Theo Điều 5 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe buýt? Quy định của pháp luật đối với xe vận tải hành khách theo tuyến cố định?
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt là một trong các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cụ thể:
Theo Điều 5 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe buýt quy định:
“Điều 5. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt
1. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt được thực hiện trên tuyến cố định, theo biểu đồ chạy xe phù hợp với quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Tuyến xe buýt không được vượt quá phạm vi 02 tỉnh liền kề; trường hợp điểm đầu hoặc điểm cuối của tuyến xe buýt thuộc đô thị loại đặc biệt thì không vượt quá phạm vi 03 tỉnh, thành phố.
3. Tuyến xe buýt có các điểm dừng đón, trả khách. Khoảng cách tối đa giữa hai điểm dừng đón, trả khách liền kề trong nội thành, nội thị là 700 mét, ngoại thành, ngoại thị là 3.000 mét.
4. Giãn cách thời gian tối đa giữa các chuyến xe liền kề là 30 phút đối với các tuyến trong nội thành, nội thị; 60 phút đối với các tuyến khác; thời gian hoạt động tối thiểu của tuyến không dưới 12 giờ trong một ngày; riêng các tuyến xe buýt có điểm đầu hoặc điểm cuối nằm trong khu vực cảng hàng không hoạt động theo lịch trình phù hợp với thời gian hoạt động của cảng hàng không.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan phê duyệt, công bố quy hoạch mạng lưới tuyến; xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt; công bố tuyến, giá vé (đối với xe buýt có trợ giá) và các chính sách ưu đãi của Nhà nước về khuyến khích phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn; quy định và tổ chức đặt hàng, đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt trong quy hoạch.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Bộ Giao thông vận tải trước khi chấp thuận cho phép hoạt động các tuyến xe buýt có điểm đầu hoặc điểm cuối nằm trong khu vực cảng hàng không.”
Về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, theo điều 16
Trước hết, muốn kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện chung về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
“1. Doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ các điều kiện quy định tại Điều 13 và Khoản 2 Điều 15 Nghị định này.”
Ngoài các điều kiện chung quy định tại Điều 13 và 15 Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt còn phải đáp ứng những điều kiện riêng về xe buýt:
“2. Xe buýt phải có sức chứa từ 17 hành khách trở lên. Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyển có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 05 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 07 mét trở xuống) được sử dụng xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 12 đến dưới 17 hành khách.
3. Xe buýt phải có niên hạn sử dụng theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 15 Nghị định này; có màu sơn đặc trưng được đăng ký với cơ quan quản lý tuyến, trừ trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quy định cụ thể về màu sơn của xe buýt trên địa bàn.
4. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải có số lượng phương tiện tối thiểu như sau:
a) Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Từ 20 xe trở lên;
b) Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: Từ 10 xe trở lên; riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: Từ 05 xe trở lên.”
Như vậy, muốn kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt: cần phải đáp ứng các điều kiện chung về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe buýt.
Mục lục bài viết
1. Kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt:
Dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã và đang góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam cũng như trên thế giới. Điều này không chỉ giúp người dân hình thành thói quen văn minh đó là sử dụng thường xuyên hơn các phương tiện công cộng và hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân mà còn giúp giảm số lượng khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường không khí, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe ô tô nói chung và kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt nói riêng đều thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư. Theo đó Doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải đáp ứng đủ các yêu cầu được quy định Điều 16, Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô, cụ thể bao gồm:
Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt phải co Giấy đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; Phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với hình thức kinh doanh; Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải đảm bảo yêu cầu theo Khoản 3, Điều 13, Nghị định 86/2014/NĐ-CP; Người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 03 năm trở lên.
Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu trên, do nguyên tắc hoạt động của xe buýt là hoạt động trên các tuyến cố định, vì vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt còn phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 15, Nghị định 86/2014/NĐ-CP như có chỗ ngồi ưu tiên cho phụ nữ có thai, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em; trọng tải tối thiểu của xe phải được phép chở 10 người trở lên và số lượng xe chạy tuyến cố định trên 300 ki-lô-mét phải có tối thiểu 20 xe (nếu trụ sở doanh nghiệp ở thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc 15 xe (nếu doanh nghiệp có trụ sở tại các địa phương khác).
Không chỉ vậy, xe buýt cũng phải đảm bảo niên hạn sử dụng. Đối với những xe hoạt động trong cự ly 300 ki-lô-mét thì niên hạn sử dụng không quá 15 năm. Đối với những xe hoạt động trong cự ly dưới 300 ki-lô-mét thì niên hạn sử dụng không quá 20 năm, đối với những phương tiện chuyển đổi công năng thì niên hạn sử dụng không được quá 17 năm.
Ngoài ra, xe buýt phải có màu sơn đặc trưng được đăng ký với cơ quan quản lý tuyến, trừ trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy định cụ thể về màu sơn của xe buýt trên địa bàn. Ví dụ như xe buýt tại Hà Nội có màu sơn đặc trưng là đỏ, vàng và hình ảnh cánh chim bồ câu cách điệu phía đuôi xe, điều này không chỉ góp phần tạo nên biểu tượng hay thương hiệu cho xe buýt Hà Nội mà còn góp phần tô thêm màu sắc cho phố phường Thủ đô.
Tóm lại với những quy định trên của Nghị định 86/2014/NĐ-CP sẽ góp phần nâng cao dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và góp phần xây dựng văn hóa xe buýt, tạo tiền đề cho việc xây dựng một xã hội có nếp sống văn minh.
2. Quy định đối với xe vận tải hành khách theo tuyến cố định:
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi pháp luật có quy định cụ thể gì về xe vận tải hành khách theo tuyến cố định hay doanh nghiệp có quyền tự quyết định các vấn đề liên quan? Xin cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Điều 11 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT Quy định đối với xe vận tải hành khách theo tuyến cố định như sau:
“1. Niêm yết theo quy định tại khoản 4 Điều 10 của Thông tư này.
2. Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi, giường nằm trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe và được đánh số thứ tự lớn dần từ phía trước đến phía sau xe.
3. Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.
4. Có phù hiệu “XE CHẠY TUYẾN CỐ ĐỊNH” theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 của Thông tư này.
5. Trong cùng một thời điểm, mỗi xe chỉ được đăng ký và khai thác tối đa 02 tuyến vận tải hành khách cố định, các tuyến này được phép nối tiếp nhau (có bến đến là bến đi của tuyến tiếp theo).
6. Xe ô tô phải có mặt tại bến xe trước giờ xe xuất bến tối thiểu 10 phút để thực hiện công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật và các tác nghiệp khác tại bến xe theo quy trình bảo đảm an toàn giao thông quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này.”
Như vậy, pháp luật đã có quy định cụ thể về xe vận tải hành khách theo tuyến cố định, doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải làm theo quy định trên, không được tự ý quyết định các vấn đề có liên quan.
Về việc niêm yết của xe vận tải hành khách, bạn tham khảo quy định tại Khoản 4 Điều 10
“4. Niêm yết trên xe
a) Niêm yết ở phía trên kính trước: điểm đầu, điểm cuối của tuyến.
b) Niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải.
c) Niêm yết ở trong xe: biển số xe, giá vé, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu. Ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện, niêm yết khẩu hiệu : “Tính mạng con người là trên hết” theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư này.”
Trách nhiệm niêm yết thuộc về đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện niêm yết trên xe và niêm yết tại quầy bán vé do đơn vị tự bán vé.