Quy định về điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản? Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản? Thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (trừ giống thủy sản bố mẹ)?
Thuỷ sản là một thuật ngữ rất quen thuộc trong giai đoạn hiện nay. Việc nuôi các động vật thủy sản đang ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Ngành thuỷ sản phát triển đã đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước cũng như góp phần cải thiện đời sống của những chủ thể là người lao động. Bên cạnh đó cũng đã tạo được nhiều việc làm cho người lao động ở các lĩnh vực có liên quan. Với những vai trò quan trọng như thế thì việc sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cũng được quy định rất cụ thể. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu quy định về điều kiện cấp phép cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản?
Mục lục bài viết
1. Quy định về điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
– Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập;
Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính Phủ cũng đã hướng dẫn về nội dung này cụ thể như sau:
+ Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải và hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; khu sinh hoạt bảo đảm tách biệt với khu vực sản xuất, ương dưỡng;
+ Trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng.
– Thứ hai, các tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện phải có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học.
– Thứ ba, các tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học.
Pháp luật quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học bao gồm các nội dung: Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng; giống thủy sản trong quá trình sản xuất; vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải; tiêu hủy xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy; kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở; thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Đối với trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Theo giải thích tại Luật thủy sản năm 2017 thì việc ương dưỡng giống thủy sản là việc nuôi ấu trùng thủy sản qua các giai đoạn phát triển, hoàn thiện thành con giống. Các tổ chức, cá nhân ương dưỡng giống thủy sản sẽ được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện nêu trên. Việc được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sẽ giúp các chủ thể thực hiện việc ương dưỡng giống thủy sản theo đúng quy định của pháp luật và sẽ được pháp luật bảo vệ khi có các vấn đề xảy ra.
2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
Theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có quyền sau đây:
– Các tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có quyền sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo nội dung của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
– Các tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có quyền quảng cáo giống thủy sản theo quy định của pháp luật về quảng cáo.
– Các tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có quyền khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ sau đây:
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng giống thủy sản đã công bố.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ sản xuất giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; bảo đảm an toàn sinh học trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ thực hiện ghi nhãn giống thủy sản theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ cập nhật thông tin, báo cáo trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ.
Như vậy, pháp luật nước ta cũng đã quy định rất cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Việc ban hành quy định này đã góp phần quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
3. Thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (trừ giống thủy sản bố mẹ):
– Bước 1: Các cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ hợp lệ. Các cá nhân, tổ chức sẽ nộp hồ sơ tại Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Nam (tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
– Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ về Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
– Bước 3:
+ Trình tự cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành kiểm tra điều kiện của cơ sở theo Mẫu số 03.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính Phủ.
+ Nội dung kiểm tra bao gồm: Kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại Giấy chứng nhận; Kiểm tra thực tế tại địa điểm sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định tại Điều 23, khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản và Điều 20 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ trong sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo khoản 2 Điều 26 Luật Thủy sản.
+ Thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là 12 tháng; đối với trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá, cấp giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện là 24 tháng.
– Bước 4: Nhận và trả kết quả:
Đối với hồ sơ nộp trực tiếp tổ chức, cá nhân mang theo phiếu hẹn đến nhận kết quả tại Trung tâm hành chính công trên địa bàn.
Hoặc qua hệ thống bưu chính (nếu có nhu cầu). Nhận kết quả qua hệ thống bưu chính đối với trường hợp lựa chọn nộp hồ sơ và trả kết quả qua hệ thống bưu chính.
Cách thức thực hiện thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (trừ giống thủy sản bố mẹ):
Gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc thư điện tử, fax sau đó gửi hồ sơ gốc hoặc gửi trực tiếp tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Thành phần, số lượng hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Hồ sơ gồm có:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo Mẫu số 01.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP (đối với trường hợp câp giấy chứng nhận và cấp lại).
+ Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo Mẫu số 02.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP (đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận).
+ Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân (đối với trường hợp đề nghị cấp lại);
+ Bản chính Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đã được cấp, trừ trường hợp Giấy chứng nhận bị mất (đối với trường hợp đề nghị cấp lại).
– Số bộ hồ sơ: 1 bộ.
Thời hạn giải quyết thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (trừ giống thủy sản bố mẹ):
03 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới; 01 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại.
Đối tượng thực hiện cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (trừ giống thủy sản bố mẹ):
Tổ chức, cá nhân.