Điều chỉnh thông tin quê quán trên Sổ hộ khẩu. Thủ tục điều chỉnh thông tin trên sổ hộ khẩu.
Điều chỉnh thông tin quê quán trên Sổ hộ khẩu. Thủ tục điều chỉnh thông tin trên sổ hộ khẩu.
Tóm tắt câu hỏi:
Lúc ba mẹ mình có đi nhập sinh cho đứa con mình trong sổ hộ khẩu thì khai sai quê quán của con mình so với lúc mình đi làm giấy khai sinh. Định đi điều chỉnh cho con mình trong sổ hộ khẩu thì phát hiện ra Giấy khai sinh lại không ghi mục quê quán. Bây giờ mình phải làm sao ạ? Cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ khoản 8 Điều 4 Luật hộ tịch 2014 quy định về quê quán như sau:
“Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.”
Mặt khác, căn cứ Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:
“1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.”
Như vậy, tất cả những giấy tờ như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân…đều phải ghi khớp với giấy khai sinh. Việc ghi quê quán trên sổ hộ khẩu phải trùng khớp với giấy khai sinh.
Theo như bạn trình bày, mục quê quán của con bạn trong sổ hộ khẩu không trùng khớp với mục quê quán khi bạn đi đăng ký khai sinh cho con thì trường hợp này căn cứ Điều 29 Luật cư trú 2006 quy định như sau:
“Điều 29. Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu.
1. Trường hợp có thay đổi chủ hộ thì hộ gia đình phải làm thủ tục thay đổi chủ hộ. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến của chủ hộ hoặc người khác trong gia đình về việc thay đổi chủ hộ.
2. Trường hợp có thay đổi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong sổ hộ khẩu thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người được uỷ quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc quyết định được phép thay đổi của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
3. Trường hợp có thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà thì cơ quan quản lý cư trú có thẩm quyền căn cứ vào quyết định thay đổi địa giới hành chính,đơn vị hành chính, đường phố, số nhà của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đính chính trong sổ hộ khẩu.
4. Trường hợp chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì chủ hộ hoặc người trong hộ hoặc người được uỷ quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục điều chỉnh phải nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; xuất trình sổ hộ khẩu; giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp mới.
5. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này phải điều chỉnh, bổ sung các thay đổi trong sổ hộ khẩu.
6. Trường hợp làm thủ tục điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu thì người đến làm thủ tục phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; đối với người chưa thành niên thì việc làm thủ tục phải thông qua người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật về dân sự.”
Hồ sơ điều chỉnh bao gồm:
– Sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu; nhân khẩu;
– Giấy khai sinh hoặc giấy tờ khác chứng minh nguồn gốc, quê quán của con bạn.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều này được hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định như sau:
“Điều 12. Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu.
1. Đối tượng, hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu thực hiện theo Điều 29 Luật Cư trú.
2. Thời hạn điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu thực hiện như sau
a) Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày có quyết định thay đổi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của cơ quan có thẩm quyền thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người đại diện trong hộ phải làm thủ tục điều chỉnh trong sổ hộ khẩu;
b) Trong thời hạn 03 (ba) tháng, kể từ ngày có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm
c) Trong thời hạn 12 (mười hai) tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới trong phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh; trong cùng một huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố, thị xã thuộc tỉnh thì chủ hộ hoặc người trong hộ hoặc người được ủyquyền phải làm thủ tục điều chỉnh trong sổ hộ khẩu.
3. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải thông báo cho tàng thư căn cước công dân và Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người có thay đổi.
4. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có trách nhiệm chuyển hồ sơ điều chỉnh, bổ sung cho Công an huyện lưu tàng thư hồ sơ hộ khẩu. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Công an huyện phải thông báo cho tàng thư căn cước công dân.”
Như vậy, nếu mục giấy khai sinh không có mục quê quán thì bạn có thể kèm theo các giấy tờ khác chứng minh nguồn gốc, quê quán của con bạn.