Các điều kiện cơ bản đảm bảo chất lượng, hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở. Đảm bảo quyền được thông tin, quyền được tham gia quản lý nhà nước của công dân. Đảm bảo tính phù hợp với đối tượng, địa bàn, tính khả thi, tính hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Đảm bảo quyền được thông tin, quyền được tham gia quản lý nhà nước của công dân:
Quyền con người, quyền công dân được khẳng định là nguyên tắc hiến định trong mọi hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nhà nước ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì hơn bao giờ hết, quyển con người, quyền công dân được đặc biệt quan tâm. Trong các quyền đó, quyền được thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói, quyền được thông tin là cầu nối để công dân thực hiện các quyền của mình.
Phổ biến, giáo dục pháp luật với những đặc trưng, tính chất của mình góp phần bảo đảm “quyền truyền thông tin và nhận thông tin” của công dân, cụ the trong lĩnh vực pháp luật, qua đó công dân có những điều kiện cần thiết để tham gia chủ động và tích cực vào các hoạt động của nhà nước và xã hội.
Thông tin pháp luật là thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là một ký kết hoặc tham gia, các tin tức, tri thức, dữ kiện được tạo lập và thu nhận trong quá trình lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong nghiên cứu và giảng dạy pháp luật. Thông tin pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Thông tin là nguồn nội dung cho hoạt động PBGDPL. PBGDPL là hoạt động truyền tải các thông tin pháp luật tới mọi đối tượng trong xã hội. PBGDPL không giới hạn về phạm vi thông tin và đối tượng tiếp nhận thông tin. Thông tin trong PBGDPL là những thông tin toàn diện và chung nhất về những vấn đề liên quan đến pháp luật, trước hết là hệ thống pháp luật hiện hành. Với quyền được thông tin pháp luật, mọi công dân sẽ nắm được hệ thống pháp luật hiện hành từ khâu dự thảo, xây dựng đến khi công bố và đưa vào áp dụng, thực hiện pháp luật trong cuộc sống.
Nội dung của PBGDPL có phạm vi rộng song lại có đặc thù riêng, bao gồm: các thông tin về pháp luật (cả kiến thức pháp luật cơ bản và văn bản pháp luật thực định); các thông tin về thực hiện pháp luật, về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm; về vị trí, tác động của từng văn bản pháp luật đối với đời sống xã hội, đối với từng đối tượng và ý kiến của nhân dân, của các chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá hiệu lực pháp lý, hiệu quả kinh tế – xã hội của các văn bản pháp luật và các biện pháp thi hành pháp luật; các thông tin hướng dẫn hành vi pháp luật cụ thể (các quá trình, thủ tục đơn giản để người dân có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình).
Hoạt động PBGDPL góp phần đảm bảo thực hiện nguyên tắc quyền tham gia quản lý nhà nước của nhân dân. Nguyên tắc này được thể hiện ngay từ khâu xây dựng pháp luật, để phổ biến nội dung pháp luật đến nhân dân và pháp luật đi được vào cuộc sống, đồng thời để người dẫn gián tiếp thực hiện quyền năng của mình trong quản lý nhà nước và xã hội theo quy định của Hiến pháp. Cụ thể đó là việc tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân được thể hiện trong 04 bản Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác. Thực tế cho thấy, việc lấy ý kiến nhân dân, tiếp thu, chỉnh lý là khâu quan trọng góp phần hoàn chỉnh dự án, bảo đảm tính khả thi của dự án.
Tuy nhiên, để thực hiện quyền năng tham gia quản lý nhà nước của mình, đồng thời phải không ngừng nâng cao tri thức, hiểu biết, xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti khi tiếp xúc với cơ quan công quyền để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật, đó cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân đối với đất nước, ở bất kỳ xã hội hiện đại đại nào thì lực lượng là ở nơi dân, nhà nước muốn làm việc gì đều phải dựa vào sức dân, thông qua việc huy động công sức và trí tuệ của nhân dân.
Hoạt động PBGDPL với những hình thức phổ biến, giáo dục phong phú, thiết thực đã trực tiếp và gián tiếp giúp người dân thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của mình. Khi người dân hiểu biết, nắm vững pháp luật, họ có thể tự tin để “bàn”, để “làm”, và để “kiểm tra”. Khi nhà nước ta đang xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì một trong những điều kiện quan trọng là làm sao người dân được tham gia tích cực vào các hoạt động quản lý xã hội bằng pháp luật. Tăng cường dân chủ cũng có nghĩa là mở rộng sự tham gia của người dân vào các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Chính điều này đã nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong xã hội. PBGDPL góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự lớn mạnh của tính tích cực, đảm bảo hành trang kiến thức pháp lý cần thiết cho sự tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, để mỗi cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành quan tâm đến pháp luật và sử dụng công cụ pháp luật một cách có hiệu quả. Đó chính là trách nhiệm của hoạt động PBGDPL.
2. Đảm bảo tính phù hợp với đối tượng, địa bàn, tính khả thi, tính hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật:
– Tính phù hợp với đối tượng
Đảm bảo tính phù hợp với đối tượng là nguyên tắc quan trọng trong hoạt động PBGDPL. PBGDPL phải xuất phát từ đối tượng được phổ biến, giáo dục. Đối tượng của phổ biến, giáo dục pháp luật là những cá nhân, nhóm cộng đồng xã hội cụ thể tiếp nhận trực tiếp hoặc gián tiếp tác động của các hoạt động của PBGDPL do các chủ thể giáo dục, phổ biến tiến hành nhằm đạt mục đích đã đề ra. Mỗi đối tượng PBGDPL có vị trí khác nhau trong xã hội, do đó có những nhu cầu, khả năng và điều kiện tiếp nhận thông tin pháp luật ở những mức độ khác nhau. Vì vậy, để sự tác động PBGDPL tới các đối tượng hiệu quả thì việc xác định nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp đến đối tượng của các chủ thể PBGDPL là đòi hỏi khách quan.
Trên cơ sở phân loại đối tượng, các chủ thể PBGDPL lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp nhằm trang bị cho từng đối tượng những thông tin, kiến thức cần thiết để họ có những hành vi xử sự phù hợp với vị trí của mình trong các quan hệ pháp luật. Có thể phân loại đối tượng theo năng lực chủ thể, địa vị xã hội, nghề nghiệp, độ tuổi….
Nội dung PBGDPL có ý nghĩa quyết định cho việc đạt tới mục đích PBGDPL. Tuy nhiên, để nội dung đó đi vào nhận thức, tình cảm của đối tượng PBGDPL thì phải thông qua các kênh truyền tải thông tin, qua cách thức và biện pháp tác động nhất định phù hợp với khả năng tiếp cận của từng loại đối tượng. Do đó, hiệu quả pháp luật của quá trình PBGDPL còn phụ thuộc vào sự hoàn thiện của hình thức, phương pháp PBGDPL.
Trong một hình thức PBGDPL có thể sử dụng nhiều phương tiện, phương pháp khác nhau với từng đối tượng, những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, chủ thể PBGDPL cần vận dụng sáng tạo việc sử dụng các phương tiện, phương pháp khác nhau nhằm tác động sâu sắc và mạnh mẽ tới ý thức pháp luật của công dân.
– Tính khả thi
PBGDPL là hoạt động vừa mang tính thời sự, vừa mang tính lâu dài, thường xuyên, do đó, khi tiến hành PBGDPL phải xem xét tính khả thi. Ngoài việc lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp PBGDPL cho phù hợp với đối tượng, tính khả thi trong hoạt động PBGDPL còn dựa trên những yếu tố về tổ chức và nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất và điều kiện của địa bàn thực hiện.
3. Hiệu quả của phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở:
Theo GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, điều quan trọng là cần phải đổi mới công tác PBGDPL ở cơ sở để đảm bảo phát huy những mặt tích cực của công tác này, hiệu quả PBGDPL có thể được hiểu là:
“Hiệu quả PBGDPL cần được nhận thức, đánh giá trên cả hai phương diện sau đây:
Phương diện kết quả đạt được so với yêu cầu, mục đích của văn bản pháp luật, các quy định pháp luật tương ứng.
– Phương diện hiệu quả xã hội đạt được từ kết quả thực hiện các quy định pháp luật.
Hiệu quả của phổ biến, giáo dục là kết quả đạt được theo đúng yêu cầu, mục đích của các quy định pháp luật tương ứng và các lợi ích xã hội được đem lại với chi phí về vật chất, tinh thần thấp nhất.
Hiệu quả PBGDPL được đánh giá thông qua các tiêu chí cơ bản sau đây:
– Tiêu chí thứ nhất, về trạng thái tri thức ban đầu của đối tượng PBGDPL khi chưa được phổ biến, giáo dục pháp luật.
– Tiêu chí thứ hai, về trạng thái thái độ, tình cảm pháp luật ở đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật trước khi được phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm xây dựng, củng cố niềm tin vào pháp luật.
– Tiêu chí thứ ba, về trạng thái của động cơ và hành vi tích cực pháp luật ở đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật”.