Điều kiện đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế mới nhất. Xin cấp sổ lưu hành trang thiết bị y tế khó hay dễ? Trình tự thực hiện thế nào?
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về điều kiện đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật doanh nghiệp khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế, họ muốn nhập khẩu hoặc sản xuất những mặt hàng tốt để bán cho các bên có nhu cầu sử dụng vào mục đích y tế. Dường như các doanh nghiệp đã tìm được nguồn hàng nhập về hoặc đã sản xuất ra nhưng mặt hạn chế là họ không biết phải lo thủ tục pháp lý với Việt Nam như thế nào để nhập hàng về, cần đáp ứng điều kiện gì hay không. Biết được điều này, Dương Gia đưa ra bài hướng dẫn về điều kiện đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế mới nhất hiện nay, cập nhập kiến thức pháp lý mới giúp cho doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu và phục vụ nhu cầu nhập khẩu của bên mình.
Tư vấn điều kiện đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh: 1900.6568
Về điều kiện đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế căn cứ theo quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế:
Trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường phải đáp ứng các điều kiện sau:
Điều kiện thứ nhất, Đã có số lưu hành còn hạn hoặc đã được cấp phép nhập khẩu
Số lưu hành được nêu ở đây là gì? Số lưu hành của trang thiết bị y tế là: Trước khi đưa sản phẩm vào lưu hành trên thị trường cần có hồ sơ công bố tiêu chuẩn cho sản phẩm từ phía doanh nghiệp nộp lên cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, cơ quan nhà nước sẽ cấp lại số phiếu tiếp nhận hồ sơ như sau:
+ Đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A sau khi nộp hồ sơ, nếu sản xuất trong nước doanh nghiệp nộp lên Sở y tế của tỉnh/ thành phố nơi sản xuất sản phẩm để thực hiện việc yêu cầu cấp số lưu hành. Nếu sản xuất ở nước ngoài, doanh nghiệp nộp hồ sơ lên Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế thuộc Bộ Y tế để được cấp số lưu hành. Số phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A theo mẫu số 03 quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP;
+ Đối với trang thiết bị y tế thuộc loại B,C,D làm tương tự như loại A, sau khi nộp hồ sơ, nếu sản xuất trong nước doanh nghiệp nộp lên Sở y tế của tỉnh/ thành phố nơi sản xuất sản phẩm để thực hiện việc yêu cầu cấp số lưu hành. Nếu sản xuất ở nước ngoài, doanh nghiệp nộp hồ sơ lên Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế thuộc Bộ Y tế để được cấp số lưu hành. Số giấy chứng nhận đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D theo mẫu số 09 quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP.
(Trang thiết bị y tế gồm 2 nhóm được phân làm 04 loại: Nhóm 1, ký hiệu loại A, là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro thấp. Nhóm 2, ký hiệu loại B,C,D, trong đó loại B là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình thấp; loại C là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình cao; loại D là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro cao.)
Vậy để có số lưu hành trang thiết bị y tế doanh nghiệp cần nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 26 Nghị định 36/2016/NĐ-CP lên Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế thuộc Bộ Y tế để được cấp số lưu hành.
Theo đó, với điều kiện này trường hợp nào thì cần có giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế? Khi chưa có số lưu hành nhập khẩu để nghiên cứu khoa học hoặc kiểm nghiệm hoặc hướng dẫn sử dụng, sửa chữa trang thiết bị y tế; Chưa có số lưu hành nhập khẩu để phục vụ mục đích viện trợ; Chưa có số lưu hành nhập khẩu để sử dụng cho mục đích chữa bệnh cá nhân.
Về hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế dựa trên căn cứ tại khoản 2 Điều 42 Nghị định 36/2016/NĐ-CP, khi chuẩn bị xong có thể nộp lên Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế thuộc Bộ Y tế để được cấp giấy phép nhập khẩu.
Điều kiện thứ hai, có nhãn hoặc có kèm theo nhãn phụ với đầy đủ các thông tin
Việc ghi nhãn trang thiết bị y tế phải thể hiện các nội dung sau:
– Tên trang thiết bị y tế;
– Số lưu hành trang thiết bị y tế;
– Tên và địa chỉ chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế;
– Xuất xứ trang thiết bị y tế;
– Ngày sản xuất hoặc hạn sử dụng. Việc ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng phải ghi rõ ngày, tháng, năm hoặc tháng, năm.
– Số lô hoặc số sêri (serial number) của trang thiết bị y tế;
– Hướng dẫn tra cứu thông tin về cơ sở bảo hành, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị y tế, tài liệu kỹ thuật phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 36/2016/NĐ-CP.
=> Lưu ý: Trang thiết bị y tế nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung như trên thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.
Điều kiện thứ 3, Có tài liệu kỹ thuật để phục vụ việc sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế;
Những trang thiết bị y tế mang tính chất sử dụng lâu dài người mua luôn quan tâm đến việc sửa chữa bảo dưỡng sau này. Do đó, doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra lưu thông ngoài thị trường cần có tài liệu kỹ thuật để phục vụ việc sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế.
Điều kiện thứ 4, Có thông tin về hướng dẫn sử dụng của trang thiết bị y tế bằng tiếng Việt;
Sản phẩm cần có thông tin về hướng dẫn sử dụng của trang thiết bị y tế bằng tiếng Việt để người sử dụng có thể dễ dàng tìm hiểu và sử dụng với những sản phẩm đặc biệt sản phẩm công nghệ cao.
Điều kiện thứ 5, Có thông tin về cơ sở bảo hành, điều kiện và thời gian bảo hành.
Khi mua sản phẩm, khách hàng luôn quan tâm đến yếu tố bảo hành do đó doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế cần có thông tin về cơ sở bảo hành, điều kiện và thời gian bảo hành, đối với trang thiết bị y tế sử dụng lâu dài.
Ví dụ: Để làm rõ các điều kiện trên và có cái nhìn thực tế hơn về chủ đề này, chúng tôi lấy ví dụ sau: Công ty A chuyên sản xuất trang thiết bị y tế tại Việt Nam, công ty mới sản xuất ra sản phẩm là chiếc máy chụp X-quang hiện đại, để đưa sản phẩm ra lưu thông ngoài thị trường công ty A cần làm thủ tục phân loại trang thiết bị y tế đầu tiên. Sau đó khi xác định được loại trang thiết bị y tế, doanh nghiệp A cần làm thủ tục đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế. Để làm được thủ tục này cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Điều kiện 1: Doanh nghiệp cần có số lưu hành trang thiết bị y tế còn hạn hoặc đã có giấy phép nhập khẩu. Doanh nghiệp làm hồ sơ xin cấp số lưu hành trang thiết bị y tế, vì sản xuất trong nước nên nộp lên Sở y tế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
+ Điều kiện 2: Có nhãn sản phẩm, phải có các nội dung sau: tên máy X-quang, số lưu hành trang thiết bị y tế xin ở điều kiện 1 trên, tên và địa chỉ của công ty A, xuất xứ sản phẩm, ngày sản xuất, số lô, thông tin về cơ sở bảo hành, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị y tế, tài liệu kỹ thuật phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng.
+ Điều kiện 3: Doanh nghiệp cần chuẩn bị theo sản phẩm tài liệu kỹ thuật để phục vụ việc sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế.
+ Điều kiện 4: Doanh nghiệp cần chuẩn bị tài liệu hướng dẫn sử dụng của trang thiết bị y tế bằng tiếng Việt.
+ Điều kiện 5: Doanh nghiệp cần cung cấp thông tin về bảo hành, bảo hành ở đâu? điều kiện và thời gian bảo hành?
=> Lưu ý: Trường hợp thông tin tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng, cơ sở bảo hành, điều kiện và thời gian bảo hành ở trên không kèm theo trang thiết bị y tế thì phải cung cấp dưới hình thức thông tin điện tử và phải thể hiện rõ hướng dẫn tra cứu thông tin trên nhãn trang thiết bị y tế.
Trên đây là những phân tích về điều kiện lưu hành trang thiết bị y tế, để đi vào hồ sơ hay những vấn đề pháp lý khác liên quan đến trang thiết bị y tế, mọi người có thể tham khảo thêm một số bài viết khác của Dương Gia.
Mục lục bài viết
1. Hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư, bên em đang sản xuất thiết bị đo mắt trong y tế, trước khi sản phẩm lưu hành bên em phải tiến hành đăng ký, vậy hồ sơ bên em cần chuẩn bị đăng ký gồm những gì, luật sư liệt kê giúp em, em xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Trang thiết bị y tế sản xuất tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành mới được lưu thông trên thị trường. Theo quy định tại Thông tư 07/2002/TT-BYT ngày 30/05/2002 hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm phải được làm thành một bộ, có đóng bìa và bao gồm các nội dung được sắp xếp theo thứ tự sau:
Thứ nhất: Đơn đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế
Thứ hai: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh , trong đó có ghi chức năng sản xuất trang thiét bị y tế (bản sao có công chứng).
Thứ ba: Bản công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá hoặc bản công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn.
Thứ tư: Kết quả đánh giá thử nghiệm tại ít nhất 03 cơ sở y tế của Việt Nam (tuỳ theo từng loại sản phẩm, Bộ Y tế chỉ định cơ sở y tế để thử nghiệm).
Thứ năm: Kết quả kiểm nghiệm các tính chất hoá, lý và kiểm định độ an toàn của cơ quan chức năng (đối với loại sản phẩm có yêu cầu kiểm nghiệm, kiểm định).
Thứ sáu: Tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng
Cuối cùng: Nhãn sản phẩm theo đúng Quy chế ghi nhận hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
Bên bạn cần chuẩn bị được những nội dung nêu trên khi thực hiện thủ tục đăng ký lưu hành và được Bộ y tế cấp sổ lưu hành.
2. Quy định về phân loại trang thiết bị y tế
Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định về quản lý trang thiết bị y tế, tại Chương II Nghị định này có quy định về việc phân loại trang thiết bị y tế như sau:
Về loại trang thiết bị y tế:
Trang thiết bị y tế gồm 2 nhóm được phân làm 4 loại dựa trên mức độ rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thiết kế kỹ thuật và sản xuất các trang thiết bị y tế đó:
– Nhóm 1 gồm trang thiết bị y tế thuộc loại A là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro thấp.
– Nhóm 2 gồm trang thiết bị y tế thuộc loại B, C và D, trong đó:
+) Trang thiết bị y tế thuộc loại B là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình thấp;
+) Trang thiết bị y tế thuộc loại C là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình cao;
+) Trang thiết bị y tế thuộc loại D là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro cao.
Về nguyên tắc phân loại trang thiết bị y tế:
– Việc phân loại trang thiết bị y tế phải dựa trên cơ sở quy tắc phân loại về mức độ rủi ro.
– Trong trường hợp trang thiết bị y tế có thể được phân loại vào hai hoặc nhiều mức độ rủi ro thì áp dụng việc phân loại theo mức độ rủi ro cao nhất của trang thiết bị y tế đó.
– Trong trường hợp trang thiết bị y tế được thiết kế để sử dụng kết hợp với một trang thiết bị y tế khác thì mỗi trang thiết bị y tế phải được phân loại mức độ rủi ro riêng biệt.
– Trong trường hợp trang thiết bị y tế được sử dụng kết hợp với một trang thiết bị y tế khác hoặc trang thiết bị y tế có hai hoặc nhiều mục đích sử dụng thì việc phân loại phải căn cứ vào mục đích sử dụng quan trọng nhất của trang thiết bị y tế đó.
– Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc phân loại trang thiết bị y tế bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế về phân loại trang thiết bị y tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà Việt Nam là thành viên.
Về việc tổ chức thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế:
– Việc phân loại trang thiết bị y tế phải do tổ chức đủ điều kiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 36/2016/NĐ-CP thực hiện.
– Tổ chức thực hiện phân loại trang thiết bị y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại đối với trang thiết bị y tế mà mình đã thực hiện phân loại.
– Trường hợp có sự khác nhau về kết quả phân loại trang thiết bị y tế thì Bộ Y tế quyết định việc phân loại trang thiết bị y tế.
Tại Điều 7 Nghị định 36/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện của tổ chức thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế như sau:
“1. Điều kiện của tổ chức thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế:
a) Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;
b) Có người thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Điều kiện của người thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế:
a) Có trình độ từ đại học chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành y, dược trở lên;
b) Có thời gian công tác trực tiếp về kỹ thuật trang thiết bị y tế tại các bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh, cơ sở đào tạo chuyên ngành trang thiết bị y tế, cơ sở nghiên cứu về trang thiết bị y tế, cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế, tổ chức thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế, cơ quan quản lý về trang thiết bị y tế (sau đây gọi tắt là cơ sở trang thiết bị y tế) từ 24 tháng trở lên;
c) Đã được cơ sở đào tạo kiểm tra và công nhận đủ khả năng phân loại trang thiết bị y tế theo chương trình đào tạo do Bộ Y tế ban hành.
3. Cơ sở chỉ được thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế sau khi đã được Bộ Y tế cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định này”.
Về hồ sơ công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế:
– Hồ sơ công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế gồm:
+) Văn bản công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế theo mẫu số 01 quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP;
+) Bản kê khai nhân sự theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP; kèm theo bản
– Yêu cầu đối với một số giấy tờ trong hồ sơ:
+) Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực đối với bản xác nhận thời gian công tác;
+) Bản sao có chứng thực đối với văn bằng, chứng chỉ đã qua đào tạo của từng người thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế.
Về thủ tục công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế:
– Thủ tục công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế:
+) Trước khi thực hiện phân loại trang thiết bị y tế, tổ chức thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế gửi hồ sơ công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 36/2016/NĐ-CP đến Bộ Y tế;
+) Khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ Y tế cấp cho cơ sở thực hiện việc công bố Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế theo mẫu số 01 quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP;
+) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Bộ Y tế có trách nhiệm công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế các thông tin sau: Tên, địa chỉ, số điện thoại của cơ sở thực hiện phân loại trang thiết bị y tế và hồ sơ công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế.
– Trong quá trình hoạt động, tổ chức thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế phải thực hiện lại thủ tục công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế nếu có một trong các thay đổi liên quan đến hồ sơ công bố trước đó.
Về thừa nhận kết quả phân loại trang thiết bị y tế được quy định tại Điều 10 Nghị định 36/2016/NĐ-CP như sau:
– Trang thiết bị y tế không phải thực hiện lại việc phân loại tại Việt Nam nếu đã được phân loại bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước mà Việt Nam thừa nhận trên cơ sở các điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc nước áp dụng hệ thống phân loại trang thiết bị y tế tương tự Việt Nam.
– Bộ trưởng Bộ Y tế công bố danh sách các nước mà Việt Nam thừa nhận kết quả phân loại trang thiết bị y tế.
3. Quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế
Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định về quản lý trang thiết bị y tế, tại Chương VIII Nghị định này có quy định về quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.
Tại Điều 55 Nghị định 36/2016/NĐ-CP quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế:
– Việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế phải theo đúng mục đích, công năng, chế độ, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.
– Việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn phải tuân thủ quy định của nhà sản xuất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về kiểm định, hiệu chuẩn.
Đối với các trang thiết bị y tế có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định về kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định tại Nghị định này còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
– Phải lập, quản lý, lưu trữ đầy đủ hồ sơ về trang thiết bị y tế; thực hiện hạch toán kịp thời, đầy đủ trang thiết bị y tế về hiện vật và giá trị theo quy định hiện hành của pháp luật về kế toán, thống kê và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Nghị định 36/2016/NĐ-CP.
– Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền về quản lý trang thiết bị y tế.
Về quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế trong các cơ sở y tế của Nhà nước được quy định tại Điều 56 Nghị định 36/2016/NĐ-CP như sau:
“Các cơ sở y tế của Nhà nước ngoài việc thực hiện quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế theo quy định tại Điều 55 Nghị định này, phải thực hiện quản lý trang thiết bị y tế theo các quy định sau:
1. Trang thiết bị y tế trong các cơ sở y tế của Nhà nước được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
2. Thực hiện công khai chế độ quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế.
3. Thực hiện đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế bảo đảm nguyên tắc:
a) Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu của đơn vị và theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu;
b) Khuyến khích sử dụng các trang thiết bị y tế sản xuất trong nước. Đối với trang thiết bị y tế sản xuất trong nước đã được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu chất lượng sử dụng và khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu không được chào trang thiết bị y tế nhập khẩu”.
Ngoài ra, tại Điều 57 Nghị định 36/2016/NĐ-CP quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở y tế trong việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế:
– Cơ sở y tế có các quyền sau:
+) Yêu cầu chủ sở hữu số lưu hành thực hiện việc bảo dưỡng định kỳ trong thời hạn bảo hành;
+) Yêu cầu bên bán cung cấp tài liệu kỹ thuật của trang thiết bị y tế;
+) Tiếp nhận các trang thiết bị y tế phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sử dụng, sửa chữa trang thiết bị y tế.
– Cơ sở y tế có trách nhiệm:
+) Sử dụng, vận hành trang thiết bị y tế theo đúng hướng dẫn của chủ sở hữu trang thiết bị y tế;
+) Định kỳ bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn theo hướng dẫn của chủ sở hữu trang thiết bị y tế hoặc quy định của pháp luật;
+) Tham gia thử nghiệm, đánh giá chất lượng trang thiết bị y tế;
+) Báo cáo về các trường hợp trang thiết bị y tế có lỗi và các thông tin khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A
Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định về quản lý trang thiết bị y tế, tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định này có quy định về yêu cầu đối với hồ sơ và thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A như sau:
Thứ nhất, yêu cầu đối với hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng:
– Hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng làm thành 01 bộ.
– Yêu cầu đối với một số giấy tờ trong bộ hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng:
+) Đối với Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất: Nộp bản sao có xác nhận của tổ chức đứng tên công bố tiêu chuẩn áp dụng.
+) Đối với Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng: Nộp bản gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức đứng tên công bố tiêu chuẩn áp dụng;
Trường hợp nộp bản sao có xác nhận của tổ chức đứng tên công bố tiêu chuẩn áp dụng thì khi nộp hồ sơ phải xuất trình bản gốc để đối chiếu hoặc cung cấp nguồn dữ liệu để cơ quan tiếp nhận hồ sơ tra cứu về tính hợp lệ của các giấy tờ này;
Trường hợp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng không bằng tiếng Anh hoặc không bằng tiếng Việt thì phải dịch ra tiếng Việt. Bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật.
+) Đối với giấy ủy quyền của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và giấy xác nhận cơ sở đủ điều kiện bảo hành:
Đối với trang thiết bị y tế sản xuất trong nước: Nộp bản gốc hoặc bản sao có chứng thực;
Đối với trang thiết bị y tế nhập khẩu: Nộp bản đã được hợp pháp hóa lãnh sự hoặc bản sao có chứng thực của bản đã được hợp pháp hóa lãnh sự.
+) Đối với Giấy chứng nhận hợp chuẩn hoặc Bản tiêu chuẩn mà chủ sở hữu trang thiết bị y tế công bố áp dụng: Nộp bản sao có xác nhận của tổ chức đứng tên công bố tiêu chuẩn áp dụng.
Trường hợp Bản tiêu chuẩn không bằng tiếng Anh hoặc không bằng tiếng Việt thì phải dịch ra tiếng Việt. Bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật;
+) Đối với tài liệu hướng dẫn sử dụng của trang thiết bị y tế: Nộp bản bằng tiếng Việt có xác nhận của tổ chức đứng tên công bố tiêu chuẩn áp dụng;
+) Đối với mẫu nhãn: Nộp bản mẫu nhãn có xác nhận của tổ chức đứng tên công bố tiêu chuẩn áp dụng. Mẫu nhãn phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 54 Nghị định 36/2016/NĐ-CP.
Thứ hai, về thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng:
– Trang thiết bị y tế thuộc loại A chỉ được lưu hành trên thị trường sau khi đã được Sở Y tế cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định 36/2016/NĐ-CP.
– Thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng:
+) Trước khi đưa trang thiết bị y tế thuộc loại A lưu thông trên thị trường, cơ sở chịu trách nhiệm đưa trang thiết bị y tế ra thị trường có trách nhiệm gửi hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại Điều 22 Nghị định 36/2016/NĐ-CP đến Sở Y tế nơi cơ sở đó đặt trụ sở;
+) Khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Y tế cấp cho cơ sở thực hiện việc công bố Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng theo mẫu số 03 quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP;
+) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Sở Y tế có trách nhiệm công khai trên cổng thông tin điện tử các thông tin sau: Tên, phân loại, cơ sở sản xuất, nước sản xuất trang thiết bị y tế; số lưu hành của trang thiết bị y tế; tên, địa chỉ chủ sở hữu trang thiết bị y tế; tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành; tên, địa chỉ của cơ sở bảo hành trang thiết bị y tế và hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng của trang thiết bị y tế.
– Trường hợp thay đổi chủ sở hữu trang thiết bị y tế hoặc cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế, chủ sở hữu số lưu hành có trách nhiệm thực hiện lại việc công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của Nghị định 36/2016/NĐ-CP.