Điều kiện đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Thủ tục cấp phù hiệu xe tải.
Điều kiện đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Thủ tục cấp phù hiệu xe tải.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Anh (chị) cho em hỏi bây giờ em muốn mua một ô tô tải đông lạnh 1,5t để đi buôn hoa quả từ các tỉnh thì em cần biết những gì? Và cần những thủ tục pháp lý như nào? Để lưu thông đường bộ, để mua và bán hàng hóa. Xin được giải đáp, em cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Điều 3 Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
Các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.
2. Kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ vận tải và thu cước phí vận tải trực tiếp từ khách hàng.
3. Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn kháctrong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
… "
Theo như bạn trình bày, bạn mua một ô tô tải đông lạnh 1,5t để đi buôn hoa quả. Như vậy, đây là hoạt động kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.
Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT quy định:
“Điều 50. Quy định về đối tượng đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải có Giấy phép kinh doanh
1. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc một trong các đối tượng sau đây:
a) Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định của Chính phủ về danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm.
b) Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng theo quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ.
c) Có từ 05 xe trở lên.
d) Sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên để vận chuyển hàng hóa.
2. Lộ trình thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20
Trường hợp bạn sử dụng xe 1,5 tấn để chở hoa quả cho gia đình đi bán thì không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Sở giao thông vận tải cấp tỉnh cấp.
Theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP, trước ngày 01 tháng 7 năm 2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Do đó, bạn phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 01/07/2018.
Khoản 4 Điều 11 Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định lộ trình gắn phù hiệu xe tải như sau:
"…
4. Đối với những loại xe chưa được gắn phù hiệu trước khi Nghị định này có hiệu lực thì việc gắn phù hiệu được thực hiện theo lộ trình sau đây:
a) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 đối với xe buýt, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải;
b) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên;
c) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 07 tấn đến dưới 10 tấn;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
d) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 07 tấn;
đ) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn."
Theo quy định trên, bạn phải gắn phù hiệu xe tải cho xe của bạn trước 01/07/2018. Hồ sơ gắn phù hiệu xe tải gồm:
– Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 của Thông tư 63/2014/TT-BGTVT;
– Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe ô tô và hợp đồng thuê phương tiện với tổ chức, cá nhân cho thuê tài chính hoặc cho thuê tài sản, hợp đồng thuê phương tiện giữa thành viên và hợp tác xã nếu xe không thuộc sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải. Đối với những phương tiện mang biển số đăng ký không thuộc địa phương nơi giải quyết thủ tục hành chính thì Sở Giao thông vận tải nơi nhận hồ sơ phải lấy ý kiến xác nhận về tình trạng của xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải của Sở Giao thông vận tải địa phương nơi phương tiện mang biển số đăng ký theo quy định tại khoản 12 Điều 55 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT.
– Cung cấp tên Trang thông tin điện tử, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào thiết bị giám sát hành trình của các xe đề nghị cấp phù hiệu.
Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Sở giao thông vận tải cấp tỉnh nơi bạn có đăng ký kinh doanh.
Như vậy, trước khi bạn gắn phù hiệu xe tải, bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh. Bạn có thể lựa chọn loại hình kinh doanh: Hộ kinh doanh cá thể, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty cổ phần. Bạn tham khảo thêm quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP để biết thành phần hồ sơ đăng ký kinh doanh.
– Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, bạn phải có
+ Giấy vận tải do đơn vị vận tải đóng dấu và cấp cho lái xe mang theo trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường; trường hợp là hộ kinh doanh thì chủ hộ phải ký, ghi rõ họ tên vào Giấy vận tải.
+ Sau khi xếp hàng lên phương tiện và trước khi thực hiện vận chuyển thì chủ hàng (hoặc người được chủ hàng uỷ quyền), hoặc đại diện đơn vị hoặc cá nhân (nếu là cá nhân) thực hiện xếp hàng lên xe phải ký xác nhận việc xếp hàng đúng quy định vào Giấy vận tải.