Điều kiện thành lập viện dưỡng lão như thế nào? Thủ tục và chi phí thành lập viện dưỡng lão? Tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng nhà dưỡng lão, viện dưỡng lão?
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm, phân loại cơ sở trợ giúp xã hội:
- 2 2. Điều kiện thành lập cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi:
- 3 3. Điều kiện để cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi được đưa vào hoạt động:
- 4 4. Hồ sơ thành lập cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi:
- 5 5. Thủ tục thành lập cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi:
1. Khái niệm, phân loại cơ sở trợ giúp xã hội:
Chào anh/chị, Tôi muốn thành lập viện dưỡng lão. Không biết cần điều kiện như thế nào? Bên bạn có làm dịch vụ thủ tục thành lập không? Chi phí ra sao? Nơi thành lập: khu dân cư dịch vụ Tân bình thuộc xã tân bình, thị xã dĩ an, bình dương.. diện tích đất 420m2, diện tích xây dựng 1000m2. 1 trệt 2 lầu 1 sân thượng. Phía trước nhà là công viên cây xanh, hồ nước… cảnh quan rất đẹp. Vui lòng tư vấn giúp?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 103/2017/NĐ-CP thì viện dưỡng lão hay còn được gọi là cơ sở trợ giúp xã hội dành cho người cao tuổi. Theo đó cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm cơ sở trợ giúp xã hội công lập và cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập.
– Cơ sở trợ giúp xã hội công lập được thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quản lý và cung cấp nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội là từ cơ quan nhà nước.
– Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.
Như vậy viện dưỡng lão mà bạn đang muốn thành lập sẽ được xác định là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập.
2. Điều kiện thành lập cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi:
– Về cơ sở vật chất
Nếu muốn thành lập viện dưỡng lão thì phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất được quy định tại Điều 24 Nghị định 103/2017/NĐ-CP như sau:
+ Trong viện dưỡng lão phải có các cơ sở phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người ở bao gồm: nhà ở, nhà bếp, khu nhà cho cán bộ nhân viên làm việc; điện, đường đi nội bộ; khu vực cho hoạt động vui chơi giải trí; hệ thống cấp, thoát nước và khu sản xuất, khu lao động trị liệu (nếu có).
+ Về diện tích đất tự nhiên:
Nếu xây dựng viện dưỡng lão ở khu vực nông thôn thì phải đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu là 30 m2/1 người.
Nếu xây dựng viện dưỡng lão ở khu vực đô thị thì phải đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu là 10 m2/1 người.
+ Về diện tích phòng ở: diện tích bình quân tối thiểu tính theo đầu người sẽ là 6 m2/người. Riêng đối với những người đặc biệt phải có người chăm sóc 24/24 giờ một ngày thì diện tích phòng ở bình quân tối thiểu sẽ là 8 m2/người. Các phòng ở phải được trang bị đầy đủ các đồ dùng cần thiết phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi.
+ Ngoài ra viện dưỡng lão phải có thêm các công trình, các trang thiết bị bảo đảm cho người cao tuổi được tiếp cận và thuận tiện trong quá trình sử dụng.
– Về môi trường và vị trí
+ Trụ sở của viện dưỡng lão phải ở tại vị trí địa lý tiếp giáp với đường giao thông công cộng, các trường học, bệnh viện. Có đầy đủ nguồn điện, nước sạch để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của mọi người.
+ Môi trường sinh hoạt phải có bầu không khí trong lành, có lợi cho sức khỏe của người cao tuổi.
– Về nhân viên trợ giúp xã hội
Các cơ sở viện dưỡng lão sẽ phải có một đội ngũ nhân viên trợ giúp xã hội bảo đảm đủ về số lượng cũng như đảm bảo về mặt chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với các tiêu chuẩn, làm sao để thực hiện được các nhiệm vụ của cơ sở.
Các tiêu chuẩn của một nhân viên trợ giúp xã hội bao gồm:
+ Là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật dân sự;
+ Đảm bảo các điều kiện về sức khỏe để thực hiện trợ giúp xã hội đối tượng;
+ Có các kỹ năng cơ bản để trợ giúp xã hội, chăm sóc cho người cao tuổi;
+ Là người có phẩm chất đạo đức tốt, không có các tệ nạn xã hội, không phải là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật hình sự.
3. Điều kiện để cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi được đưa vào hoạt động:
Nếu muốn một cơ sở viện dưỡng lão được đưa vào hoạt động thì phải xin được giấy phép hoạt động. Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 103/2017/NĐ-CP thì các cơ sở đảm bảo đủ các điều kiện sau đây thì sẽ được cấp giấy phép hoạt động:
– Về người đứng đầu cơ sở viện dưỡng lão:
Phải đảm bảo được đầy đủ các điều kiện sau thì sẽ được trở thành người đứng đầu hợp pháp của viện dưỡng lão.
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật về dân sự;
+ Không bị cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tại thời điểm thành lập viện dưỡng lão nếu đã bị kết án thì phải được xóa án tích;
+ Không phải là người mắc các tệ nạn xã hội;
+ Là người có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt.
– Đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội hoặc phải là các viện dưỡng lão được thành lập một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoặc các cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
– Đối với điều kiện về môi trường và vị trí, cơ sở vật chất hay điều kiện về nhân viên trợ giúp xã hội để viện dưỡng lão được hoạt động thì áp dụng tương tự các điều kiện để được thành lập viện dưỡng lão như đã nêu ở trên.
Theo như bạn trình bày thì bạn mới đáp ứng đủ điều kiện về môi trường, vị trí và cơ sở vật chất. Chưa đáp ứng đủ yêu cầu về cán bộ nhân viên, tiêu chuẩn nghiệp vụ và cơ cấu tổ chức. Theo đó, bạn cần hoàn thiện, đáp ứng đủ các điều kiện trên để thực hiện thủ tục.
Về chi phí thành lập thì hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về chi phí thành lập viện dưỡng lão.
4. Hồ sơ thành lập cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi:
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, để thành lập trung tâm trợ giúp xã hội cho người cao tuổi cần chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm: các giấy tờ, tài liệu sau:
– Tờ khai đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập áp dụng theo mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP.
– Bản dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội được áp dụng theo mẫu số 03b được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP.
– Phương án, đề án thành lập cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi.
– Đối với các sáng lập viên của cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi phải có:
+ Phiếu lý lịch tư pháp (bản chính).
+ Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (bản sao).
+ Nếu các sáng lập viên là các cá nhân nước ngoài thì phải có bản sao hộ chiếu hoặc các chứng thực cá nhân hợp pháp khác của họ.
+ Nếu sáng lập viên mà là tổ chức nước ngoài thì cung cấp quyết định thành lập hoặc các tài liệu có giá trị pháp lý, nội dung tương đương đã được hợp pháp hóa lãnh sự (bản sao).
– Các giấy tờ hợp pháp để chứng minh về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất hoặc các hợp đồng cho thuê, cho mượn đất đai, cơ sở vật chất và tài sản gắn liền với đất để phục vụ cho hoạt động của cơ sở (cung cấp bản sao có chứng thực).
– Trong trường hợp có sự ủy quyền thì cung cấp văn bản ủy quyền cùng với các quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương khác của tổ chức; bản sao giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu, chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đó.
5. Thủ tục thành lập cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi:
Được quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 140/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Bước 1, chuẩn bị hồ sơ:
Các cá nhân, tổ chức chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu nêu trên.
– Bước 2, nộp hồ sơ:
Người yêu cầu nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi theo quy định.
Hình thức nộp: có thể nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện đến địa chỉ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Bước 3, tiếp nhận hồ sơ:
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ của các cá nhân, tổ chức yêu cầu tiến hành việc xem xét, kiểm tra.
+ Nếu hồ sơ đầy đủ thì tiếp nhận hồ sơ.
+ Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người yêu cầu bổ sung hồ sơ.
– Bước 4, cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội
Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, trong vòng thời hạn không quá 05 ngày làm việc, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập tiến hành xem xét, đối chiếu với các điều kiện theo quy định của luật.
+ Nếu hồ sơ hợp lệ thì tiến hành việc cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập đối với cơ sở đăng ký thành lập.
+ Nếu hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập viện dưỡng lão ban hành văn bản
Lưu ý: Riêng đối với các cơ sở trợ giúp xã hội mà được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc các cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý của hội và các cơ sở trợ giúp xã hội có dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ không phải thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký thành lập theo quy định nêu trên.