công chức trong bộ máy công quyền, không được sở hữu bất động sản mà chỉ được quyền thuê mà không có quyền mua nhà, đất, nếu sản xuất kinh doanh thì được cấp thẻ môn bài, nông dân làm ruộng chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữ với ruộng đất; trước năm 2003, học sinh ngoại kiều không được thi vào học các trường đại học trong nước Lào và không được nhận học bổng ra nước ngoài để học.
Vì vậy, vì sinh kế và sự phát triển lâu dài cho con cháu, đa phần người Việt tại Lào đều lựa chọn cách nhập quốc tịch Lào. Nhưng điều đó thực sự rất khó khăn. Như đã nêu ở trên, muốn nhập quốc tịch Lào thì Việt kiều phải thỏa mãn 12 điều kiện, trong đó đối với nhiều người thì trên thực tế, một số điều kiện gần như “bất khả thi”. Ví dụ như tiêu chuẩn “đã thôi quốc tịch của mình”: có nhiều người sinh ra trên đất Lào, không có quốc tịch, lại có những người khác đã di cư sang Lào từ lâu này không còn biết quê hương bản quản ở đâu làm sao đẻ cắt quốc tịch được. Về một số điều khoản khác cũng vậy, ví dụ phải có một loạt các giấy xác nhận không có tiền án, tiền sự, đã hội nhập vào xã hội và văn hóa Lào,…chưa nói là thời gian để hoàn tất các thủ tục rất lâu dài và phải đi lại nhiều nơi để lo đầy đủ các giấy tờ rất tốn kém và phiền phức.
Đơn xin nhập quốc tịch quốc tịch phải trình lên Bộ Tư pháp theo trình tự sau:
– Chính quyền cấp Bản.
– Chính quyền cấp Huyện.
– Chính quyền cấp Tỉnh.
– Các đại biểu Quốc hội (trong khu vực họ đã đăng ký ứng cử và đã được bầu cử.
– Bộ An ninh.
Nhìn chung, quy định về điều kiện nhập quốc tịch theo pháp luật Lào và pháp luật Việt Nam vừa có điểm tương đồng, vừa có điểm khác biệt và cũng dựa trên một số yếu tố cơ bản như độ tuổi của cá nhân, thời gian thường trú tại nước xin nhập quốc tịch, biết tiếng của nước nhập quốc tịch, …nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, việc điều kiện nhập quốc tịch của Lào là cực kỳ chặt chẽ và khó khăn, với 12 điều kiện đồng thời, trong khi đó Việt Nam chỉ cần đáp ứng (5 điều kiện cụ thể và một số điều kiện ngoại lệ). Đồng thời, khác với Việt Nam, Lào áp dụng nguyên tắc một quốc tịch một cách tuyệt đối.
Xem xét kỹ hơn về mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào trong nhiều năm qua, cùng với những tác động, ảnh hưởng to lớn mà cộng động người Việt mang lại trong sự phát triển kinh tế- xã hội của Lào. Mong rằng, trong tương lai, chính sách nhập quốc tịch Lào đối với người Việt Nam sẽ có sự “nới lỏng” hơn, trên tinh thần trách nhiệm phối hợp của cả hai Chính phủ Lào và Việt Nam, các hiệp định mới về các vấn đề liên quan, trên tinh thần tôn trọng nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người dân, được đàm phán và ký kết giữa Chính phủ hai nước.