Quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài? Nguyên tắc hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài?
Luật Đầu tư 2020 được ban hanh đã đưa ra các quy định nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, giải pháp đối thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cụ thể là sự xuất hiện của nhóm quy định mới liên quan đến điều kiện tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với Nhà đầu tư trong nước, trừ những trường hợp lĩnh vực đầu tư cụ thể theo quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài:
Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 quy định nội dung sau:
“Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.”
Như vậy, trừ những ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước.
Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài căn cứ vào Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Danh mục đó bao gồm:
– Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường: Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề này.
– Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện: Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đã được công bố.
Theo Điều 9
“1. Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
a) Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
b) Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
3. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
b) Hình thức đầu tư;
c) Phạm vi hoạt động đầu tư;
d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
đ) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Luật Đầu tư năm 2020 được ban hành bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9
Như vậy, điều kiện để tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng theo các hình thức nêu tại khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư năm 2020. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế.
– Điều kiện về hình thức đầu tư.
– Điều kiện về phạm vi hoạt động đầu tư.
– Điều kiện về năng lực của nhà đầu tư cũng như đối tác tham gia hoạt động đầu tư.
– Ngoài ra, còn cần đáp ứng các điều kiện khác theo quy định tại Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, ngoài điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định tại Danh mục, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính Phủ, cụ thể:
– Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.
– Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước.
– Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản.
– Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ.
– Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, ta nhận thấy, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục này sẽ được Chính phủ quy định chi tiết. Về cơ bản, các điều kiện được đặt ra với các nhà đàu tư nước ngoài sẽ bao gồm:Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; Hình thức đầu tư; Phạm vi hoạt động đầu tư; Năng lực của nhà đầu từ; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; Các điều kiện khác căn cứ vào đặc thù của từng ngành, nghề cụ thể; …
Nguyên nhân chính để các nhà lập pháp ban hành quy định được nêu trên là do tính chất của việc đầu tư kinh doanh những ngành, nghề trong luật đầu tư có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến trật tự, an toàn xã hội, lợi ích cộng đồng, lợi ích của Nhà nước, pháp luật về đầu tư tại Việt Nam. Do đó để có môi trường kinh doanh phát triển minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giửa các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì việc đổi mới các quy định trong luật đầu tư là rất thiết thực và cần thiết thể hiện sự sáng tạo, tinh tế của các nhà làm luật nhằm mục đích để có thể nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Từ ngày 01/01/2021, các nhà đầu tư nước ngoài, trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam thì sẽ cần phải tra cứu Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường để biết:
– Nếu ngành, nghề kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thuộc trường hợp tiếp cận có điều kiện thì các nhà đầu tư sẽ cần tiếp tục tra cứu những điều kiện tiếp cận thị trường tại các văn bản pháp luật có liên quan.
– Nếu ngành, nghề kinh doanh thuộc trường hợp chưa tiếp cận thì các nhà đầu tư không triển khai đầu tư.
– Nếu ngành, nghề kinh doanh không thuộc Danh mục hạn chế tiếp cận thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được áp dụng theo các điều kiện giống với nhà đầu tư trong nước theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
2. Nguyên tắc hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, một trong những nguyên tắc để áp dụng hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài luôn được nhấn mạnh đó là: Trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 17 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, việc áp dụng hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện theo các nguyên tắc điển hình như:
– Nguyên tắc đầu tiên đó là các nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường.
– Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải theo quy định.
– Điều kiện tiếp cận thị trường với ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài:
+ Cần lưu ý trong trường hợp nếu pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước;
+ Nếu pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.
– Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, nghề khác nhau theo quy định của pháp luật nước ta sẽ cần phải đáp ứng toàn bộ điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề đó.
Như cậy, pháp luật nước ta đã quy định cụ thể về các nguyên tắc hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài. Các chủ thể là nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư tại Việt Nam cần tuân thủ các nguyên tắc được nêu cụ thể bên trên về việc hạn chế tiếp cận thị trường. Việc quy định như vậy là hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng như vai trò hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.