Điểm mới về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Khai số nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Điểm mới về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Khai số nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
1. Cơ sở pháp lý:
– Thông tư số 158/2011/TT-BTC.
2. Giải quyết vấn đề:
Ngày 29 tháng 04 năm 2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 66/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thay thế Thông tư số 158/2011/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 74/2011/NĐ-CP. Sau đây là một số nội dung mới các tổ chức cá nhân cần lưu ý:
1.Thông tư số 66/2016/TT-BTC hướng dẫn thu, nộp, quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản theo Nghị định số 12/2016/NĐ-CP
2. Phương pháp tính hoàn toàn khác so với quy định trước đây, cụ thể:
Theo Điều 2 thông tư này thì phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau:
F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K
(Trong đó: F là số phí BVMT phải nộp trong kỳ; Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3); Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (tấn hoặc m3); f1 là mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra(200 đồng/m3); f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3); K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác, trong đó: Khai thác lộ thiên (bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác titan, cát, sỏi lòng sông) K = 1,05; Khai thác hầm lò và các hình thức khai thác khác (dầu thô, khí thiên nhiên, nước khoáng thiên nhiên và các trường hợp còn lại) K = 1).
– Đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác than, không thu phí đến hết năm 2017.
– Số lượng đất đá bốc xúc thải ra (Q1) trong kỳ nộp phí được xác định căn cứ vào tài liệu dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc căn cứ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và các tài liệu liên quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Số phí phải nộp đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra phát sinh trong kỳ nộp phí căn cứ vào khối lượng đất đá bốc xúc tính trên khối lượng (tấn hoặc m3) quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ.
(Ví dụ: Dự án khai thác mỏ quặng sắt tại Bắc Kạn có hệ số bóc trung bình là 0,7 m3/tấn quặng, tháng 6/2016 khai thác được 10.000 tấn quặng sắt thì số phí phải nộp đối với đất đá bốc xúc thải ra của tháng này như sau: 10.000 x 0,7 x 200 đồng/m3 = 1.400.000 đồng)
Trường hợp trong tài liệu dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ, báo cáo đánh giá tác động môi trường và các tài liệu liên quan không có thông tin về số lượng đất đá bốc xúc thải ra thì việc kê khai, nộp phí căn cứ vào số lượng đất đá bốc xúc thực tế thải ra trong kỳ.
– Số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (Q2) để xác định số phí BVMT phải nộp là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác thực tế trong kỳ nộp phí, không phân biệt mục đích khai thác, công nghệ khai thác (thủ công, cơ giới) hoặc vùng, miền, điều kiện khai thác. Trường hợp quặng khoáng sản khai thác phải qua sàng, tuyển, phân loại, làm giàu trước khi bán ra, số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác được trong kỳ được xác định trên cơ sở quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai theo tỷ lệ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
– Trường hợp trong quá trình khai thác mà thu được thêm loại khoáng sản khác loại khoáng sản được cấp phép thì người nộp phí phải nộp phí BVMT đối với quặng khoáng sản (Q2) theo mức thu của loại khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật phí bảo vệ môi trường: 1900.6568
– Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó; trường hợp đất, đá khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự; phòng chống thiên tai, khắc phục, giảm nhẹ thiên tai thì không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đó.
3. Khai và nộp phí cơ bản giống như quy định trước đây quy định tại Điều 3 Thông tư số 66/2016/TT-BTC, trong đó cần lưu ý:
– Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản là loại khai theo tháng và quyết toán năm. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí BVMT với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp thuế tài nguyên. Trường hợp tổ chức thu mua gom khoáng sản phải đăng ký nộp thay người khai thác thì tổ chức đó có trách nhiệm nộp hồ sơ khai phí BVMT với cơ quan thuế quản lý cơ sở thu mua khoáng sản.
– Ngoài các quy định về khai và nộp phí BVMT tại Thông tư này, việc khai phí, nộp phí, quyết toán phí BVMT đối với khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.
4. Bổ sung quy định về công khai số nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tại điều 6:
Chậm nhất là trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường có trách nhiệm thông tin công khai: số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo địa phương, đài phát thanh địa phương, đài truyền hình địa phương, trang thông tin điện tử của cơ quan thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân được biết.
5. Bổ sung quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại Điều 7: Theo đó UBND cấp tỉnh có trách nhiệm:
(1) Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường thu được cho công tác bảo vệ môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản;
(2) Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục thuế địa phương để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;
(3) Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với cơ quan thuế công khai tình hình thu, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn.
6. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 13/6/2016 và áp dụng cho kỳ kê khai, nộp phí từ tháng 5 năm 2016 và thay thế Thông tư số 158/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.