Xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông được thực hiện khi có hành vi trái pháp luật, có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý xâm hại tới trật tự an toàn giao thông. Các điểm mới về xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông bao gồm những gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Điểm mới về các tình tiết tăng nặng, phạt tiền mức kịch khung về xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông:
- 2 2. Điểm mới về người chứng kiến khi người vi phạm về trật tự an toàn giao thông không ký biên bản:
- 3 3. Điểm mới về thời gian lập biên bản vi phạm về trật tự an toàn giao thông:
- 4 4. Điểm mới về mức tiền phạt tối đa khi xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông:
1. Điểm mới về các tình tiết tăng nặng, phạt tiền mức kịch khung về xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông:
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020 chỉ quy định về mức tiền phạt cụ thể đối với 01 hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt, nếu như có tình tiết giảm nhẹ hay là tăng nặng thì mức tiền phạt sẽ có thể giảm xuống hoặc tăng lên nhưng sẽ không được giảm quá mức tối thiểu hoặc tăng quá mức tối đa của khung tiền phạt. Nhưng đến Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì việc áp dụng mức phạt tối thiểu và tối đa cũng đã được thay đổi, cụ thể tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định rõ nguyên tắc thực hiện như sau:
– Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có các tình tiết tăng nặng, vừa có các tình tiết giảm nhẹ, thì sẽ được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;
– Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền đã được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp mà có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì sẽ áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu như có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
Như vậy, từ ngày 01/01/2022 trở đi, nếu như có từ 02 tình tiết tăng nặng thì người vi phạm giao thông sẽ bị phạt tiền đến mức kịch khung. Còn nếu như có từ 02 tình tiết giảm nhẹ, người vi phạm được nộp phạt với mức thấp nhất của khung tiền phạt.
Trong đó, những tình tiết tăng nặng gồm có vi phạm nhiều lần; tái phạm; lăng mạ, phỉ báng người mà đang thi hành công vụ; sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh,… Còn những tính tiết giảm nhẹ có thể kể đến như là người vi phạm đã tự nguyện bồi thường thiệt hại; người có vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo; vi phạm do trình độ lạc hậu; người vi mang thai, là người già yếu,…
2. Điểm mới về người chứng kiến khi người vi phạm về trật tự an toàn giao thông không ký biên bản:
Theo quy định cũ tại khoản 3 Điều 58 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì biên bản vi phạm hành chính nói chung, bao gồm có cả biên bản vi phạm giao thông khi lập phải có chữ ký của người vi phạm. Nếu như người vi phạm không thực hiện ký vào biên bản hoặc là cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không thực hiện ký vào biên bản thì phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi mà xảy ra vi phạm hoặc của 02 người chứng kiến. Tuy nhiên, nội dung này cũng đã có sự thay đổi tại khoản 29 Điều 1 của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 và khoản 3 Điều 13 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP, cùng có hiệu lực ngày 01/01/2022, theo quy định mới này thì nếu người vi phạm không ký vào biên bản vi phạm giao thông thì khi đó cảnh sát giao thông sẽ lấy chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi đã xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc người vi phạm không thực hiện ký vào biên bản, thậm chí, nếu như không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì khi đó cảnh sát giao thông vẫn lập biên bản và sẽ phải ghi rõ lý do vào biên bản đã lập.
3. Điểm mới về thời gian lập biên bản vi phạm về trật tự an toàn giao thông:
Trước đây, Luật Xử lý vi phạm hành chính và những văn bản hướng dẫn chỉ quy định chung chung rằng những người có thẩm quyền phải kịp thời thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính chứ không giới hạn về thời gian cụ thể cho nên có nhiều trường hợp rất lâu sau khi đã phát hiện vi phạm thì Cảnh sát giao thông mới tiến hành việc lập biên bản vi phạm. Nhưng đến Nghị định 118/2021/NĐ-CP đã ấn định cụ thể về thời gian lập biên bản vi phạm hành chính. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định khi phát hiện ra hành vi vi phạm thì các chiến sĩ cảnh sát giao thông cũng phải tiến hành lập biên bản theo đúng thời hạn sau:
– Biên bản vi phạm được lập trong 02 ngày làm việc, kể từ khi mà phát hiện vi phạm hành chính.
– Trường hợp phát hiện vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì lập biên bản trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm.
4. Điểm mới về mức tiền phạt tối đa khi xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông:
Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về mức tiền phạt tối đa trong các lĩnh vực, Điều này quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:
– Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với: hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tôn giáo; thi đua khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê;
– Phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với: an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao thông đường bộ; giao dịch điện tử; bưu chính;
– Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với:
+ Phòng cháy, chữa cháy; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS;
+ Giáo dục; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội;
+ Phòng chống thiên tai; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý và bảo tồn nguồn gen; sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng; thú y;
+ Kế toán; kiểm toán độc lập; phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc gia; điện lực; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ; đăng ký kinh doanh;
– Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với: quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; dạy nghề; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội;
-Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với:
+ Quản lý công trình thuỷ lợi; đê điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế;
+ Sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý lao động ngoài nước;
+ Giao thông hàng hải; giao thông hàng không dân dụng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông; công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện;
+ Báo chí; xuất bản; thương mại; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hải quan, thủ tục thuế; kinh doanh xổ số;
+ Kinh doanh bảo hiểm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý vật liệu nổ;
+ Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản.
– Phạt tiền đến 150.000.000 đồng đối với: quản lý giá; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý về công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu thầu; đầu tư.
– Phạt tiền đến 200.000.000 đồng đối với: sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả.
– Phạt tiền đến 250.000.000 đồng đối với: điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước.
– Phạt tiền đến 500.000.000 đồng: xây dựng; quản lý rừng, lâm sản; đất đai.
– Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng: quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường.
Nhưng đến Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 sửa đổi bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã thay đổi về quy định này, tại khoản 10 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 quy định về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:
– Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với: hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua, khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kế; đối ngoại;
– Phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với: an ninh trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động tố tụng; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao dịch điện tử; bưu chính;
– Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với:
+ Phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; văn hóa; thể thao; du lịch;
+ Quản lý khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội; phòng, chống thiên tai;
+ Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý và bảo tồn nguồn gen (trừ nguồn gen giống vật nuôi); trồng trọt (trừ phân bón); thú y; kế toán; kiểm toán độc lập;
+ Phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc gia; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ; đăng ký doanh nghiệp; kiểm toán nhà nước.
– Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với:
+ Cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; giáo dục; giáo dục nghề nghiệp;
+ Giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa;
+ Bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; phòng, chống tệ nạn xã hội.
– Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với:
+ Đê, điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; chăn nuôi; phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng;
+Quản lý lao động ngoài nước; giao thông hàng hải; hoạt động hàng không dân dụng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông;
+Công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng;
+ Xuất bản; in; thương mại; hải quan, thủ tục thuế; kinh doanh xổ số; kinh doanh bảo hiểm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý vật liệu nổ; điện lực.
– Phạt tiền đến 150.000.000 đồng đối với: quản lý giá; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu thầu; đầu tư.
– Phạt tiền đến 200.000.000 đồng đối với: sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
– Phạt tiền đến 250.000.000 đồng đối với: điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thủy lợi; sở hữu trí tuệ; báo chí.
– Phạt tiền đến 500.000.000 đồng đối với: xây dựng; lâm nghiệp; đất đai; kinh doanh bất động sản.
– Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng đối với:
+ Quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Quản lý hạt nhân và chất phóng, xạ, năng lượng nguyên tử; tiền lệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng;
+ Hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.
Như vậy, mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân sẽ là 75 triệu đồng.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020;
– Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.