Khoáng sản là một trong những tài nguyên rất quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Pháp luật cũng đã quy định cụ thể về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. Vậy điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản:
Thăm dò khoáng sản là giai đoạn độc lập trong quá trình nghiên cứu tuần tự cấu trúc địa chất của lòng đất, được hoạt động nhằm mục đích:
+ Xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và
+ Các thông tin khác phục vụ khai thác khoáng sản.
+ Thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.
Thăm dò, khai thác khoáng sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò khoáng sản được thăm dò khoáng sản đó là:
+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật hợp tác xã
+ Doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam.
Để thành lập được tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản thì phải đáp ứng những điều kiện sau:
Thứ nhất, tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, tổ chức đó phải có người phụ trách kỹ thuật:
+ Tốt nghiệp đại học chuyên ngành địa chất thăm dò
+ Đã có kinh nghiệm thực tế trong thăm dò khoáng sản ít nhất 05 năm
+ Có hiểu biết, nắm vững tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thăm dò khoáng sản.
Thứ ba, có đội ngũ công nhân kỹ thuật chuyên ngành địa chất thăm dò, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, địa vật lý, khoan, khai đào và chuyên ngành khác có liên quan.
Thứ tư, có thiết bị, công cụ chuyên dùng cần thiết để thi công công trình thăm dò khoáng sản.
Tổ chức này phải có chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Là công dân Việt Nam, nếu là người nước ngoài thì phải có giấy phép lao động tại Việt Nam
– Có bằng đại học trở lên thuộc ngành địa chất thăm dò khoáng sản hoặc tương đương, đối với đề án thăm dò nước khoáng, nước nóng thì có bằng đại học ngành địa chất thủy văn – địa chất công trình.
– Đã có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thi công đề án điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản với thời gian tối thiểu là 05 năm.
– Có chứng chỉ chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản.
– Đối với đề án thăm dò khoáng sản độc hại thì phải đáp ứng thời gian tham gia đề án này với vị trí là cán bộ kỹ thuật địa chất đã tham gia ít nhất 01 đề án thăm dò khoáng sản độc hại hoặc đã làm chủ nhiệm 01 đề án thăm dò khoáng sản trong cùng một thời gian, và chỉ được đảm nhận tối đa 02 đề án thăm dò khoáng sản.
2. Các tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản:
Điều 35 Luật khoáng sản quy định tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản được thành lập theo những hình thức sau:
+ Doanh nghiệp
+ Tổ chức khoa học và công nghệ
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
+ Tổ chức sự nghiệp chuyên ngành địa chất có chức năng, nhiệm vụ thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập
– Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản:
+ Lựa chọn tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản theo quy định.
+ Quản lý, lưu giữ hồ sơ của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản và khi được yêu cầu phải cung cấp đầy đủ tài liệu hồ sơ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
– Trách nhiệm của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản:
+ Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thiết kế đề án thăm dò đã được thẩm định
+ Đảm bảo chất lượng công việc
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước chủ đầu tư về tính trung thực của tài liệu, chất lượng, kết quả đề án thăm dò khoáng sản theo quy định.
+ Lập hồ sơ hành nghề thăm dò khoáng sản; cung cấp các thông tin về hoạt động thăm dò cho chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
3. Quyền và nghĩa của tổ chức thăm dò khoáng sản:
Tổ chức thăm dò khoáng sản có các quyền sau đây:
– Được phép sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích thăm dò và khu vực thăm dò
– Tiến hành thăm dò theo Giấy phép thăm dò khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp
– Được phép chuyển các loại mẫu vật với khối lượng, chủng loại phù hợp với tính chất, yêu cầu phân tích, thử nghiệm theo đề án thăm dò đã được chấp thuận ra ngoài khu vực thăm dò, kể cả ra nước ngoài.
– Được ưu tiên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực đã thăm dò theo quy định
– Đề nghị gia hạn, trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò khoáng sản
– Chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản
– Khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi Giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
– Các quyền khác theo quy định
Nghĩa vụ của tổ chức thăm dò khoáng sản:
Tổ chức thăm dò khoáng sản có các nghĩa vụ như sau:
– Nộp lệ phí cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, nghĩa vụ tài chính khác theo quy định
– Thực hiện theo đúng Giấy phép thăm dò khoáng sản, đề án thăm dò khoáng sản đã được chấp thuận
– Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xem xét, chấp thuận trong trường hợp thay đổi phương pháp thăm dò hoặc thay đổi khối lượng thăm dò có chi phí lớn hơn 10% dự toán.
– Bồi thường thiệt hại do hoạt động thăm dò gây ra
– Trước khi thực hiện hoạt động thăm dò phải thông báo kế hoạch thăm dò cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thăm dò khoáng sản
– Thu thập, lưu giữ thông tin về khoáng sản và báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản;
– Báo cáo các hoạt động khác cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
– Thực hiện các công việc khi Giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định
4. Hồ sơ hành nghề thăm dò khoáng sản:
Căn cứ Điều 13
– Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp (Bản sao có chứng thực).
– Hợp đồng thi công đề án thăm dò khoáng sản với tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản
– Giấy phép thăm dò khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp
– Danh sách cán bộ, công nhân tham gia thi công đề án thăm dò khoáng sản và các hợp đồng lao động của người phụ trách kỹ thuật và công nhân kỹ thuật tham gia trực tiếp thi công đề án.
– Tài liệu của các cá nhân tham gia thi công đề án thăm dò khoáng sản bao gồm:
+ Quyết định giao nhiệm vụ cho người phụ trách kỹ thuật (sau đây được gọi là chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản) kèm theo văn bằng chứng chỉ ngành nghề, lý lịch khoa học của chủ nhiệm đề án (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).
+ Hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng;
+
– Danh mục các thiết bị, công cụ chuyên dùng để thi công công trình thăm dò khoáng sản phù hợp với đề án thăm dò khoáng sản.
– Hồ sơ hành nghề thăm dò khoáng sản được quản lý, lưu giữ tại tổ chức, cá nhân có giấy phép thăm dò khoáng sản
5. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Địa danh, ngày… tháng… năm…
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP THĂM DÒ KHOÁNG SẢN
Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường
(Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố…)
(Tên tổ chức, cá nhân) ….
Trụ sở tại: … Điện thoại:… Fax:….
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số… ngày… tháng… năm….do… (tên cơ quan) cấp; hoặc Giấy phép đầu tư số…. ngày…. tháng…. năm… do … (Cơ quan cấp giấy phép đầu tư) cấp/Quyết định thành lập văn phòng đại diện số …. ngày … tháng … năm … do …(cơ quan quyết định thành lập văn phòng đại diện) cấp (đối với doanh nghiệp nước ngoài).
Đề nghị được thăm dò khoáng sản (tên khoáng sản)…tại xã…, huyện… tỉnh…;
Diện tích thăm dò: …ha (km2), được giới hạn bởi các điểm góc…có tọa độ xác định trên bản đồ khu vực thăm dò khoáng sản kèm theo Đơn này.
Chiều sâu thăm dò: từ mức … m đến mức … m (nếu thấy cần thiết).
Thời gian thăm dò: … tháng (năm), kể từ ngày được cấp Giấy phép.
Hợp đồng kinh tế kỹ thuật số … ngày ….. tháng…năm… với … (tên tổ chức lập đề án thăm dò) (trong trường hợp chủ đầu tư không có đủ điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản).
Mục đích sử dụng khoáng sản: …
Đối với trường hợp đề nghị cấp phép thăm dò nước khoáng, nước nóng thiên nhiên cần bổ sung thông tin về công trình thăm dò theo các thông số:
Số hiệu | C.sâu | Tọa độ | Ghi chú |
GK | (m) | X Y |
(Tên tổ chức, cá nhân) …… cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và quy định của pháp luật khác có liên quan./.
Tổ chức, cá nhân làm đơn
(Ký tên, đóng dấu)
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 60/2016/NĐ-CP Quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;
– Nghị định 136/2018/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh lĩnh vực tài nguyên và môi trường;