Điểm mới về Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đánh giá điểm mới trên cơ sở quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014.
Điểm mới về Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đánh giá điểm mới trên cơ sở quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014.
Tóm tắt câu hỏi:
Đánh giá điểm mới về Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 so với Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, xin nói tới những điểm mới về Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 so với Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002.
Theo quy định tại các Điều 22, 23 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và các Điều 21, 22 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 có những điểm mới sau:
– Về số thành viên của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 22 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không dưới 13 người và không quá 17 người. Trong khi đó, theo Khoản 3, Điều 21 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002 chỉ quy định tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không quá 17 người.
– Về thành phần của Hội đồng:
Khác với quy định Khoản 2, Điều 21 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002 thành phần Hội đồng bao gồm: Chánh án, các Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; một số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì tại Khoản 1, Điều 22 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 quy định thành phần Hội đồng Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bao gồm Chánh án, các Phó Chánh án Tòa nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
– Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng:
So với Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định mở rộng phạm vi quyền hạn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử. Hội đồng có quyền thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của Tòa án nhân dân để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; tham gia ý kiến đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao còn có quyền được thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và dự thảo văn bản pháp luật giữa Tòa án nhân dân tối cao với cơ quan có liên quan theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật.
– Về hiệu lực pháp luật của quyết định do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đưa ra:
Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 khẳng định quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất. Theo đó, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị (Khoản 4 Điều 22).
– Về việc tổ chức xét xử của Hội đồng:
Theo quy định của Khoản 1, Điều 23 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán hoặc toàn thể Thẩm phánTòa án nhân dân tối cao. Trong khi đó, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002 không có quy định cụ thể vấn đề này.
Thứ hai, đánh giá về những điểm mới nêu trên:
Theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Tòa án nhân dân tối cao không thực hiện nhiệm vụ xét xử phúc thẩm mà chỉ thực hiện nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác. Việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện thông qua Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, quy định số thành viên của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không dưới 13 người và không quá 17 người bao gồm Chánh án, các Phó Chánh án Tòa nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tạo nên tính chuyên môn hóa nhưng linh hoạt, tránh cồng kềnh, gây tốn kém lãng phí.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Việc mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đặc biệt là nhiệm vụ “lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (Điểm c, Khoản 2, Điều 22 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014) nhằm đáp ứng yêu cầu phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử giúp năng cao hiệu quả xét xử, tạo niềm tin cho nhân dân.
Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị chính là để cụ thể hóa quy định tại Khoản 1 Điều 104 của Hiến pháp năm 2013 về việc “Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Như vậy, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung căn bản so với Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định về Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Việc sửa đổi, bổ sung này là cơ sở pháp lý quan trọng để kiện toàn, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao, bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
– Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao
– Hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về trình tự hòa giải vụ án dân sự
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn luật hành chính trực tuyến miễn phí
– Luật sư tư vấn pháp luật về các thủ tục hành chính qua tổng đài tư vấn pháp luật1900.6568