Thuế thu nhập cá nhân được tính trên thu nhập, phần lương nhận được khi tham gia lao động. Trong đó, giá trị thu nhập tính thuế sẽ được xác định sau khi trừ đi các khoản thu nhập miễn thuế. Giảm trừ gia cảnh, hay người phụ thuộc là phần xác định cho thu nhập miễn thuế.
Tôi nằm trong diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Tôi có bố đẻ là thương binh, đang hưởng trợ cấp là 1.3 triệu, và hưởng trợ cấp chất độc da cam là 1.1 triệu đồng ,đã có mã số thuế. Vậy tôi có được khai bố tôi trong diện người phụ thuộc để miễn trừ gia cảnh cho tôi khi đóng thuế thu nhập không?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về người phụ thuộc và giảm trừ gia cảnh:
Người phụ thuộc là gì?
– Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng. Do đó, một phần thu nhập thực tế phải sử dụng để nuôi dưỡng, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người phụ thuộc. Phần thu nhập này cũng được xác định tương đối hàng tháng để trừ vào thu nhập thực tế của họ.
Người phụ thuộc được nhắc đến khi phụ thuộc vào vật chất, tiền lương của người lao động. Do đó, nhà nước đã thực hiện giảm trừ các nghĩa vụ thuế tương ứng cho phần thu nhập này. Quy định này hướng đến việc chung tay, cùng với người lao động thực hiện chăm lo đời sống vật chất cho người phụ thuộc.
Các khoản thu nhập được sử dụng hợp lý cho người phụ thuộc sẽ không được xác định là thu nhập chịu thuế. Vì vậy cũng giảm bớt một phần nghĩa vụ thuế của người có thu nhập, có người phụ thuộc.
Giảm trừ gia cảnh là gì?
– Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế. Trong đó, nguồn thu nhập có thể đến từ hoạt động kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú. Phần được giảm trừ là thu nhập không chịu thuế. Phần thu nhập còn lại là căn cứ để tính giá trị thuế thu nhập cá nhân tương ứng.
Gia cảnh của người lao động có sự đặc biệt, khi họ phải sử dụng thu nhập để chăm lo cho người thân đang không có khả năng lao động.
Do đó đối với câu hỏi của bạn đọc, chúng ta cần xác định các nguyên tắc giảm trừ gia cảnh, đối tượng nào là đối tượng đáp ứng giảm trừ gia cảnh.
2. Nguyên tắc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc:
– Người nộp thuế phải thực hiện tốt các nghĩa vụ của mình với nhà nước. Họ sẽ được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế. Tức là thực hiện nghĩa vụ của công dân, sẽ đồng thời được nhận quyền lợi và chế độ tương ứng.
– Khi người nộp thuế thấy đủ điều kiện về người phụ thuộc, cần đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, cơ quan thuế sẽ cấp mã số thuế cho người phụ thuộc. Trong trường hợp này, bố của bạn đã được cấp mã số thuế theo quy định.
Khi người phụ thuộc có mã số thuế, sẽ được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Trong quá trình xác minh, các khoản giảm trừ sẽ được cơ quan thuế thanh toán.
– Một người nộp thuế có thể có nhiều người phụ thuộc ở nhóm đối tượng, điều kiện khác nhau. Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Để đảm bảo quyền, nghĩa vụ tương ứng. Cũng như các khoản giảm trừ gia cảnh được tính sẽ tương đương với phần thu nhập không tính thuế của một người lao động.
Do đó, trên thực tế một người phụ thuộc có thể được nuôi dưỡng bởi nhiều người. Trường hợp này, những người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng phải tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế. Nhằm xác định quyền lợi, nghĩa vụ tương ứng trong hiệu quả quản lý nhà nước. Cũng như giải quyết nhanh chóng các thủ tục liên quan đến giảm trừ gia cảnh.
3. Đối tượng nào có thể trở thành người phụ thuộc của người nộp thuế TNCN:
Quy định pháp luật:
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 9
“d) Người phụ thuộc bao gồm:
[……]
d.3) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này.”
Nhận xét:
Quy định trên xác định các đối tượng có điều kiện cần để trở thành người phụ thuộc. Có thể thấy về cơ bản, người phụ thuộc phải có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, gia đình theo quy định pháp luật. Trong đó, người có thu nhập phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Do một phần thu nhập phải sử dụng để nuôi dưỡng người phụ thuộc, nên nhà nước quy định về giảm trừ gia cảnh. Được đăng ký người phụ thuộc để miễn trừ thuế thu nhập cá nhân. Việc đăng ký người phụ thuộc giúp tiến hành các thủ tục pháp lý để xác lập liên quan đến thông tin về người phụ thuộc. Từ đó mà cơ quan thuế có thể tiến hành quyết toán thuế sau khi trừ đi phần thu nhập giảm trừ gia cảnh của người lao động.
Như vậy, trước tiên cha đẻ là đối tượng được trở thành người phụ thuộc. Đây là điều kiện cần được quy định trong các văn bản pháp luật. Nếu đáp ứng các điều kiện về khả năng nuôi dưỡng khác, sẽ xác định được đối tượng này có phải người phụ thuộc trên pháp lý hay không. Tức là phải xem xét có thỏa mãn về tính chất phụ thuộc, nuôi dưỡng hay không.
4. Điều kiện về người phụ thuộc:
Theo đó, điều luật cũng xác định các điều kiện về khả năng lao động của các đối tượng. Bố đẻ của bạn nếu muốn trở thành người phụ thuộc phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Quy định pháp luật:
“đ) Cá nhân được tính là người phụ thuộc theo hướng dẫn tại các tiết d.2, d.3, d.4, điểm d, khoản 1, Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:
đ.1) Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
đ.1.1) Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
đ.1.2) Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
đ.2) Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
e) Người khuyết tật, không có khả năng lao động theo hướng dẫn tại tiết đ.1.1, điểm đ, khoản 1, Điều này là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,…).”
Phân tích quy định pháp luật:
Như vậy, cần cân nhắc đối với người phụ thuộc đang trong độ tuổi lao động hay ngoài độ tuổi lao động. Ở mỗi nhóm lại xác định các điều kiện cần có cụ thể. Tuy nhiên, ta thấy được một điều kiện cần thiết xác định về nguồn thu nhập hàng tháng của người phụ thuộc đó. Họ phải có nguồn thu nhập bình quân hàng tháng không vượt quá 1 triệu đồng.
Theo nội dung được bạn cung cấp, bố của bạn hiện đang là thương binh, đang hưởng các trợ cấp liên quan. Nói cách khác, ông đang không có khả năng lao động. Các khoản trợ cấp mà ông được hưởng hiện tại là:
1.3 triệu đồng trợ cấp thương binh.
1.1 triệu đồng trợ cấp chất độc màu da cam.
Do đó mà hằng tháng, bố của bạn đang được nhận ổn định số tiền trợ cấp là (1.3 + 1.1) = 2.4 triệu đồng. Số tiền này không được coi là thu nhập do lao động, nhưng được xem là nguồn thu nhập khác, có tính chất ổn định. Từ đó mà ông hoàn toàn có thể đảm bảo nhu cầu sinh sống, sinh hoạt cơ bản.
Để được xem là người phụ thuộc, điều kiện về khả năng thu nhập của ông phải là không ổn định, không vượt quá 1 triệu đồng/tháng. Do đó bố đẻ của bạn không phải là đối tượng người phụ thuộc theo quy định pháp luật.
Kết luận:
Như vây, do bố bạn đã được hưởng trợ cấp thương binh là 1.3 triệu và 1.1 triệu trợ cấp chất độc da cam nên tổng trợ cấp là 2.4 triệu. Số tiền trợ cấp này được nhận ổn định hàng tháng, lớn hơn 1 triệu. Do đó, bố bạn không thuộc đối tượng được giảm trừ gia cảnh.
Bạn là đối tượng phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Khi tính thu nhập chịu thuế thì bố bạn không được tính là đối tượng giảm trừ gia cảnh của bạn. Do đó, bố bạn không được coi là người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh.
Ngoài ra, dựa trên các quy định pháp luật này, bạn cũng có thể xác định chủ thể, điều kiện như thế nào để được xem là người phụ thuộc. Từ đó có thể đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ khi nộp thuế TNCN.