Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay, không thể không nhắc đến vai trò của ngành xây dựng, đặc biệt là khi bước tiến của kinh tế luôn gắn liền với sự tăng trưởng của ngành xây dựng. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì điều kiện của cá nhân hành nghề độc lập trong lĩnh vực xây dựng được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện cá nhân hành nghề độc lập lĩnh vực xây dựng:
Lĩnh vực xây dựng là một lĩnh vực không còn xa lạ trong đời sống hiện nay, là một quy trình thiết kế và thi công tạo nên cơ sở hạ tầng hoặc tạo nên các công trình công nghiệp, các công trình dân dụng. Lĩnh vực xây dựng bao gồm tất cả các lĩnh vực, hoạt động liên quan đến kĩ thuật thiết kế, thi công hạ tầng. Không giống với các lĩnh vực sản xuất khác, lĩnh vực xây dựng thường hướng đến những sản phẩm tại một số địa điểm, dành cho đối tượng khách hàng riêng biệt, đặc biệt là khách du lịch, khách hàng của lĩnh vực xây dựng có thể là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức hoặc cả cộng đồng.
Cá nhân hành nghề độc lập trong lĩnh vực xây dựng trước hết cần phải đáp ứng được điều kiện chung về năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng căn cứ theo quy định tại Điều 148 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020. Bao gồm một số điều kiện sau:
-
Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng bắt buộc phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc mà mình đảm nhận, do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp;
-
Nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ theo quy định pháp luật về đấu thầu, đồng thời được cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cấp giấy phép hoạt động;
-
Những chức danh, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực xây dựng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật xây dựng, trong đó bao gồm giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng, chủ nhiệm thiết kế quy hoạch, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng, chủ nhiệm khảo sát xây dựng, chủ nhiệm thiết kế, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát thi công công trình xây dựng; chủ trì lập chi phí đầu tư, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Chứng chỉ hành nghề xây dựng sẽ được phân hạng thành: Hạng I, II và III;
-
Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng bắt buộc phải có chứng chỉ năng lực theo quy định của pháp luật xây dựng, trong đó bao gồm tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng; khảo sát tư vấn xây dựng; thiết lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng; thiết kế xây dựng, thẩm tra thiết kế xây dựng; thi công công trình xây dựng trên thực tế và tư vấn giám sát thi công công trình xây dựng. Tổ chức hành nghề, cá nhân hành nghề kiến trúc cần phải thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 158 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020 có quy định về điều kiện của cá nhân hành nghề độc lập. Theo đó, cá nhân hành nghề độc lập trong lĩnh vực xây dựng, về vấn đề lập thiết kế quy hoạch xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng, tư vấn giám sát thi công công trình xây dựng, lập chi phí đầu tư, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng cần phải đáp ứng được những điều kiện sau:
-
Có đăng ký hoạt động các lĩnh vực phù hợp với nội dung hành nghề trên thực tế;
-
Có chứng chỉ hành nghề và có năng lực phù hợp với công việc thực hiện.
Như vậy, cá nhân hành nghề độc lập trong lĩnh vực xây dựng cần phải tuân thủ theo điều kiện chung và điều kiện riêng nêu trên.
2. Cá nhân thực hiện các hoạt động xây dựng nào không cần phải có chứng chỉ hành nghề?
Căn cứ theo quy định tại Điều 62 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP, có quy định về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Theo đó:
-
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, hay còn được gọi là chứng chỉ hành nghề, được cấp cho các cá nhân mang quốc tịch là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư trên lãnh thổ nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam để đảm nhận các chức danh, hành nghề độc lập căn cứ theo quy định tại Điều 148 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020. Các lĩnh vực, phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề sẽ được thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP Các hoạt động tư vấn liên quan đến kiến trúc, liên quan đến phòng cháy chữa cháy sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc và pháp luật về phòng cháy chữa cháy;
-
Cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư trên lãnh thổ nước ngoài đã có giấy phép năng lực hành nghề, giấy phép đó có cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp, trong trường hợp hành nghề hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian dưới 06 tháng hoặc ở lãnh thổ nước ngoài tuy nhiên thực hiện các dịch vụ tư vấn xây dựng tại Việt Nam, thì giấy phép năng lực hành nghề này phải được thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự để được công nhận hành nghề tại Việt Nam. Trong trường hợp cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian từ 06 tháng trở lên, thì bắt buộc phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề căn cứ theo quy định tại Điều 64 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP;
-
Cá nhân không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề khi thực hiện các hoạt động xây dựng như sau: Thiết kế hệ thống thông tin, giám sát hệ thống thông tin liên lạc và viễn thông trong công trình xây dựng; thiết kế công tác, giám sát công tác hoàn thiện công trình xây dựng như lắp đặt cửa, nội thất và một số công việc tương tự khác, quá trình thực hiện không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của toàn bộ công trình xây dựng; các hoạt động xây dựng đối với công trình xây dựng cấp IV, công viên cây xanh, đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.
Như vậy, cá nhân không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng khi cá nhân thực hiện một trong những hoạt động xây dựng như sau:
-
Thiết kế, giám sát hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống viễn thông trong công trình xây dựng;
-
Thiết kế, giám sát công tác hoàn thiện công trình xây dựng như lắp đặt cửa, nội thất và một số công việc tương tự khác, quá trình thực hiện không làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của toàn bộ công trình xây dựng;
-
Các hoạt động xây dựng đối với công trình xây dựng cấp IV, công viên cây xanh và hệ thống đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.
3. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho cá nhân trong các trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP, có quy định về vấn đề cấp, thu hồi và gia hạn chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Theo đó, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho cá nhân khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
-
Cấp chứng chỉ hành nghề lên đầu, điều chỉnh hạn chứng chỉ hành nghề;
-
Điều chỉnh nội dung, bổ sung nội dung chứng chỉ hành nghề;
-
Gia hạn chứng chỉ hành nghề;
Cấp lại chứng chỉ hành nghề do chứng chỉ hành nghề được cấp trước đó còn thời hạn tuy nhiên đã bị mất mát hư hỏng hoặc bị ghi sai thông tin;
-
Chuyển đổi chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân khi thuộc trường hợp tại khoản 2 Điều 62 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP.
Như vậy, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho cá nhân khi thuộc một trong những trường hợp như: Cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu tiên, điều chỉnh hạn chứng chỉ hành nghề cho cá nhân; gia hạn chứng chỉ hành nghề hoạt động trong lĩnh vực xây dựng; điều chỉnh nội dung chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; bổ sung nội dung chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; cấp lại chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng do chứng chỉ trước đó còn thời hạn tuy nhiên đã bị mất hoặc bị hư hỏng hoặc bị ghi sai thông tin trên chứng chỉ.
THAM KHẢO THÊM: