Điều kiện công chức, viên chức được cấp chứng chỉ bồi dưỡng được quy định chi tiết tại Thông tư số 03 /2023/TT-BNV. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề trên:
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là công chức, viên chức?
- 2 2. Thế nào là chứng chỉ bồi dưỡng công chức, viên chức?
- 3 3. Điều kiện công chức, viên chức được cấp chứng chỉ bồi dưỡng:
- 4 4. Quy định về việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng cho công chức, viên chức:
- 5 5. Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng bị thu hồi trong trường hợp nào?
- 6 6. Mẫu chứng chỉ bồi dưỡng công chức, viên chức:
1. Thế nào là công chức, viên chức?
– Viên chức theo quy định tại Điều 2
– Công chức được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 25/VBHN-VPQH Luật cán bộ, công chức và được hướng dẫn tại Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức, cụ thể là công dân Việt Nam, công chức sẽ được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong đơn vị sự nghiệp công lập cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng.
Chế độ lương của công chức được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Thế nào là chứng chỉ bồi dưỡng công chức, viên chức?
Căn cứ Điều 26 Nghị định số 101/2017NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 89/2021/NĐ-CP quy định chứng chỉ bồi dưỡng do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu cấp.
Đối với viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng.
Chứng chỉ bồi dưỡng công chức, viên chức có giá trị sử dụng trên toàn quốc.
3. Điều kiện công chức, viên chức được cấp chứng chỉ bồi dưỡng:
Căn cứ Điều 6 Thông tư số 03/2023/TT-BNV quy định để được cấp chứng chỉ bồi dưỡng, công chức, viên chức phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Phải tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng.
– Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
– Tuân thủ các quy chế, nội quy học tập của Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
– Phải có đầy đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng.
– Các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án phải đạt từ 50% số điểm trở lên theo thang điểm quy định của chương trình.
4. Quy định về việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng cho công chức, viên chức:
– Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ bồi dưỡng cho công chức, viên chức gồm:
+ Học viện Hành chính Quốc gia.
+ Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
+ Cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
– Chứng chỉ bồi dưỡng chỉ được cấp 01 lần cho công chức, viên chức đã tham gia và hoàn thành khóa học, trong ngày bế giảng khóa học.
– Ngôn ngữ ghi trên chứng chỉ, giấy chứng nhận là tiếng Việt.
– Trường hợp có sai sót các thông tin trên chứng nhận bồi dưỡng do lỗi của của Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu thì phải tiến hành cấp lại chứng chỉ chương trình bồi dưỡng. Thời gian cấp lại trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị (kèm theo chứng chỉ, giấy chứng nhận bị sai sót hoặc bị hỏng) của học viên.
– Khi giấy chứng nhận hoàn thành khóa học bị mất, bị hư hỏng thì cấp lại.
5. Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng bị thu hồi trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 8 Thông tư số 03 /2023/TT-BNV quy định chứng chỉ bồi dưỡng bị thu hồi khi:
– Cấp cho người không đủ điều kiện.
– Không đúng thẩm quyền cấp.
– Có sự tẩy xóa, sửa chữa.
– Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập đối với người được cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận.
– Do lỗi của Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
6. Mẫu chứng chỉ bồi dưỡng công chức, viên chức:
MẪU CHỨNG CHỈ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03 /2023/TT-BNV ngày 30 tháng 04 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)
1. Kích thước chứng chỉ: 13 cm x 19 cm
2. Màu chứng chỉ: Mặt ngoài chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là màu đỏ huyết dụ, mặt trong màu trắng.
3. Kỹ thuật trình bày:
Chứng chỉ khi gập lại theo chiều dọc có 4 trang:
a) Trang 1: Trên cùng có Quốc hiệu “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 12, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm, màu nhũ vàng.
Tiếp đến là hình Quốc huy, màu nhũ vàng.
Sau đó là dòng chữ “CHỨNG CHỈ” ở giữa trang, được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 20, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm, màu nhũ vàng.
b) Trang 2: Dòng trên cùng “TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC CẤP TRÊN” là cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu (bao gồm cả Học viện Hành chính Quốc gia), được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 12, kiểu chữ in hoa, đứng.
Dòng tiếp theo là “TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG HOẶC CƠ SỞ ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU” được ghi đầy đủ theo tên gọi chính thức trong văn bản pháp lý thành lập, được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 13, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm.
Tiếp theo là ảnh của học viên được cấp chứng chỉ, cỡ ảnh 4 cm x 6 cm, nền trắng và được đóng giáp lai. Dòng cuối là số quyết định cấp chứng chỉ, được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng.
c) Trang 3: Dòng chữ trên cùng là Quốc hiệu “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 12, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm.
Dòng chữ dưới “ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” được trình bày bằng chữ Times New Roman, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm, được đặt canh giữa dưới dòng chữ trên; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối, có cách chữ; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ.
Tiếp đến là dòng chữ “GIÁM ĐỐC (HIỆU TRƯỞNG) CƠ SỞ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG HOẶC CƠ SỞ ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU”. Tên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu được ghi đầy đủ như ở trang 2, phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 12, kiểu chữ in hoa, đứng.
Tiếp theo là các dòng “Chứng nhận: Ông (Bà); Sinh ngày … tháng … năm; Đơn vị công tác; Đã hoàn thành chương trình; Từ ngày… tháng… năm; Đến ngày… tháng… năm” được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 12, kiểu chữ đứng; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa.
Các dòng chữ ghi địa danh và ngày, tháng, năm cấp chứng chỉ được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 12, kiểu chữ nghiêng; đối với những số chỉ ngày nhỏ hơn 10 và tháng 1, 2 phải ghi thêm số 0 ở trước; sau địa danh có dấu phẩy.
Dòng tiếp theo ghi chức vụ, chữ ký, họ tên của người ký và dấu của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Chức vụ của người ký được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 13, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm. Họ tên của người ký được trình bày bằng chữ Times New Roman, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm.
d) Kích thước Quốc huy và các chi tiết trình bày khác do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu quyết định nhưng bảo đảm sự cân đối chung.
4. Mẫu mặt trong của chứng chỉ:
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC CẤP TRÊN
Số:
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM GIÁM ĐỐC (HIỆU TRƯỞNG) CƠ SỞ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG HOẶC CƠ SỞ ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU Chứng nhận: Ông (Bà) …………… Sinh ngày ……… tháng ……… năm ……… Đơn vị công tác: …………… Đã hoàn thành chương trình: ……………… Từ ngày ……… tháng ……… năm ……… Đến ngày ……… tháng ……… năm ……… Nơi cấp, ngày …. tháng …. năm….. |
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-VPQH 2019 Luật viên chức.
Văn bản hợp nhất số 25/VBHN-VPQH Luật cán bộ, công chức.
Thông tư số 03 /2023/TT-BNV ngày 30 tháng 04 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.