Vận tải đường sắt là hình thức vận tải giao thông phổ biến, và đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ tại nước ta. Vậy điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt là gì?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện cấp, cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt:
1.1. Điều kiện cấp, cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt:
Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định rõ về việc người được cấp giấy phép lái tàu phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Điều kiện cấp giấy phép lái tàu đường sắt đối với lái tàu trên các tuyến đường sắt đang khai thác:
+ Cá nhân muốn được cấp giấy phép lái tàu đường sắt phải có độ tuổi từ đủ 23 tuổi đến 55 tuổi đối với nam, từ đủ 23 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ; có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
+ Chủ thể xin xét cấp bằng lái tàu phải có bằng hoặc chứng chỉ trình độ sơ cấp trở lên về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo cấp;
+ Trước khi xin làm giấy phép lái tàu, chủ thể có yêu cầu phải có thời gian làm phụ lái tàu an toàn liên tục: 24 tháng trở lên đối với loại giấy phép lái đầu máy diesel (dùng cho cả lái toa xe động lực diesel), giấy phép lái đầu máy điện (dùng cho cả lái toa xe động lực chạy điện), giấy phép lái đầu máy hơi nước; 12 tháng trở lên đối với loại giấy phép lái tàu là phương tiện chuyên dùng.
– Điều kiện cấp giấy phép lái tàu đường sắt đối với đối với lái tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam:
+ Lái tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam phải là chủ thể có độ tuổi từ đủ 23 tuổi đến 55 tuổi đối với nam, từ đủ 23 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ; có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
+ Lái tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam phải có bằng hoặc chứng chỉ trình độ sơ cấp trở lên về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp; hoặc bằng hoặc chứng chỉ lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do tổ chức nước ngoài cấp qua quá trình đào tạo, chuyển giao công nghệ của dự án;
Có thể thấy, theo quy định của pháp luật, đối với từng tuyến đường sắt cụ thể, mà yêu cầu, điều kiện về lái tàu đường sắt cũng là khác nhau. Nói cách khác, muốn được cấp giấy phép lái tàu đường sắt, các cá nhân có yêu cầu phải đảm bảo được những điều kiện cụ thể nêu trên.
1.2. Ý nghĩ của tiêu chuẩn cấp giấy phép lái tàu đường sắt mà Nhà nước đưa ra:
Tàu đường sắt là loại phương tiện giao thông, phục vụ cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành lý, hành khách trên tuyến đường sắt.
Việc vận chuyển bằng tàu trên đường sắt thường áp dụng đối với các chuyến đi dài, khoảng cách xa. Đặc biệt, tàu sắt sẽ vận chuyển hàng hóa, hành lý, hành khách với số lượng lớn. Do đó, tính an toàn trong hoạt động di chuyển phải đạt ở mức tuyệt đối.
Trong quá trình di chuyển, rất dễ phát sinh các trường hợp ngoài ý muốn, khẩn cấp, đòi hỏi sự xử lý linh hoạt, kinh nghiệp của người lái tàu. Vậy nên, cơ quan Nhà nước đã đưa ra những quy định về điều kiện đối với việc cấp giấy phép lái tàu cho các cá nhân. Chỉ khi đảm bảo tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà Nhà nước đưa ra, chủ thể có yêu cầu mới được cấp giấy phép lái tàu đường sắt. Mục đích lớn nhất của các quy định này là đảm bảo tính an toàn trong hoạt động vận tải đường sắt.
2. Thủ tục cấp, cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt:
2.1. Hồ sơ cấp, cấp, cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt:
2.1.1. Hồ sơ cấp giấy phép lái tàu đường sắt:
Để xin cấp giấy phép lái tàu đường sắt, các cá nhân cần chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ sau đây:
– Bản chính văn bản giấy hoặc bản điện tử văn bản đề nghị tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái tàu của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt
– Bản gốc hoặc bản điện tử đơn đề nghị sát hạch cấp giấy phép lái tàu theo mẫu quy định.
– Bản gốc hoặc bản điện tử hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có chứng thực giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe lái tàu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có chứng thực bằng hoặc chứng chỉ chuyên ngành lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch;
– 03 ảnh màu cỡ 3x4cm ảnh chụp hoặc ảnh điện tử chụp trong thời hạn không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
2.1.2. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt:
Theo quy định của pháp luật, giấy phép lái tàu đường sắt được cấp lại trong trường hợp hết hạn sử dụng; hoặc bị hư hỏng hoặc bị mất.
Hồ sơ xin cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt gồm các loại giấy tờ, tài liệu cụ thể sau đây:
– Bản gốc hoặc bản điện tử văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lái tàu của doanh nghiệp theo mẫu.
– Bản gốc hoặc bản điện tử đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái tàu theo mẫu quy định.
– Bản gốc hoặc bản điện tử hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có chứng thực giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe lái tàu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
– 03 ảnh màu cỡ 3x4cm ảnh chụp hoặc ảnh điện tử chụp trong thời hạn không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
2.2. Thủ tục xin cấp, cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Đối với từng trường hợp xin cấp hoặc xin cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt, các cá nhân phải đảm bảo chuẩn bị đầy đủ hồ sơ (với các giấy tờ, tài liệu yêu cầu) theo quy định của pháp luật.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, các cá nhân sẽ gửi hồ sơ lên cơ quan cấp giấy phép lái tàu theo một trong các hình thức như: nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa; nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; nộp qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác.
– Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Cơ quan cấp giấy phép lái tàu sẽ tiếp nhận hồ sơ mà các cá nhân gửi lên.
+ Trong trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định, cơ quan cấp giấy phép lái tàu có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ qua bộ phận một cửa hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến; 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ theo các hình thức khác.
+ Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, đúng theo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép lái tàu cấp lại giấy phép lái tàu cho những trường hợp đạt yêu cầu.
3. Một số lưu ý xoay quanh nội dung phân tích về điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt:
Nội dung về điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt được người viết phân tích dựa theo Thông tư 15/2023/TT-BGTVT sẽ có hiệu lực vào ngày 15 tháng 9 năm 2023.
Nội dung về điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt tại thông tư này có những điều chỉnh mới, mang tính áp dụng chung, cụ thể cho các trường hợp muốn xin cấp giấy phép lái tàu đường sắt.
Thực tế hiện nay, khi nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tại nước ta ngày một lớn, thì nhu cầu được xin cấp lại giấy phép lái tàu ngày một nhiều. Khi mà Luật giao thông dần có sự điều chỉnh kịp thời, để theo sát và nắm bắt tình hình thực tiễn, thì các vấn đề liên quan đến hoạt động vận tải hành khách cũng cần có sự phân bổ và điều chỉnh hợp lý nhất. Điều này nhằm mục đích nâng cao chất lượng cho hoạt động vận tải giao thông đường sắt tại nước ta.
Vào tháng 9 năm 2023 này, Thông tư 15/2023/TT-BGTVT sẽ có hiệu lực. Đồng nghĩa với việc các nội dung trong thông tư về việc điều chỉnh hoạt động đường sắt cũng được tuân thủ thực hiện. Đặc biệt về điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại giấy phép lái tàu đường sắt, cá nhân có nhu cầu sẽ phải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn mà cơ quan Nhà nước đưa ra.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Thông tư 15/2023/TT-BGTVT