Điều kiện kinh doanh giống cây trồng quy định tại Luật Trồng trọt năm 2018? Điều kiện kinh doanh giống vật nuôi được quy định như thế nào?
Giống luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của nông nghiệp. Giống có tốt thì mới có khả năng chống chịu lại thời tiết, bệnh tật cũng như có khả năng sinh trưởng tốt. Để đảm bảo được nguồn giống cung cấp ra thì pháp luật không chỉ quy định về điều kiện của nơi sản xuất ra giống mà còn có quy định cụ thể về điều kiện của nơi kinh doanh giống.
Luật sư
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Trồng trọt năm 2018;
– Nghị định số 94/2019/NĐ- CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện kinh doanh giống cây trồng quy định tại Luật Trồng trọt năm 2018:
Điều kiện kinh doanh giống cây trồng được quy định tại Điều 22 Luật Trồng trọt năm 2018, cụ thể như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;
b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.”
Điều kiện đầu tiên đó chính là điều kiện về giống cây trồng. Các loại cây trồng dùng trong kinh doanh phải là các loại cây trồng đã được công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành. Tức các loại cây trồng này đã được ghi nhận là loại cây trồng được phép trồng trọt, kinh doanh tại Việt Nam, không thuộc nhóm cây trồng, thực vật ngoại lai, xâm hại,….
Bên cạnh điều kiện về giống cây trồng được kinh doanh, thì Điều 22 còn quy định chi tiết về cơ sở vật chất dùng để thực hiện hoạt động kinh doanh cây trồng. Đối với hoạt động sản xuất, thì địa điểm, cơ sở hạ tầng phải đáp ứng quy chuẩn theo quy định. Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo cho việc sản xuất ra những cây giống đạt chất lượng, không bị nhiễm bệnh, lại giống,….
“Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.” (Khoản 2 Điều 22) Địa điểm giao dịch hợp pháp được hiểu là địa điểm đã thực hiện hoạt động đăng ký bán giống cây trồng với cơ quan nhà nước. Thực hiện hoạt động buôn bán công khai, minh bạch. Đồng thời, các giống cây trồng được bán có nguồn gốc rõ ràng, có thể truy xuất nguồn gốc. Hoạt động truy xuất nguồn gốc giống cây trồng có thể được thực hiện qua nhiều phương thức khác nhau, nhưng mục tiêu chính của nó đều hướng tới việc tìm được nơi nào là nơi sản xuất ra giống cây trồng đó. Việc quy định đảm bảo giống cây trồng được kinh doanh có thể truy xuất nguồn gốc cũng nhằm mục đích đảm bảo là những giống cây trồng được lưu hành, trồng trọt tại Việt Nam, cũng như đảm bảo được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của giống cây trồng đó,…
Các minh chứng về xuất xứ nguồn gốc của giống cây trồng được quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 94/2019/NĐ- CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Theo đó, các giấy tờ bắt buộc phải có bao gồm: “Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn … Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.” Những giấy tờ theo quy định trên đã thể hiện được thông tin về giống cây, kích cỡ, đặc tính, cũng như thông tin về nơi sản xuất ra giống cây trồng đã cung ứng cho đơn vị buôn bán giống cây trồng.
Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 94/2019/NĐ- CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác cũng quy định rằng dù không phải thực hiện thủ tục đăng ký như thủ tục thành lập doanh nghiệp, nhưng chủ thể thực hiện hoạt động buôn bán giống cây trồng cũng phải thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được xác định đó chính là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nơi chọn làm địa điểm buôn bán giống cây trồng. Thông tin mà chủ thể buôn bán giống cây trồng cần thực hiện thông báo đó chính là “Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ”. Hoạt động thông báo này có thể do các chủ thể trực tiếp đến cơ quan để thông báo hoặc thực hiện thông báo qua thư điện tử hoặc qua đường bưu điện. Các thông tin được chủ thể cung cấp này sẽ được đăng tải lên trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Điều kiện kinh doanh giống vật nuôi được quy định như thế nào?
Tại Luật Chăn nuôi năm 2018 khẳng định “Con giống vật nuôi là cá thể vật nuôi dùng để nuôi sinh sản, nhân giống.” (Khoản 1 Điều 22). Như vậy, khác với vật nuôi dùng để lấy nguồn thực phẩm, thì các con giống vật nuôi được nuôi để dùng cho mục đích sinh sản ra các vật nuôi mới, nhân giống,…
Tại Khoản 3 Điều 22 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định: “3. Tổ chức, cá nhân mua bán con giống vật nuôi phải có bản công bố tiêu chuẩn áp dụng của cơ sở sản xuất và hồ sơ giống theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.”
Và dẫn chiếu theo điểm đ, Khoản 2 thì: “đ) Có hồ sơ giống ghi rõ tên giống, cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật.”
Như vật, chúng ta thấy rằng, các đơn vị bán con giống vật nuôi phải có hồ sơ thể hiện các thông tin về con giống được bán. Nội dung của hồ sơ thể hiện rõ tên giống được bán, cấp giống, xuất xứ (nơi sản xuất ra con giống); số lượng con giống cũng như các chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật của con giống. Việc quy định vè điều kiện này nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho người mua con giống cũng như phục vụ cho hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước khi quản lý các cửa hàng kinh doanh giống vật nuôi.
Điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân mua bán tinh, phôi giống vật nuôi được quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Chăn nuôi. Tuy không trực tiếp là các chủ thể trực tiếp cung cấp các con giống, nhưng tinh, phôi giống vật nuôi chính là tiền đề để hình thành nên các con giống. Do đó, để thu được các con giống đạt chuẩn thì cũng phải quy định về các đơn vị sản xuất, kinh doanh tinh, phôi giống vật nuôi.
Cụ thể thì điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh tinh, phôi giống vật nuôi được quy định như sau:
“4. Tổ chức, cá nhân mua bán tinh, phôi giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có dụng cụ, thiết bị bảo quản phù hợp với từng loại tinh, phôi;
b) Nơi bảo quản phải tách biệt hoặc không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại;
c) Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi, môi trường xung quanh;
d) Có sổ sách theo dõi việc bảo quản, mua bán tinh, phôi.”
Do tinh, phôi giống vật nuôi phải được bảo quản ở những điều kiện đặc biệt, do đó, không chỉ các đơn vị sản xuất, các tổ chức, cá nhân kinh doanh tinh, phôi giống vật nuôi cũng phải có những dụng cụ, thiết bị chuyên biệt để bảo quản các loại phôi, tinh giống vật nuôi khác nhau, phòng tránh tinh, phôi bị hỏng. Ngoài ra thì đối với địa điểm bảo quản phôi, tinh giống vật nuôi cũng phải tách biệt với môi trường xung quanh, không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại bởi lẽ nếu nhiễm vào những chất này sẽ dẫn đến hỏng tinh, phôi, không thể tạo ra con giống chất lượng.
Bên cạnh đó thì tổ chức, cá nhân kinh doanh tinh, phôi giống vật nuôi cũng cần đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi, môi trường xung quanh khỏi những tác động của tinh, phôi giống vật nuôi cũng như các thiết bị, dụng cụ,… dùng để bảo quản. Việc bảo quản, mua bán tinh, phôi giống vật nuôi phải được thể hiện trong sổ sách theo dõi. Việc lập sổ theo dõi vừa có ý nghĩa đối với các tổ chức, cá nhân theo dõi, quản lý được hoạt động mua bán của mình, vừa giúp ích cho việc quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân đó bởi các cơ quan nhà nước.
Tại Khoản 5 Điều 23 quy định: “6. Tổ chức, cá nhân mua bán trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi phải có hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng và hồ sơ giống theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 22 của Luật này.” Như vậy, theo quy định này thì các chủ thể mua bán, kinh doanh trứng giống vật nuôi phải có hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng và hồ sơ giống thể hiện nội dung tên giống, cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi. Việc quy định này cũng nhằm mục đích chung đó là người mua biết được thông tin về trứng giống, ấu trùng giống và các cơ quan quản lý nhà nước có thể quản lý được hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh.