Kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang là nhu cầu thiết yếu, diễn ra thường xuyên trong xã hội ngày nay, việc tổ chức, quản lý hoạt động nằm trong sự giám sát của nhiều cơ quan nhà nước. Vậy, điều kiện để kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang hiện nay là gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Điều kiện để kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang:
- 2 2. Hồ sơ, thủ tục để thực hiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang:
- 3 3. Hành vi cố tình thực hiện hoạt động kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang mà chưa được cấp phép bị xử lý thế nào?
- 4 4. Trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang:
1. Điều kiện để kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang:
Có thể nói biểu diễn nghệ thuật, thời trang là một trong những hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật được cấp phép hoạt động trên Việt Nam. Theo pháp luật hiện hành thì có 4 hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật cơ bản được ghi nhận tại Điều 8 Nghị định 144/2020/NĐ-CP, bao gồm:
– Tiến hành các hoạt động để tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị; thực hiện biểu diễn nghệ thuật phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;
– Hình thức thứ hai cần được kể đến đó là tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;
– Tổ chức biểu diễn nghệ thuật khác không thuộc hình thức quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 8 Nghị định 144/2020/NĐ-CP và quá trình tổ chức sẽ được thực hiện quy định tại Điều 10 Nghị định này;
– Cuối cùng việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhưng không trình diễn trực tiếp trước công chúng sẽ được phép đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng. Những hình ảnh này khi được công khai thì người đăng, phát sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có những vấn đề gì xảy ra;
Dễ dàng nhận thấy biểu diễn nghệ thuật, thời trang nằm trong hình thức tổ chức nghệ thuật thứ ba. Chính vì vậy, điều kiện để kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang là phải đảm bảo các nội dung đã được ghi nhận tại Điều 10 Nghị định này, đó là:
– Phải đảm bảo điều kiện là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật;
– Đồng thời, khi tiến hành tổ chức cũng cần phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
– Đặc biệt, cũng không thể thiếu văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động này.
2. Hồ sơ, thủ tục để thực hiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang:
2.1. Hồ sơ:
– Cá nhân, tổ chức để được chấp thuận hoạt động kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang cần chuẩn bị văn bản đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Văn bản này thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
– Phải gửi kèm kịch bản, danh mục tác phẩm gắn với tác giả, người chịu trách nhiệm chính về nội dung chương trình (đặc biệt đối với tác phẩm nước ngoài cần gửi kèm theo bản dịch tiếng Việt có chứng thực chữ ký người dịch).
2.2. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện:
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật, bao gồm:
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, xem xét việc chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương;
– Bên cạnh đó, việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn quản lý không thuộc trường hợp đã nêu trên trong mục này thì sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chấp thuận.
2.3. Thủ tục cấp văn bản chấp thuận:
– Một bộ hồ sơ khi được tổ chức, cá nhân chuẩn bị sẽ tiến hành gửi trực tiếp; theo nhu cầu của cá nhân, tổ chức việc gửi qua bưu chính cũng vẫn được chấp thuận hoặc trực tuyến tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền ít nhất 07 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức biểu diễn nghệ thuật;
– Quá trình tiếp nhận, xét xét hồ sơ sẽ được diễn ra ngay sau đó:
+ Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm gửi văn bản thông báo yêu cầu hoàn thiện hồ sơ đến cá nhân tổ chức đã chuẩn bị hồ sơ;
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cấp văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này). Không chỉ cấp văn bản chấp thuận mà còn phải đồng thời đăng tải trên hệ thống thông tin điện tử. Trường hợp không chấp thuận, phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do;
+ Trong quá trình hoạt động có phát sinh những trường hợp thay đổi nội dung biểu diễn nghệ thuật đã được chấp thuận, tổ chức, cá nhân đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật thì cần trình bày rõ ràng, mạch lạc thông qua văn bản nêu rõ lý do gửi trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan đã chấp thuận. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đã chấp thuận phải xem xét, quyết định và thông báo kết quả bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân đề nghị;
+ Mặc dù đã nhận được giấy chấp thuận nhưng có phát sinh trường hợp thay đổi thời gian, địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật đã được chấp thuận, tổ chức, cá nhân đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhanh chóng soạn thảo văn bản thông báo gửi trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan đã chấp thuận và chính quyền địa phương nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật ít nhất 02 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức;
– Hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương thực hiện thông báo theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định này tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức biểu diễn sau khi có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
3. Hành vi cố tình thực hiện hoạt động kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang mà chưa được cấp phép bị xử lý thế nào?
Đối với hành vi biểu diễn nghệ thuật không xin phép hoàn toàn bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đã được ghi nhận cụ thể tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 128/2022/NĐ-CP với hành vi như sau:
– Cá nhân, tổ chức không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị; phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức;
– Vi phạm trong việc không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật;
– Đặc biệt, việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật dẫn đến tình trạng tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng thì mức phạt tiền được áp dụng trong trường hợp này là từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng theo điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Lưu ý rằng: Các mức phạt được trình bày nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi.
4. Trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang:
Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 144/2020/NĐ-CP thì có quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ liên quan đến hoạt động kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thời trang, với các nội dung:
– Việc biểu diễn nghệ thuật mà có tiến hành truyền tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử và môi trường mạng thì Bộ Thông tin và Truyền thông không thể lơ là trách nhiệm quản lý của mình mà thay vào đó có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật được truyền tải; có phương án chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thông tin báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trong công tác tổ chức, thực hiện hoạt động nghệ thuật biểu diễn;
– Bộ Công an cũng không thể tránh khỏi những hoạt động thể hiện tính trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống cháy, nổ, trật tự xã hội cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật; phối hợp quản lý về an ninh, xuất, nhập cảnh với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam và tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở nước ngoài; Đồng thời, cơ quan này cũng có thể phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thanh tra, kiểm tra, nếu có nguồn thông tin phải giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn thì cũng cần nhanh chóng tiếp nhận và xử lý kịp thời;
– Bộ Ngoại giao cũng sẽ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động nghệ thuật biểu diễn phục vụ công tác đối ngoại chính trị và các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác quốc tế; có hoạt động thực tế với mục đích là chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài quản lý, hỗ trợ tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở nước ngoài;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm bảo thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Như vậy, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thời trang đương nhiên nằm trong sự quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng để quản lý tốt và toàn diện được vấn đề này thì vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ban ngành với nhau.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn;
– Nghị định số 128/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.