Một số điều kiện đảm bảo nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân thep pháp luật trong tố tụng hình sự.
Về cách thức tổ chức hệ thống Tòa án:
Hệ thống tổ chức Tòa án phải độc lập so với các cơ quan nhà nước khác. Nếu tổ chức hệ thống tòa án độc lập thì sẽ nó không bị chi phối bởi các cơ quan nhà nước khác, không gắn quá nhiều sự ràng buộc với chính quyền địa phương và như thế khi xét xử sẽ có tính độc lập cao. Ở nước ta, hệ thống tòa án lại được tổ chức theo cấp hành chính tuy có những ưu điểm riêng nhưng bộc lộ những điểm bất cập như thiếu khách quan khi đối tượng xét xử là các quan chức nhà nước…Để khắc phục hạn chế này theo Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”. Đây là một định hướng đúng, không những đảm bảo cho hoạt động xét xử của Tòa án có hiệu quả mà còn đảm bảo được nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật.
Về cách thức quản lý Tòa án:
Quản lý Tòa án được xem xét dưới hai góc độ là quản lý hành chính và quản lý chuyên môn nghiệp vụ. Vấn đề quản lí hành chính trong hệ thống Tòa án là yếu tố quan trọng để đảm bảo nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Nếu Tòa án tối cao quản lý cả chuyên môn nghiệp vụ lẫn tổ chức hành chính thì tính độc lập dễ bị vi phạm, bởi: Việc tổ chức, quản lý hành chính ảnh hưởng đến lợi ích thiết thân của Thẩm phán và cán bộ Tòa án nên Tòa án cấp trên có thể lợi dụng thế này để can thiệp vào công việc chuyên môn xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Thẩm phán, Hội thẩm cũng có thể dễ dàng chấp nhận những yêu cầu không khách quan của cấp trên vì tâm lý nể sợ cấp trên…Do đó, để đảm bảo cho nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật thì cần phải tách thẩm quyền quản lí hành chính cho một chủ thể khác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Về ngân sách nhà nước và hoạt động xét xử:
Bất cứ tổ chức, cơ quan nào muốn hoạt động tốt cũng phải có nguồn kinh phí. Nguồn kinh phí đó để trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động của Tòa án nói chung và của hoạt động xét xử nói riêng. Tuy nhiên chính vì ý nghĩa của nguồn kinh phí mà nhiều khi Tòa án sẽ bị phụ thuộc vào cơ quan phân bổ ngân sách nhà nước. Mặt khác, ngân sách nhà nước chưa đủ để phục vụ cho hoạt động xét xử phải dựa vào nguồn hỗ trợ của địa phương dẫn đến nguyên tắc này không được đảm bảo.
Về hệ thống pháp luật:
Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật chỉ có thể được bảo đảm khi có hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với đời sống kinh tế – xã hội làm nền tảng cho các phán quyết của Tòa án. Đặc biệt là khi pháp luật của ta không thừa nhận án lệ thì đòi hỏi hệ thống các văn bản pháp luật và văn bản hướng dẫn đầy đủ và kịp thời. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống pháp luật của ta không mang tính đồng bộ và thống nhất, gây khó khăn rất nhiều trong hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.