Hoạt động xây dưng là một hoạt động đặc thù yêu cầu người tham gia vào hoạt động này phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Vậy điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức thi công xây dựng được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là tổ chức thi công xây dựng?
Căn cứ theo quy định tại khoản 38 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 thì thi công xây dựng được quy định bao gồm cả việc xây dựng và lắp đặt các thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi hay phá dỡ công trình xây dựng,…
Theo đó, tổ chức thi công xây dựng là tổ chức có đầy đủ các điều kiện cũng như năng lực trong việc xây dựng và lắp đặt các thiết bị đối với công trình xây dưng, sửa chữa, cải tạo, tu bổ,… công trình xây dựng.
2. Điều kiện năng lực chung của tổ chức có hoạt động xây dựng:
Theo quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 1 Điều 83 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thì hoạt động xây dựng nói chung bao gồm các hoạt động sau:
– Khảo sát xây dựng;
– Lập thiết kế quy hoạch xây dựng;
– Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;
– Tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng;
– Thi công xây dựng công trình;
– Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình;
– Kiểm định xây dựng;
– Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Theo đó, để có thể tham gia vào hoạt động xây dựng thì tất cả những cá nhân, tổ chức tham gia vào những hoạt động cụ thể trên phải đáp ứng được các điều kiện chung như sau:
– Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.
– Nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động.
Theo đó, Chứng chỉ hành nghề được cấp và phân thành các hạng, bao gồm: hạng I, hạng II và hạng III. Trong đó, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực hạng I. Đối với chứng chỉ năng lực hạng II và hạng III thì sẽ do Sở Xây dựng, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ cấp. Chứng chỉ năng lực được cấp chỉ có hiệu lực 10 năm kể từ lần đầu cấp hoặc điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn thêm thời hạn của chứng chỉ năng lực.
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 83 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP cũng nêu ra một số trường hợp ngoại lệ mà tổ chức hoạt động xây dựng không yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực như đã nêu. Cụ thể như sau:
– Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (trừ thực hiện tư vấn quản lý dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP);
– Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo quy định tại Điều 22 Nghị định này và Chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án theo quy định tại Điều 23 Nghị định này;
– Thiết kế, giám sát, thi công về phòng cháy chữa cháy theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;
– Thi công công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa, nội thất và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình;
– Tham gia hoạt động xây dựng đối với công trình cấp IV; công viên cây xanh, công trình chiếu sáng công cộng; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông; dự án chỉ có các công trình nêu tại điểm này;
– Thực hiện các hoạt động xây dựng của tổ chức nước ngoài theo giấy phép hoạt động xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 148 của Luật Xây dựng năm 2014;
– Thiết kế, giám sát, thi công hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình.
3. Điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức thi công xây dựng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 95 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03 tháng 3 năm 2021 Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì tổ chức tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình phải đáp ứng các điều kiện về năng lực tương ứng với 03 hạng cụ thể. (Có thể tam khảo 03 hạng công trình xây dựng được quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2021). Cụ thể điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức thi công xây dựng được quy định như sau:
3.1. Điều kiện năng lực đối với tổ chức thi công xây dựng công trình hạng I:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 03 tháng 3 năm 2021 Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức thi công bao gồm:
– Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đủ điều kiện là chỉ huy trưởng công trường hạng I phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đảm nhận;
– Cá nhân phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ đại học hoặc cao đẳng nghề phù hợp với công việc đảm nhận và thời gian công tác ít nhất 03 năm đối với trình độ đại học, 05 năm đối với trình độ cao đẳng nghề;
– Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc, thiết bị chủ yếu đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng các công trình phù hợp với công việc tham gia đảm nhận;
– Đã trực tiếp thi công công tác xây dựng của hạng mục công trình, công trình hoặc bộ phận công trình (trong trường hợp thi công công tác xây dựng chuyên biệt) liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ của ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên cùng loại đối với trường hợp thi công công tác xây dựng;
– Đã trực tiếp thi công lắp đặt thiết bị của hạng mục công trình, công trình liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ của ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên đối với trường hợp thi công lắp đặt thiết bị vào công trình.
3.2. Điều kiện năng lực đối với tổ chức thi công xây dựng công trình hạng II:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức thi công bao gồm:
– Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đủ điều kiện là chỉ huy trưởng công trường từ hạng II trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đảm nhận;
– Cá nhân phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ đại học hoặc cao đẳng nghề phù hợp với công việc đảm nhận và thời gian công tác ít nhất 01 năm đối với trình độ đại học, 03 năm đối với trình độ cao đẳng nghề;
– Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc, thiết bị chủ yếu đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng các công trình phù hợp với công việc tham gia đảm nhận;
– Đã trực tiếp thi công công tác xây dựng của hạng mục công trình, công trình hoặc bộ phận công trình (trong trường hợp thi công công tác xây dựng chuyên biệt) liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên cùng loại đối với trường hợp thi công công tác xây dựng;
– Đã trực tiếp thi công lắp đặt thiết bị của hạng mục công trình, công trình liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên đối với trường hợp thi công lắp đặt thiết bị vào công trình.
3.3. Điều kiện năng lực đối với tổ chức thi công xây dựng công trình hạng III:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 95 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức thi công bao gồm:
– Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đủ điều kiện là chỉ huy trưởng công trường từ hạng III trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đảm nhận;
– Cá nhân phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ đại học hoặc cao đẳng nghề phù hợp với công việc đảm nhận;
– Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc, thiết bị chủ yếu đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng các công trình phù hợp với công việc tham gia đảm nhận.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2014;
– Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03 tháng 3 năm 2021 Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
– Thông tư số 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2021 Quy định về phân cấp công tình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.