Điều kiện để được ứng cử vào ban quản trị nhà chung cư? Thành phần ban quan trị chung cư, cụm nhà chung cư? Cách thức thành lập Ban quản trị nhà chung cư? Nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư?
Ban quản trị nhà chung cư là một tổ chức đại diện cho toàn bộ các hộ gia đình đang sở hữu căn hộ trong chung cư, thay mặt cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng để thực hiện các quyền và trách nhiệm liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật. Ban quản trị nhà chung cư thực hiện các công việc quản lý và vận hành khu nhà theo quy định hiện hành của pháp luật về nhà ở.
Để có thể ứng cử vào ban quản trị nhà chung cư, các ứng cử viên cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về thành viên ban quản trị chung cư và phải có sổ đỏ hay giấy chững nhận quyền sở hữu đất của tòa nhà. Đối với trường hợp là người đang sử dụng căn hộ hoặc có phần diện tích khác trong nhà chung cư nhưng không phải là chủ sở hữu mà được chủ sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích đó ủy quyền cho tham gia hội nghị nhà chung cư thì vẫn có thể ứng cử vào ban quản trị nhà chung cư. Vậy điều kiện để được ứng cử vào ban quản trị nhà chung cư gồm những điều kiện nào? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc những điều kiện để được ứng cử vào ban quản trị nhà chung cư theo quy định của pháp luật hiện hành.
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
1. Điều kiện để được ứng cử vào ban quản trị nhà chung cư
Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư 28/2016/TT-BXD thì điều kiện để được ứng cử vào ban quản trị nhà chung cư bao gồm:
– Thành viên Ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu và đang sử dụng nhà chung cư đó đối với trường hợp nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu.
– Thành viên Ban quản trị nhà chung cư phải là đại diện chủ sở hữu và người đang sử dụng nhà chung cư đối với trường hợp nhà chung cư có một chủ sở hữu.
Ngoài ra, người đang sử dụng căn hộ trong chung cư hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư mà không phải là chủ sở hữu nhưng được chủ sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư đó ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư thì có thể được bầu làm thành viên Ban quản trị nhà chung cư.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 102 Luật Nhà ở 2014 thì Hội nghị nhà chung cư là hội nghị của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu nhà chung cư không tham dự.
Điểm a, Khoản 3, Điều 102 Luật Nhà ở 2014 quy định, Hội nghị nhà chung cư được tổ chức họp để quyết định nhiều vấn đề, trong đó có việc đề cử, bầu, bãi miễn các thành viên Ban quản trị.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư 28/2016/TT-BXD Yêu cầu đối với thành viên ban quản trị nhà chung cư như sau:
“1. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì thành viên Ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu và đang sử dụng nhà chung cư đó; trường hợp người đang sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư không phải là chủ sở hữu nếu được chủ sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích khác đó ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư thì có thể được bầu làm thành viên Ban quản trị nhà chung cư.
Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì thành viên Ban quản trị nhà chung cư là đại diện chủ sở hữu và người đang sử dụng nhà chung cư”.
Như vậy, có thể thấy các ứng cử viên là bà con chung cư muốn tham gia ban quản trị thì phải có sổ hồng, trong trường hợp người đang sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư không phải là chủ sở hữu nhưng được chủ sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích khác đó ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư thì người đó cũng có thể được bầu làm thành viên Ban quản trị nhà chung cư.
2. Thành phần ban quan trị chung cư, ,cụm nhà chung cư
Theo quy định của Luật Nhà ở 2014 thì thành phần ban quản trị chung cư, cụm nhà chung cư phụ thuộc vào đặc điểm về chủ sở hữu của nhà chung cư, cụm chung cư.
2.1. Thành phần Ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu
– Thành phần ban quản trị nhà chung cư
Ban quản trị nhà chung cư bao gồm 01 Trưởng ban, 01 hoặc 02 Phó ban và các thành viên khác do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Trong trường hợp chủ đầu tư còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư thì đại diện của chủ đầu tư đó có thể được bầu làm Trưởng ban quản trị nhà chung cư trong hội nghị nhà chung cư; trường hợp không được bầu làm Trưởng ban thì được tham gia làm Phó ban quản trị nhà chung cư.
– Thành phần ban quản trị cụm nhà chung cư
Ban quản trị của cụm nhà chung cư bao gồm 01 Trưởng ban; 01 hoặc 02 đại diện làm Phó ban do mỗi tòa nhà trong cụm chung cư để cử trong hội nghị cụm nhà chung cư và các thành viên khác do hội nghị cụm nhà chung cư quyết định.
Trong trường hợp chủ đầu tư còn sở hữu diện tích trong cụm nhà chung cư thì đại diện của chủ đầu tư đó có thể được bầu làm Trưởng ban quản trị cụm nhà chung cư bởi hội nghị cụm nhà chung cư. Đối với mỗi tòa nhà trong cụm nhà chung cư mà chủ đầu tư còn sở hữu diện tích thì chủ đầu tư đó được cử đại diện tham gia làm Phó Ban quản trị của cụm chung cư, trừ trường hợp đại diện chủ đầu tư của tòa nhà đó được bầu làm Trưởng ban quản trị của cụm nhà chung cư.
2.2. Thành phần Ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư có một chủ sở hữu
Đối vói nhà chung cư, cụm nhà chung cư có một chủ sở hữu thì thành phần ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư bao gồm 01 Trưởng ban và 01 hoặc 02 Phó ban và các thành viên khác do hội nghị cụm nhà chung cư quyết định.
2.3. Số lượng thành viên Ban quản trị nhà chung cư
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 28/2016/TT-BXD thì số lượng thành viên Ban quản trị nhà chung cư được quy định như sau:
“1. Số lượng thành viên Ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư do hội nghị nhà chung cư quyết định theo nguyên tắc sau đây:
a) Đối với một tòa nhà chỉ có một khối nhà (block) thì có tối thiểu 03 thành viên Ban quản trị; trường hợp một tòa nhà có nhiều khối nhà (block) có chung khối đế nổi trên mặt đất thì mỗi khối nhà (block) có tối thiểu 01 thành viên Ban quản trị;
b) Đối với một cụm nhà chung cư thì có số lượng tối thiểu 06 thành viên Ban quản trị.”
Theo đó, đối với ban quản trị của tòa nhà chung cư thì có số lượng thành viên Ban quản trị nhà chung cư từ 03 đến 05 thành viên còn đối với ban quản trị của cụm nhà chung cư thì có số lượng thành viên Ban quản trị cụm nhà chung cư từ 06 đến 25 thành viên, trong đó mỗi tòa nhà trong cụm nhà chung cư có số lượng từ 03 đến 05 thành viên.
Như vậy, quy định của pháp luật về nhà ở hiện nay chỉ quy định số lượng tối thiểu thành viên Ban Quản trị nhà chung cư chứ không giới hạn số lượng thành viên ban quản trị nhà chung cư tối đa. Số lượng thành viên ban quản trị nhà chung cư bao nhiêu do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Cơ cấu thành viên tham gia ban quản trị nhà chung cư được quy định theo khối nhà, nhà chung cư hay cụm nhà chung cư.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, cụm nhà chung cư được quyền cử đại diện tham gia Ban Quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư. Đại diện của chủ đầu tư còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, cụm nhà chung cư có thể được hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư bầu làm Trưởng ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư; trường hợp không được bầu làm Trưởng ban thì được tham gia làm Phó ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư. Mỗi tòa nhà trong cụm nhà chung cư còn sở hữu diện tích thì được cử đại diện tham gia làm Phó Ban quản trị của cụm nhà chung cư trừ trường hợp đại diện chủ đầu tư của tòa nhà chung cư đó đã được bầu làm Trưởng ban quản trị của cụm nhà chung cư.
3. Cách thức thành lập Ban quản trị nhà chung cư
Ban quản trị nhà chung cư được thành lập thông qua hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư.
– Hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư là hội nghị của toàn thể chủ sở hữu nhà chung cư, cụm nhà chung cư, hội nghị nhà chung cư có thể hiểu như là Đại hội đồng cổ đông của một công ty Cổ phần. Hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư lần đầu phải được tiến hành tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao (bao gồm cả số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán); trong trường hợp đã quá thời hạn quy định mà tòa nhà chung cư chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tổ chức sau khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư bầu, Ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị công nhận Ban quản trị quy định tại Ủy ban nhân dân cấp quận nơi có nhà chung cư, cụm nhà chung cư. Sau khi có quyết định công nhận, Ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư chính thức được công nhận và có trách nhiệm lập tài khoản, khắc con dấu,…
4. Nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư
Ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư có trách nhiệm và nhiệm vụ như sau:
– Đôn đốc, nhắc nhở các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, cụm nhà chung cư trong việc thực hiện nội quy, quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, cụm nhà chung cư;
– Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, cụm nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và quyết định của Hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư; báo cáo Hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này;
– Đề nghị Hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, cụm nhà chung cư;
– Đại diện ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, cụm nhà chung cư với chủ đầu tư hoặc đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư, cụm nhà chung cư sau khi đã được Hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư lựa chọn;
– Đại diện các chủ sở hữu nhà chung cư và các chủ hộ trong nhà chung cư, cụm nhà chung cư ký hợp đồng với đơn vị có năng lực bảo trì nhà ở;
– Thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các chủ sở hữu nhà chung cư, cụm nhà chung cư. Phối hợp với chính quyền địa phương để giữ an ninh trật tự, an toàn xã hội trong nhà chung cư, cụm nhà chung cư;
– Thực hiện các công việc khác theo nghị quyết của Hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư;
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và các chủ sở hữu nhà chung cư, cụm nhà chung cư khi thực hiện những quyền và nghĩa vụ trên.