Điều kiện bổ nhiệm lại đối với chức danh phó giám đốc đơn vị sự nghiệp công lập. Các trường hợp không được bổ nhiệm lại? Quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý?
Trong mỗi đơn vị sự nghiệp hành chính công lập thì ban giám đốc là bộ phận đầu não đưa ra những quyết định quan trọng. Trong đó phó giám đốc đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng giúp giám đốc quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, theo sự phân công của giám đốc. Bên cạnh đó, chủ động triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm trước giám đốc về kết quả hoạt động, thiết lập mục tiêu chính sách cho việc quản lý các bộ phận.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Tôi đang là Phó Giám đốc một đơn vị sự nghiệp công lập, tôi bị kỷ luật về Đảng mức khiển trách từ tháng 8/2016 vì sinh con thứ 3 (áp theo quy định Quyết định 181/QĐ-TW). Đến tháng 10/2016, tôi đến hạn bổ nhiệm lại chức vụ Phó Giám đốc (tuy nhiên đang trong thời gian bị kỷ luật nên không được bổ nhiệm lại). Vậy, khi không được bổ nhiệm lại chức vụ Phó Giám đốc thì tôi được sắp xếp vào vị trí nào? Có phải về vị trí chuyên viên không? Sau thời hạn kỷ luật 1 năm (tức đến tháng 8/2017) thì tôi có được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc không? Trân trọng cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Quyết định 181/QĐ-TW năm 2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do ban chấp hành trung ương ban hành
–
– Luật cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019;
– Luật viên chức 2010;
–
2. Giải quyết vấn đề:
Căn cứ khoản 1 Điều 26 Quyết định 181/QĐ-TW năm 2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do ban chấp hành trung ương ban hành quy định như sau:
“1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chuẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.
b) Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp phương tiện tránh thai giả, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, quá hạn sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành và sử dụng tại Việt Nam.
c) Khai báo hoặc xin xác nhận không trung thực về tình trạng sức khoẻ của vợ (chồng), con để thực hiện không đúng quy định hoặc để trốn tránh không bị xử lý do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.”
Khi đó, việc áp dụng hình thức kỷ luật trong cơ quan sự nghiệp của bạn được căn cứ khoản 6 Điều 2 Quyết định 181/QĐ-TW năm 2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do ban chấp hành trung ương ban hành như sau:
“6. Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kỳ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.
Khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng.”
Như vậy, kỷ luật Đảng thì không thay thế kỷ luật hành chính và các hình thức kỷ luật khác theo quy định của pháp luật nên việc bạn có bị xử lý kỷ luật trong cơ quan sự nghiệp nơi bạn làm việc hay không thì còn phải phụ thuộc vào sự xem xét của cơ quan đó theo quy định của cơ quan đoàn thể khi cơ quan cấp ủy quan lý đảng viên chỉ đạo tổ chức về việc xem xét, xử lý kỷ luật.
Nếu bị xử lý kỷ luật trong cơ quan sự nghiệp do sinh con thứ ba thì bạn sẽ có thể chịu các hình thức trong các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Bạn đang là công chức đang bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách. Ở trường hợp này, căn cứ Điều 82 Luật cán bộ, công chức 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định:
“Các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật:
1. Cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
2. Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.
4. Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.”
Như vậy, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thì bạn không được bổ nhiệm lại. Nếu hết thời hạn này mà bạn không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì được thực hiện bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
Còn khi bạn không được bổ nhiệm lại thì bạn sẽ được điều chuyển công tác theo quy định của pháp luật. Cụ thể, căn cứ Điều 41 Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định:
“1. Cơ quan quản lý công chức phải thực hiện bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định này.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
a) Hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
b) Đạt tiêu chuẩn của chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm tại thời điểm xem xét bổ nhiệm lại;
c) Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao;
d) Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
3. Thời điểm xem xét bổ nhiệm lại:
a) Chậm nhất là 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, cơ quan quản lý công chức phải tiến hành quy trình bổ nhiệm lại để quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét,
b) Quyết định bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến ngày hết thời hạn bổ nhiệm.
4. Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm, tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 05 năm công tác mà được bổ nhiệm lại thì thời hạn bổ nhiệm được tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 02 năm công tác, cơ quan quản lý công chức xem xét, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu. Quyết định về việc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến ngày hết thời hạn bổ nhiệm.
5. Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm lại thì cơ quan có thẩm quyền bố trí, phân công công tác khác.”
Khi bạn không được bổ nhiệm lại khi đang trong thời gian bị khiển trách thì bạn sẽ được cơ quan có thẩm quyền bố trí, phân công công tác khác phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ của mình.
Luật sư tư vấn bổ nhiệm chức danh phó giám đốc đơn vị sự nghiệp: 1900.6568
Trường hợp thứ hai: Bạn hiện là viên chức quản lý bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách. Trong trường hợp này, căn cứ khoản 2 Điều 58 Luật viên chức 2010:
“2. Viên chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.”
Bạn do đang bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách nên sẽ không được xét bổ nhiệm lại trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Khi hết thời gian của nhiệm kỳ mà bạn không đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm lại thì căn cứ tại khoản 3 Điều 37 Luật viên chức 2010 quy định như sau:
“3. Khi viên chức quản lý hết thời hạn giữ chức vụ quản lý, phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. Trường hợp không được bổ nhiệm lại, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm bố trí viên chức vào vị trí việc làm theo nhu cầu công tác, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.”
Như vậy, trong trường này của bạn khi hết thời hạn giữ chức vụ Phó giám đốc, khi bạn không được bổ nhiệm lại, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm bạn sẽ có trách nhiệm bố trí bạn vào vị trí làm theo nhu cầu công tác phù hợp với chuyên môn của bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty luật Dương Gia chúng tôi về việc bổ nhiệm lại chức danh phó giám đốc đơn vị sự nghiệp hành chính công lập. Nếu còn bất kỳ vướng mắc gì liên quan đến vấn đề này thì bạn có thể liên hệ đến tổng đài tư vấn thông qua hotline 19006568 để được luật sư và các chuyên viên tư vấn hỗ trợ giúp bạn.