Điều kiện kinh doanh các loại pháo. Theo quy định của pháp luật hiện hành kinh doanh pháo cần có những điều kiện gì?
Trong những năm gần đây, phong trào toàn dân phòng chống cháy nổ đã được nhân rộng ở nhiều địa phương nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy. Như chúng ta đã biết, vụ nổ nhà máy sản xuất thuốc súng, phóa hoa của Công ty hóa chất Z121 trực thuộc Bộ Quốc phòng xảy ra tại Phú Thọ vào năm 2013 đã gây thiệt hại lớn cho Công ty nói riêng và người dân sinh sống xung quanh nói chung, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Nhằm khắc phục, cũng như hạn chế những tai nạn đáng tiệc xảy ra, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cho ban hành hàng loạt các văn bản pháp lý quy định về điều kiện kinh doanh các loại pháo tại Việt Nam.
Đầu tiên là Quyết định 111/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1 tháng 9 năm 2009 quy định về điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng. Theo đó, tổ chức, cá nhân được tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện (hay nói cách khác là điều kiện để kinh doanh pháo trong lĩnh vực quốc phòng) được quy định tại Khoản 1, Điều 6, Quyết định 111/2009/QĐ-TTg. Các điều kiện đó bao gồm:
a) Thứ nhất là phải nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Thứ hai là không được xâm phạm đến chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Thứ ba là các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động công nghiệp quốc phòng phải cam kết chấp hành các điều khoản bắt buộc được quy định cụ thể tại hợp đồng về công nghiệp quốc phòng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Đối với các điều kiện mua, bán pháo hoa được quy định tại Điều 7, Khoản 1, 2, Thông tư 08/2010/TT-BCA của Bộ Công an ngày 5 tháng 2 năm 2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 về quản lý, sử dụng pháo. Các điều kiện như sau:
a) Cơ sở sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa chỉ được bán pháo hoa cho các đơn vị, địa phương được phép tổ chức bắn pháo hoa vào các dịp: Tết Nguyên Đán; Ngày Quốc khánh; Chiến thắng Điện Biên Phủ; Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; Giỗ Tổ Hùng Vương; Các ngày giải phóng các địa phương; Ngày hội văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.
b) Các đơn vị, địa phương được phép sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa của các cơ sở được phép sản xuất pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng quy định tại Điều 11 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.
Ngoài pháo hoa và các loại pháo trong lĩnh vực quốc phòng còn có các loại pháo được sử dụng làm pháo hiệu trong lĩnh vực hàng hải. Theo đó, điều kiện kinh doanh pháo hiệu hàng hải hay nói cách khác là (tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hàng hải phải đáp ứng những điều kiện) được quy định tại Điều 4, Thông tư 04/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ngày 26 tháng 3 năm 2014 quy định về điều kiện và thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hành hái. Các điều kiện bao gồm:
a) Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân muốn nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hàng hải phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc Giấy chứng nhận đầu tư), trong đó có ngành nghề kinh doanh liên quan đến phương tiện, vật tư, thiết bị ngành hàng hải, đóng tàu.
b) Thứ hai, các tổ chức, cá nhân đó phải có Giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất xác nhận việc pháo hiệu dùng cho an toàn hàng hải đã được thử nghiệm phù hợp với các quy định của Nghị quyết MSC.81(70) ngày 11 tháng 12 năm 1998 của Tổ chức Hàng hải quốc tế.
Với những quy định trên của Quyết định 111/2009/QĐ-TTg, Thông tư 08/2010/TT-BCA, Thông tư 04/2014/TT-BGTVT sẽ giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý có hiệu quả các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn cháy nổ trong xã hội.