Điều khoản thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế? Điều khoản giá cả trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế? Thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế? Điều khoản ngôn ngữ trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế? Điều khoản Bất khả kháng trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế?
Mục lục bài viết
- 1 1. Điều khoản thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- 2 2. Điều khoản giá cả trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- 3 3. Thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- 4 4. Điều khoản ngôn ngữ trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- 5 5. Điều khoản Bất khả kháng trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
1. Điều khoản thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Trong điều khoản này, các bên phải xác định những vấn đề về đồng tiền thanh toán, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán, các chứng từ làm căn cứ để thanh toán và điều kiện bảo đảm hối đoái.
– Đồng tiền thanh toán: Đồng tiền thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là đồng tiền của nước xuất khẩu hoặc của nước nhập khẩu hoặc của nước thứ ba. Đồng tiền thanh toán có thể trùng hoặc không trùng với đồng tiền tính giá. Khi đồng tiền thanh toán và đồng tiền tính giá là hai đồng tiền khác nhau, cần xác định tỷ giá quy đổi hai đồng tiền này; trong đó, đặc biệt lựa chọn tỷ giá của công cụ thanh toán nào (tỷ giá chuyển đổi bằng điện hay bằng thư), tỷ giá mua vào hay tỷ giá bán ra…
– Thời hạn thanh toán: Các bên có thể thống nhất với nhau về việc thanh toán trước khi giao hàng, thanh toán ngay sau khi giao hàng, thanh toán trong một thời gian nhất định hoặc thanh toán một phần trước khi giao hàng, một phần sau khi giao hàng.
– Phương thức thanh toán: Trong kinh doanh quốc tế thường có các phương thức thanh toán sau để các bên có thể tìm hiểu, thỏa thuận thống nhất trong hợp đồng tùy vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể như phương thức hàng đổi hàng, phương thức thanh toán bằng tiền mặt, phương thức nhờ thu, phương thức tín dụng chứng từ, phương thức chuyển tiền, phương thức chuyển tài khoản…
– Điều kiện bảo đảm hối đoái do các bên thỏa thuận để tránh các tổn thất có thể xảy ra khi các đồng tiền sụt giá hoặc tăng giá. Đó có thể là điều kiện bảo đảm vững vàng hoặc điều kiện bảo đảm hối đoái.
Luật sư
– Chứng từ thanh toán: Các bên quy định rõ việc người bán phải cung cấp cho người mua những chứng từ chứng minh việc đã giao hàng cho người vận tải như hai bên đã thỏa thuận (nếu có). Việc thanh toán chỉ được thực hiện khi có bộ chứng từ đầy đủ và hợp lệ, thương bao gồm những giấy tờ sau đây: hối phiếu (Bill of exchange), vận đơn (Bill of lading), hóa đơn bán hàng (Commercial Invoice), bảng kê chi tiết hàng hóa (Packing List), Giấy chứng nhận số lượng, chất lượng hàng hóa thực giao (Certificate of Quality/quantity), giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin)…
2. Điều khoản giá cả trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Đây là một điều khoản quan trọng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Để quy định tốt điều khoản này, cần lưu ý đồng tiền tính giá, phương thức quy định mức giá…
– Đồng tiền tính giá: trong kinh doanh quốc tế, giá cả mua bán hàng hóa có thể được tính bằng đồng tiền của nước người bán, của nước người mua hay của nước thứ ba khác do các bên thỏa thuận. Việc xác định đồng tiền tính giá phụ thuộc vào tập quán buôn bán với mặt hàng cụ thể. Khi lựa chọn đồng tiền tính giá, cần lưu ý đến tính ổn định của các đồng tiền này.
– Phương pháp định giá: Giá cả của hàng hóa có thể được xác định ngay trong lúc ký kết hợp đồng, cũng có thể xác định trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng hoặc khi thực hiện hợp đồng. Có một số cách định giá như sau:
+ Giá xác định ngay (hay giá cố định) là giá được quy định và lúc ký kết hợp đồng và không được sửa đổi nếu có thỏa thuận khác.
+ Giá quy định sau là giá không được xác định ngay khi ký hợp đồng mà sẽ được xác định trong quá trình thực hiện hợp đồng trên cơ sở một số yếu tố được xác định trước (một công thức tính giá, hoặc dựa trên giá của các yếu tố cấu thành nên hàng hóa)
+ Giá có thể xét lại là giá quy định trong hợp đồng nhưng có thể được xem xét lại nếu sau này, vào lúc giao hàng, giá thị trường của hàng hóa có sự biến động đến một mức nhất định. Trong trường hợp này các bên phải thỏa thuận với nhau cách thức xác định lại giá cả và thỏa thuận quy định mức chênh lệch tối đa giữa thị trường và giá hợp đồng
+ Giá di động hay giá trượt là giá cả được tính toán dứt khoát khi thực hiện hợp đồng trên cơ sở giá cả quy định ban đầu, có tính đến những biến động về chi phí sản xuất trong thời kỳ thực hiện hợp đồng.
Khi quy định điều khoản giá cả, các bên nên quy định đồng tiền tính giá, đồng tiền thanh toán và cách tính, thời điểm tính tỷ giá giữa hai đồng tiền này. Các bên giao kết hợp đồng cần quy định điều khoản bảo lưu về giá cả trong hợp đồng để bảo vệ quyền lợi trong trường hợp do có sự tăng hoặc hạ giá kể từ khi ký hợp đồng cho đến khi thực hiện hợp đồng.
3. Thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Tóm tắt câu hỏi:
Dear anh chị. Bên em ký hợp đồng ngoại thương để nhập khẩu hàng từ nước ngoài về từ seller A, nhưng trong điều khoản thanh toán, người bán lại yêu cầu thanh toán vào tài khoản của 1 công ty thụ hưởng có tên khác. Bên em vẫn thực hiện thanh toán cho bên họ theo đúng tài khoản trên hợp đồng. như vậy có hợp lệ theo thông lệ quốc tế không? Em cảm ơn bạn tư vấn!
Luật sư tư vấn:
Theo Công ước Viên 1980 thì hợp đồng mua bán ngoại thương còn gọi là hợp đồng xuất nhập khẩu, hợp đồng mua bán quốc tế là sự thoả thuận giữa các đương sự có trụ sở kinh doanh ở các nước khác nhau, theo đó một bên gọi là bên xuất khẩu ( bên bán) có nghĩa vụ chuyển vào quyền sở hữu của một bên khác gọi là bên nhập khẩu ( bên mua ) một tài sản nhất định, gọi là hàng hoá; bên nhập khẩu có nghĩa vụ nhận hàng và trả tiền hàng.
Điều cốt lõi của hợp đồng nhập khẩu là sự thoả thuận giữa các bên ký kết. Hợp đồng là văn bản có chữ ký của hai bên mua bán, thư từ, hoặc điện tín, điện chữ (fax) trao đổi giữa các bên như bản chào hàng, chấp nhận chào hàng và xác nhận đơn đặt hàng. Nếu trong trường hợp của bạn có sự thỏa thuận và ký hợp đồng của 2 bên thì việc thanh toán trên là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, trong các điều kiện thanh toán quốc tế có điều kiện về tiền tệ như sau:
Trong thanh toán quốc tế các bên phải sử dụng đơn vị tiền tệ nhất định của một nước nào đó. Vì vậy, trong các hiệp định và hợp đồng đều có quy định tiền tệ. Điều kiện này quy định việc sử dụng đồng tiền nào để thanh toán trong hợp đồng ngoại thương và hiệp định ký kết giữa các nước. Đồng thời điều kiện này cũng quy định cách xử lý khi giá trị đồng tiền đó biến động. Người ta có thể chia thành hai loại tiền sau:
– Đồng tiền tính toán (Account Currency): Là loại tiền được dùng để thể hiện giá cả và tính toán tổng giá trị hợp đồng.
– Đồng tiền thanh toán (Payment Currency): Là loại tiền để chi trả nợ nần, hợp đồng mua bán ngoại thương. Đồng tiền thanh toán có thể là đồng tiền của nước nhập khẩu, của nước xuất khẩu hoặc có thể là đồng tiền quy định thanh toán của nước thứ 3.
Như vậy, rõ ràng việc xuất hiện chủ thể thứ 3 trong việc thanh toán các hợp đồng quốc tế cũng đã được quy định cụ thể nên trong trường hợp của bạn, cách thức thanh toán như trên là phù hợp.
4. Điều khoản ngôn ngữ trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, ngoại ngữ luôn là một trở ngại vô cùng lớn cho các bên. Việc hiểu biết không tốt về ngôn ngữ dẫn đến không ít các rủi ro, nhiều khi là rất lớn trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đôi khi những sai khác về ngôn ngữ dẫn đến những tranh chấp không đáng có giữa các bên. Vì vậy, việc quy định về điều khoản ngôn ngữ trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là vô cùng quan trọng.
Trường hợp hợp đồng được lập thành nhiều bản với ngôn ngữ khác nhau
Thông thường, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được lập thành các bản với những ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, để có thể dịch giống nhau hoàn toàn giữa các bản của hợp đồng là điều vô cùng khó. Trong trường hợp có lỗi dịch thuật hay hiện tượng đa nghĩa sẽ dẫn đến việc các bản hợp đồng có các cách hiểu khác nhau, từ đó xảy ra tranh chấp giữa các bên. Khi đó đâu sẽ là bản được sử dụng để giải quyết tranh chấp? Đây là một vấn đề rất khó để có thể đưa ra câu trả lời, kể cả đối với cơ quan giải quyết tranh chấp.
Vì vậy, khi soạn thảo hợp đồng thành hai hay nhiều ngôn ngữ khác nhau, một chú ý vô cùng quan trọng là phải ghi rõ bản tiếng nước nào được sử dụng để làm căn cứ.
Điều khoản đó có thể quy định như sau:
“Hợp đồng này được soạn thảo thành hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Nếu có mâu thuẫn giữa nội dung hai bản, bản tiếng Việt sẽ được dùng làm căn cứ”.
Trường hợp hợp đồng chỉ được lập trên một thứ tiếng
Trong trường hợp hợp đồng chỉ được lập trên một thứ tiếng, thông thường là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, sẽ không có nhiều khó khăn trong việc lựa chọn bản sử dụng ngôn ngữ nào được dùng làm căn cứ khi có sự sai khác. Tuy nhiên, điều này lại làm phát sinh khó khăn khác, đặc biệt đối với những quốc gia mà tiếng anh không phải là ngôn ngữ chính như Việt Nam. Các doanh nghiệp nên hỏi ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm trong thương mại quốc tế để có thể hiểu một cách cặn kẽ các tình tiết và các điều khoản trong hợp đồng, tránh trường hợp hiểu sai dẫn đến các tranh chấp.
5. Điều khoản Bất khả kháng trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, điều khoản bất khả kháng là cũng là điều khoản hết sức đáng chú ý, dù theo pháp luật nhiều luật, đây không phải là điều khoản chủ yếu hay điều khoản bắt buộc của hợp đồng. Tuy nhiên, xét trên đặc điểm của quá trình mua bán hàng hóa quốc tế, thường diễn ra trong một khoảng thời gian dài, quá trình chuyên chở hàng hóa mất nhiều thời gian, rủi ro ngoài ý muốn các bên phát sinh cũng nhiều hơn. Mặt khác, quy định về các trường hợp bất khả kháng trong pháp luật các quốc gia khác nhau cũng là rất khác nhau. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi các bên khi có các tình huống rủi ro ngoài ý muốn xảy ra, cũng như tránh các tranh chấp, các bên nên quy định về điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng. Nếu các bên có quy định về điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, khi có những rủi ro xảy ra, các bên sẽ được miễn trách.
Sau đây là một vài ví dụ là điều khoản bất khả kháng mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới thường đưa vào hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của mình
Ví dụ 1:
Nếu một trong hai bên ký kết bị ngăn cản trong việc thực hiện hợp đồng vì gặp trường hợp bất khả kháng, như chiến tranh, cháy, lũ lụt, bão, động đất hay các sự kiện khác do hai bên thỏa thuận, thời gian thực hiện hợp đồng được kéo dài tương đương với thời gian chịu tác động của các trường hợp trên. Bên gặp bất khả kháng thông báo cho bên kia bằng điện, trong thời hạn sớm nhất sau khi xảy ra trường hợp bất khả kháng và trong vòng mười bốn ngày sau khi thông báo, gửi thư bảo đảm rằng bằng máy bay cho bên kia, một giấy chứng nhận do nhà chức trách liên quan cấp để cho bên kia xác nhận
Nếu tác động của bất khả kháng tiếp tục kéo dài hơn một trăm hai mươi ngày liên tục, cả hai bên sẽ giải quyết thực hiện tiếp hợp đồng thông qua thương lượng sớm nhất có thể.
Có thể thấy, trong ví dụ này, điều khoản bất khả kháng đã liệt kê ra các trường hợp được xem là bất khả kháng, cũng như hậu quả pháp lý khi có trường hợp bất khả kháng xảy ra và nghĩa vụ của bên gặp bất khả kháng như thông báo, gửi các bằng chứng chứng minh bất khả kháng đã xảy ra. Tuy nhiên, điều khoản này lại chưa quy định cách giải quyết nếu sau x ngày các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận, trong trường hợp bất khả kháng kéo dài hợp đồng. Vì vậy, điều khoản này chưa giải quyết dứt điểm được quan hệ giữa hai bên khi bất khả kháng kéo dài.
Ví dụ 2:
Trong việc thực hiện hợp đồng này, trường hợp bất khả kháng được hiểu là mọi sự việc mang tính chất không lường trước được và không khắc phục được, độc lập với ý chí của các bên và làm cho không thể thực hiện được một phần hay toàn bộ nghĩa vụ của một bên. Đình công được coi là một trường hợp bất khả kháng.
Bên viện ra bất khả kháng phải báo cáo cho bên kia ngay khi có điều kiện và chậm nhất là 20 ngày sau khi xảy ra sự kiện. Trong trường hợp này, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, do gặp bất khả kháng mà không thực hiện được, sẽ tạm ngừng trong thời gian chịu ảnh hưởng của bất khả kháng.
Nếu hậu quả của trường hợp bất khả kháng kéo dài quá 6 tháng hai bên sẽ gặp nhau đàm phán lại về việc có cần thiết để thực hiện tiếp hợp đồng phù hợp với tình hình hay không. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, một trong hai bên có thể chấm dứt hợp đồng.
Quy định đầy đủ về thế nào bất khả kháng, hậu quả pháp lý khi sự kiện bất khả kháng xảy ra, cũng như nghĩa vụ của bên viện ra bất khả kháng. Ngoài ra, điều khoản bất khả kháng trong ví dụ 2 này cũng đã khắc phục được thiếu sót trong ví dụ 1 khi đã quy định về việc trong trường hợp bất khả kháng kéo dài trong thời hạn quá 6 tháng, hai bên không thống nhất được với nhau thì một trong hai bên có quyền chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, khi quy định về điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng, các bên cần chú ý một số điểm:
– Định nghĩa thế nào là bất khả kháng, có thể liệt kê các trường hợp bất khả kháng;
– Hậu quả pháp lý khi có trường hợp bất khả kháng;
– Nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là bên gặp bất khả kháng;
– Cách giải quyết trong trường hợp bất khả kháng kéo dài hợp đồng, các bên không đạt được thỏa thuận.