Hiện nay, nhu cầu mở công ty dịch thuật tại nước ta ngày càng lớn. Vậy điều kiện mở và thủ tục thành lập công ty dịch vụ dịch thuật như thế nào? Dưới đây là bài phân tích làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Các vấn đề liên quan đến hoạt động dịch thuật và xu hướng thành lập công ty dịch thuật hiện nay:
Dịch thuật hiểu một cách đơn giản là một hình thức chuyển đổi ngôn ngữ bằng văn bản.
Hiện nay, hoạt động dịch thuật diễn ra khá phổ biến tại nước ta. Trong bối cảnh hội nhập hóa, quan hệ giao thương, qua lại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới ngày càng nhiều. Các giao dịch liên quan đến việc hợp tác kinh doanh, thương mại giữa Việt Nam và các nước khác ngày càng được đẩy mạnh.
Về nguyên tắc chung, khi tham gia giao kết bất kỳ hoạt động nào, các bên tham gia đều thể hiện những quan điểm riêng về việc thỏa thuận. Các quan điểm, ý kiến đó sẽ được xem là căn cứ điều chỉnh quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Lúc này, hoạt động dịch thuật cần được sử dụng để các bên hiểu được những thông tin, vấn đề cần được trao đổi với nhau. Cùng với đó, hoạt động giao thương qua lại giữa các quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) ngày càng được đẩy mạnh. Hiện nay, số lượng người dân Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài ngày càng nhiều. Xét vào thực tế, khi các đối tượng này hoạt động ở nước ngoài, vẫn sẽ phát sinh các quan hệ dân sự khác nhau với chủ thể trong nước. Lúc này, họ sẽ sử dụng các hình thức pháp lý khác nhau để thực hiện các giao dịch liên quan. Trong nhiều trường hợp, dịch thuật cũng được áp dụng sử dụng.
Ví dụ, trong quan hệ hôn nhân, khi công dân Việt Nam muốn kết hôn với một công dân khác tại nước ngoài, họ cần tôn trọng pháp luật của cả hai nước. Và dịch thuật là nhu cầu thiết yếu mà các chủ thể này cần được sử dụng để đảm bảo quan hệ pháp luật của các chủ thể này được diễn ra.
Chính vì những nhu cầu trong thực tiễn đó, xu hướng thành lập công ty dịch thuật ngày càng lớn. Việc ra đời các công ty dịch thuật góp phần hỗ trợ người dân thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến pháp lý một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, về phí chủ thể thành lập, nó sẽ giúp các đối tượng này thu về một nguồn lợi tương đối trong bối cảnh nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng lớn như hiện nay.
2. Điều kiện thành lập công ty dịch vụ dịch thuật:
Công ty dịch vụ dịch thuật cũng được xem là một trong những loại hình doanh nghiệp áp dụng vào một lĩnh vực cụ thể. Ngành kinh doanh dịch vụ dịch thuật là ngành kinh doanh không có điều kiện vì không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, việc thành lập công ty dịch vụ dịch thuật cũng phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
– Về tiêu chuẩn và điều kiện của người thực hiện dịch thuật:
+ Cá nhân thực hiện công tác dịch thuật phải đảm bảo có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
+ Theo quy định tại điều 9 Thông tư 20/2015/TT-BTP, người dịch phải có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với chuyên ngành khác được học bằng thứ tiếng nước ngoài cần dịch.
Bản chất của hoạt động dịch thuật là chuyển đổi ngôn ngữ. Do đó, cá nhân thực hiện dịch thuật bắt buộc phải có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch. Đây là yêu cầu mang tính chất căn bản và thiết yếu nhất của cá nhân thực hiện dịch thuật. Nếu đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn và yếu tố bằng cấp, chủ thể có yêu cầu sẽ không thể tiến thành đăng ký thành lập công ty dịch vụ dịch thuật. Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định thì phải thông thạo ngôn ngữ đó.
Ví dụ: Chị Nguyễn Thị M, 30 tuổi, muốn thành lập công ty dịch thuật. Chị M tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Tiếng Trung trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, chị M làm chuyên viên dịch thuật của một văn phòng công chứng. Đầu năm 2022, chị M quyết định thành lập công ty dịch thuật riêng. Do đủ điều kiện của người thực hiện dịch thuật, nên chị đã tiến hành làm thủ tục thành lập công ty theo quy định của pháp luật.
– Điều kiện về công tác viên dịch thuật
Cộng tác viên dịch thuật phải đảm bảo những điều kiện cụ thể sau đây theo quy định của pháp luật:
+ Cộng tác viên dịch người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch được làm cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp trong phạm vi cả nước.
+ Đối với người dịch là cộng tác viên của Phòng tư pháp phải ký hợp đồng cộng tác viên dịch thuật với Phòng Tư pháp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người dịch đối với nội dung, chất lượng của bản dịch.
Như vậy, chỉ khi đảm bảo đầy đủ những điều kiện như trên, công dân mới có thể thành lập công ty dịch thuật theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, việc thành lập công ty dịch thuật xoay quanh điều kiện về chủ thể thành lập công ty, và các cộng tác viên tham gia. Điều này xuất phát từ bản chất của lĩnh vực này. Nếu không đảm bảo điều kiện về trình độ chuyên môn, năng lực ngôn ngữ, các chủ thể này sẽ không thể tiến hành thành lập công ty dịch thuật. Đồng thời, các quy định về điều kiện thành lập công ty dịch thuật giúp hoạt động dịch thuật diễn ra một cách khách quan, đảm bảo sự toàn diện trong công tác xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan.
Trong bối hội nhập thế giới ngày nay, các giao dịch liên quan giữa công dân Việt Nam với các nước trên thế giới ngày càng nhiều. Nhu cầu thành lập các công ty dịch vụ dịch thuật ngày càng lớn. Vậy nên, Nhà nước cần thắt chặt các yêu cầu về điều kiện thành lập công ty dịch thuật. Có như vậy, mới đảm bảo tính pháp lý toàn diện trong các giao dịch dân sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia, cũng như tính khách quan trong hoạt động quản lý của Nhà nước Việt Nam.
3. Thủ tục thành lập công ty dịch vụ dịch thuật:
Khi tiến hành thành lập công ty dịch thuật, cá nhân, tổ chức phải tuân thủ theo các quy trình, thủ tục cụ thể như sau:
– Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ theo quy định.
Chủ thể có nhu cầu thành lập công ty dịch thuật cần chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ giấy tờ, tài liệu sau đây:
+ Tài liệu về điều lệ công ty;
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
+ Đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn thì cần cung cấp cả danh sách thành viên.
+ Đối với công ty Cổ phần thì cần có danh sách cổ đông sáng lập.
+ Nếu người nộp hồ sơ không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì cần có cả văn bản ủy quyền.
+ Trong trường hợp có nhà đầu tư hoặc tổ chức nước ngoài tham gia, chủ thể nộp hồ sơ cần cung cấp cả giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
+ Bản sao có công chứng căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân (hoặc hộ chiếu) của các thành viên, đại diện pháp luật và người được ủy quyền nộp hồ sơ.
– Bước 2. Nộp hồ sơ đăng ký thành lập công ty dịch vụ dịch thuật.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên, cá nhân có nhu cầu sẽ nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng có thẩm quyền.
– Hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; hoặc qua dịch vụ bưu chính.
– Người đăng ký thành lập công ty còn có thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Việc nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng được thực hiện theo trình tự sau đây:
+ Tạo tài khoản hồ sơ đăng ký tại “Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.
+ Kê khai thông tin giống như bản giấy, tải văn bản điện tử;
+ Ký xác thực hồ sơ đăng ký bằng chữ ký số điện tử hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh;
+ Thanh toán phí và nhận giấy biên nhận đăng ký qua mạng theo hướng dẫn trên Cổng thông tin quốc gia.
– Bước 3: Thụ lý hồ sơ.
Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp nhận hồ sơ của cá nhân.
Nếu hồ sơ không hợp lệ, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh và nộp lại, nếu hồ sơ đăng ký chưa hợp lệ.
Nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng có thẩm quyền thụ lý, kiểm tra và đưa ra kết quả xem đối tượng đó có đủ điều kiện để thành lập công ty không.
– Bước 4. Nhận kết quả đăng ký kinh doanh thành lập công ty dịch vụ dịch thuật.
Trong thời hạn từ 3 – 5 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo kết quả về việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ dịch thuật.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Thông tư 20/2015/TT-BTP