Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm để thu hồi khoáng sản bao gồm có xây dựng cơ bản mỏ, khai đào,....Vậy điều kiện, thủ tục thành lập doanh nghiệp khai thác khoáng sản như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp khai thác khoáng sản:
Điều 51 Luật Khoáng sản 2010 quy định doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản được khai thác khoáng sản khi doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp;
Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp muốn tiến hành khai thác khoáng sản thì điều kiện tối thiểu cần phải đáp ứng là phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo
Tại phụ lục IV danh mục ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 có quy định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, khai thác khoáng sản là một trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong danh mục ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện. Chính vì thế, khi doanh nghiệp kinh doanh khai thác khoáng sản, ngoài việc phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp đó phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.
Tại khoản 2 Điều 53 Luật Khoáng sản 2010 được sửa đổi bởi Luật số 35/2018/QH14 có quy định về các điều kiện để một doanh nghiệp được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, theo điều này thì để một doanh nghiệp được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản thì doanh nghiệp đó phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thực hiện thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch có liên quan theo các quy định của pháp luật về quy hoạch. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có các phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, các phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; đối với khoáng sản độc hại thì còn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản;
– Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, việc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
– Giấy phép khai thác khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực mà không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản hợp pháp và phải không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản hay khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia;
– Không chia cắt khu vực khoáng sản có thể đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho nhiều tổ chức, cá nhân khai thác ở quy mô nhỏ.
2. Thủ tục thành lập doanh nghiệp khai thác khoáng sản:
2.1. Đăng ký thành lập doanh nghiệp:
Bước 1: chuẩn bị trước khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Trước khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp nên chuẩn bị trước các vấn đề sau:
– Chuẩn bị tên công ty khai thác khoáng sản: Căn cứ quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020, tên của doanh nghiệp kinh doanh khai thác khoáng sản gồm 2 thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng doanh nghiệp:
+ Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; đối với công ty cổ phần thì được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP”; đối với công ty hợp danh được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD”; đối với doanh nghiệp tư nhân được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc viết “doanh nghiệp TN”;
+ Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu;
+ Ngoài ra, tên của doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện không vi phạm các quy định tại Điều 38, 39 của Luật Doanh nghiệp 2020.
– Chuẩn bị trụ sở doanh nghiệp khai thác khoáng sản:
+ Trụ sở chính của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và phải được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; phải có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có) và phải là nơi thuộc về quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp;
+ Doanh nghiệp khai thác khoáng sản không được đăng ký trụ sở tại các chung cư và nhà tập thể vì theo các quy định luật Nhà ở, chung cư và nhà tập thể chỉ nhằm mục đích là để ở.
– Chuẩn bị nghành nghề kinh doanh của công ty khai thác khoáng sản: các ngành nghề liên quan đến kinh doanh khoáng sản được quy định như sau:
+ Khai thác và thu gom than cứng (có mã ngành nghề: 0510);
+ Khai thác và thu gom than non (có mã ngành nghề: 0520);
+ Khai thác khí đốt tự nhiên (có mã ngành nghề: 0620);
+ Khai thác quặng sắt (có mã ngành nghề: 0710);
+ Khai thác quặng kim loại khác không chứa sắt. Chi tiết: Khai thác quặng bôxít (có mã ngành nghề: 0722);
+ Khai thác đá, cát, sỏi, đất sét (có mã ngành nghề: 0810);
+ Khai thác khoáng hoá chất và khoáng phân bón (có mã ngành nghề: 0891);
+ Khai khoáng khác (có mã ngành nghề: 0899);
+ Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu thô và khí tự nhiên (có mã ngành nghề: 0910);
+ Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng khác (có mã ngành nghề: 0990);
– Chuẩn bị vốn điều lệ:
Luật không có quy định cụ thể về mức vốn điều lệ của doanh nghiệp khai thác khoáng sản nên doanh nghiệp có thể lựa chọn một mức vốn điều lệ phù hợp với chủ doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của công ty.
Lưu ý: doanh nghiệp khoáng sản thực hiện việc khai thác khoáng sản phải đảm bảo về điều kiện là có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
– Chuẩn bị hồ sơ khi thực hiện thủ tục thành lập công ty khai thác khoáng sản:
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
+ Điều lệ công ty;
+ Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu như chuẩn bị thành lập doanh nghiệp khoáng sản là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần);
+ Bản sao các loại giấy tờ: bản sao thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiều còn thời hạn của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập (nếu như chuẩn bị thành lập doanh nghiệp khoáng sản là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần); của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu doanh nghiệp (nếu như chuẩn bị thành lập doanh nghiệp khoáng sản là doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên);
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu như thành viên, cổ đông là tổ chức;
+ Bản sao thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức nếu như thành viên, cổ đông là tổ chức;
+ Các giấy tờ cần thiết khác (nếu có);
+
Bước 2: nộp hồ sơ
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đã chuẩn bị đến Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp khoáng sản đặt trụ sở
Bước 3: giải quyết hồ sơ
Sau khi nộp hồ sơ tại sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp khoáng sản đặt trụ sở chính, trong thời hạn 03 – 05 ngày làm việc, nếu hồ sơ thành lập doanh nghiệp hợp lệ và đầy đủ thì sở kế hoạch và đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Công bố thông tin đăng ký kinh doanh
Doanh nghiệp khoáng sản sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải tiến hành thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo đúng các trình tự, thủ tục pháp luật quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai.
Bước 5: Khắc dấu và công bố mẫu dấu
Doanh nghiệp khoáng sản có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung của con dấu doanh nghiệp mình. Sau đó thông báo mẫu con dấu với Sở kế hoạch và đầu tư. Sau khi nhận được thông báo về mẫu con dấu, Phòng đăng ký kinh doanh thực hiện trao giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp khoáng sản trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và tiến hành cấp thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
2.2. Xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ
Doanh nghiệp khoáng sản đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau để đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, bao gồm các giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản;
– Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản;
– Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan chức năng có thẩm quyền;
– Dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt và bản sao của giấy chứng nhận đầu tư;
– Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết về bảo vệ môi trường;
– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì phải có cả văn bản xác nhận trúng đấu giá;
– Văn bản xác nhận vốn chủ sở hữu để chứng vinh về điều kiện được cấp giấy phép khai thác khoáng sản là có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Bước 2: nộp hồ sơ
Doanh nghiệp nộp hồ sơ tới cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản thuộc về:
– Ủy ban nhân dân cấp nếu như khai thác khoáng sản để làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ tại khu vực đã được Bộ tài nguyên và môi trường khoanh vùng và công bố.
– Bộ tài nguyên và môi trường trong các trường hợp không thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã nói trên.
Bước 3: giải quyết hồ sơ
Sau khi nhận hồ sơ, cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý hồ sơ trong thời hạn tối đa là 90 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu như đủ điều kiện, hồ sơ hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp.
3. Quy định về khai thác khoáng sản:
Khai thác khoảng sản là hoạt động nhằm để thu hồi khoáng sản bao gồm có xây dựng cơ bản mỏ, khai đào,….. và những hoạt động khác có liên quan.
Khoáng sản được hiểu là khoáng vật, khoáng chất có ích mà được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí và tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất bao gồm có cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ. Khoáng sản sẽ được chia làm bốn nhóm:
– Khoáng sản kim loại: đây là những quặng, qua quá trình chế luyện, lấy ra kim loại hoặc các hợp chất của chúng, nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt, nhóm kim loại cơ bản như là thiếc, đồng, chì, kẽm;
– Khoáng sản phi kim: đây là những khoáng quặng được sử dụng trực tiếp hoặc qua chế biến để lấy ra các đơn chất hoặc hợp chất không kim loại như lưu huỳnh, apatit, photphorit, sét, kaolin, cát,…
– Khoáng sản nhiên liệu có đá, có nguồn gốc từ sinh vật (than bùn, than đá, dầu,…) loại khoáng sản này ngoài việc là đế làm chất đốt, khoáng sản nhiên liệu thì còn để sản xuất ra hóa phẩm, dược phẩm
– Khoáng sản nước là những loại nước được dùng cho sinh hoạt và công nghiệp như nước khoáng, bùn khoáng được sử dụng trong y tế và sinh hoạt.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Khoáng sản 2010;
– Luật Đầu tư 2020;
– Luật Doanh nghiệp 2020.