Thành viên giao dịch chứng khoán bao gồm những ai? Điều kiện, thủ tục trở thành thành viên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán?
Hiện nay như chúng ta đã biết thì các Sở giao dịch chứng khoán hầu hết hoạt động như một tố chức tự quản trong hoạt động của thị trường chứng khoán. Sở giao dịch chứng khoán có các thành viên và các thành viên đó sẽ được hưởng quyền lợi cũng như phải thực hiện các nghĩa vụ khi hoạt động trong Sở giao dịch chứng khoán. Vậy điều kiện trở thành thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán gồm những điều kiện gì và những điều kiện trở thành thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán được pháp luật quy định cụ thể thế nào? Dưới đây là thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý:
Luật chứng khoán 2019
Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán
Luật sư
1. Thành viên giao dịch chứng khoán bao gồm những ai?
Chứng khoán là tài sản bao gồm: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; Chứng khoán phái sinh; Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định. Hiện nay, trên thị trường chứng khoán diễn ra thường xuyên, liên tục các hoạt động về chứng khoán bao gồm: bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019.
Căn cứ theo quy định tại “Điều 47. Thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam
1. Thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam bao gồm:
a) Thành viên giao dịch là công ty chứng khoán được Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên giao dịch;
b) Thành viên giao dịch đặc biệt là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên giao dịch đặc biệt.
2. Thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có các quyền sau đây:
a) Sử dụng hệ thống giao dịch chứng khoán và các dịch vụ do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con cung cấp;
b) Nhận các thông tin về thị trường giao dịch chứng khoán từ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con;
c) Đề nghị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam làm trung gian hòa giải khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán của thành viên giao dịch;
d) Đề xuất và kiến nghị các vấn đề liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con;
đ) Quyền khác theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
3. Thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chịu sự giám sát của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con đối với hoạt động giao dịch chứng khoán và hoạt động công bố thông tin theo quy định tại quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam;
b) Công bố thông tin theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam;
c) Hỗ trợ các thành viên giao dịch khác theo yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong trường hợp cần thiết;
d) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán bao gồm các Nhà môi giới chứng khoán và các Nhà kinh doanh chứng khoán, đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra như tình trạng tài chính vững mạnh, trang thiết bị tốt và trình độ chuyên môn cao, đủ khả năng thực hiện các hoạt động nghiệp vụ về chứng khoán.
2. Điều kiện, thủ tục trở thành thành viên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán:
Căn cứ dựa trên quy định của pháp luật thì để có thể trở thành thành viên của Sở giao dịch chứng khoán , trước hết phải đáp ứng được các tiêu chuẩn thành viên của Sở. Mỗi Sở giao dịch chứng khoán đều đề ra những tiêu chuẩn nhất định về thành viên của mình dựa trên cơ Sở tình hình phát triển của thị trường chứng khoán cũng như sự phát triển của công ty chứng khoán. Điều kiện trở thành thành viên giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán (Điều 97 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán)
– Công ty chứng khoán là thành viên bù trừ hoặc thành viên lưu ký có hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ chung; trường hợp đăng ký trở thành thành viên giao dịch công cụ nợ, công ty chứng khoán là thành viên lưu ký và được cấp phép thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Chứng khoán. Thông thường yêu cầu đặt ra là thành viên phải có một số vốn tối thiểu nhất định. Việc quy định các số vốn tối thiểu chủ yếu là nhằm đảm bảo cho thành viên của Sở sẽ có đủ năng lực tài chính thực hiện hoạt động nghiệp vụ bình thường, tạo sự tin tưởng của khách hàng đối với các thành viên.
– Đáp ứng yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin, quy trình nghiệp vụ và nhân sự theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán. Như vậy có thể hiểu về vấn đề này đó là cụ thể như một số tổ chức như công ty chứng khoán để trở thành thành viên của Sở giao dịch đòi hỏi phải có Ban giám đốc và đội ngũ chuyên gia có năng lực, trình độ chuyên môn cao về kinh doanh và có phẩm chất đạo đức tốt, có thể thấy tiêu chí được đưa ra này cũng nhằm để đảm bảo cho hoạt động mua bán chứng khoán ở Sở giao dịch chứng khoán được thực hiện một cách công bằng và lành mạnh.
– Không trong tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt theo quy định pháp luật.
Thủ tục trở thành thành viên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán:
Thứ nhất: Về hồ sơ đăng ký thành viên giao dịch (Điều 98 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán)
– Giấy đăng ký thành viên theo Mẫu số 25 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020;
– Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán.
– Giấy chứng nhận thành viên bù trừ (trường hợp công ty chứng khoán là thành viên bù trừ đăng ký trở thành thành viên giao dịch); hoặc Giấy chứng nhận thành viên lưu ký và Hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ chung (trường hợp công ty chứng khoán không phải là thành viên bù trừ đăng ký trở thành thành viên giao dịch); hoặc Giấy chứng nhận thành viên lưu ký (trường hợp công ty chứng khoán đăng ký trở thành thành viên giao dịch công cụ nợ).
– Bản thuyết minh về hạ tầng công nghệ thông tin, quy trình nghiệp vụ và nhân sự.
Thứ hai: Trình tự, thủ tục đăng ký thành viên giao dịch (Điều 101 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán)
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở giao dịch chứng khoán có văn bản yêu cầu tổ chức đăng ký thành viên hoàn thiện cơ sở vật chất, cài đặt hệ thống, kết nối các phần mềm truyền nhận dữ liệu giao dịch, thử nghiệm giao dịch;
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức đăng ký thành viên đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật trên cơ sở kết quả kiểm tra của Sở giao dịch chứng khoán, tổ chức đăng ký thành viên ký kết các hợp đồng cung cấp dịch vụ với Sở giao dịch chứng khoán và đăng ký ngày giao dịch chính thức;
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức đăng ký thành viên hoàn tất các yêu cầu để chuẩn bị triển khai giao dịch theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, Sở giao dịch chứng khoán ra quyết định chấp thuận tư cách thành viên và công bố thông tin về thành viên trên phương tiện công bố thông tin của Sở giao dịch chứng khoán.
Như vậy có thể thấy, để trở thành thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán cần phải có các điều kiện tiêu chuẩn do pháp luật đề ra. Sở giao dịch chứng khoán có các thành viên giao dịch chính theo quy định đó là các nhà môi giới hưởng hoa hồng hoặc kinh doanh chứng khoán cho chính mình tham gia giao dịch trên sàn hoặc thông qua hệ thống giao dịch đã được điện toán hóa. Công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán phải đáp ứng các yêu cầu trở thành thành viên của Sở giao dịch chứng khoán và được hưởng các quyền, cũng như các nghĩa vụ do Sở giao dịch chứng khoán quy định. Chuẩn mực kinh doanh của các thành viên theo quy định do Sở giao dịch chứng khoán đặt ra, nhằm mục đích để có thể đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và duy trì một thị trường hoạt động công bằng, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó nên các thành viên Sở giao dịch chứng khoán phải có một thực trạng tài chính lành mạnh, trang thiết bị tốt và đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, đủ khả năng thực hiện việc kinh doanh chứng khoán trên thị trường và hơn nữa khi thị trường càng phát triển thì tiêu chuẩn làm thành viên càng chặt chẽ.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Điều kiện trở thành thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán” và một số thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.