Dịch vụ công trực tuyến hiện nay đang được sử dụng ngày càng phổ biến đáp ứng được nhu cầu nhanh gọn, tiện lợi của người dân... Vậy hiểu dịch vụ công trực tuyến là gì? Mức độ của cổng dịch vụ công trực tuyến 1, 2, 3, 4 là gì? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Dịch vụ công trực tuyến là gì?
1.1. Khái niệm dịch vụ công trực tuyến:
Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
1.2. Yêu cầu đối với dịch vụ công trực tuyến:
Căn cứ tại Điều 11 Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT về quy định cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước quy định các yêu cầu đối với dịch vụ công trực tuyến như sau:
– Các mục hướng dẫn tối thiểu phục vụ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử bao gồm:
+ Mục hướng dẫn thực hiện đối với việc thực hiện một số dịch vụ hành chính công thường gặp để giúp người sử dụng biết được các thủ tục, các bước tiến hành khi muốn thực hiện một công việc
+ Mục các câu hỏi thường gặp và nội dung trả lời để giúp người sử dụng có thể tự tìm ra giải đáp được các vướng mắc thông thường khi thực hiện thủ tục hành chính, khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
– Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cần đạt được các yêu cầu tối thiểu như sau:
+ Phải tương thích với các trình duyệt Web thông dụng
+ Dễ dàng tìm thấy dịch vụ: người sử dụng dễ dàng tìm được dịch vụ sau tối đa 03 lần bấm chuột từ trang chủ của cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến; dễ dàng tìm được dịch vụ bằng các công cụ tìm kiếm phổ biến
+ Có cơ chế hướng dẫn, tự động khai báo thông tin: hỗ trợ tự động điền các thông tin của người sử dụng nếu các thông tin đó đã được người sử dụng cung cấp khi đăng ký tài khoản hoặc trong lần sử dụng dịch vụ trước, thông tin của cơ quan nhà nước đã có trong cơ sở dữ liệu của hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ việc điền, kiểm tra thông tin theo các định dạng quy định sẵn; có giải thích chi tiết về thông tin cần nhập (đối với các thông tin có yêu cầu riêng, mang tính chất chuyên ngành)
+ Có chức năng để người sử dụng đánh giá sự hài lòng đối với dịch vụ sau khi sử dụng (sau đây gọi tắt là chức năng đánh giá)
+ Bảo đảm thời gian xử lý, trao đổi dữ liệu nhanh: trong trường hợp hệ thống biết rõ thời gian xử lý, trao đổi dữ liệu lâu hơn 10 giây cần cung cấp
+ Bảo đảm hoạt động ổn định: các dịch vụ công trực tuyến phải hoạt động liên tục 24 giờ trong tất cả các ngày; bảo đảm dịch vụ được kiểm tra lỗi đầy đủ trước khi đưa vào sử dụng để hạn chế tối đa lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng; khi bảo trì, nâng cấp dịch vụ cần
+ Có địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận góp ý của người sử dụng.
– Cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải có chức năng thống kê kết quả giải quyết hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Mỗi dịch vụ phải thông báo các số liệu thống kê tối thiểu từ đầu năm tới thời điểm hiện tại như sau:
+ Số lượng hồ sơ trực tuyến đã tiếp nhận
+ Số lượng hồ sơ trực tuyến đã giải quyết
+ Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến được giải quyết đúng hạn
+ Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận qua hình thức trực tuyến và không trực tuyến
+ Số liệu về mức độ hài lòng của người sử dụng đối với dịch vụ theo từng nội dung đánh giá quy định tại Điều 12 Thông tư 32/2017/TT-BTTTT
2. Dịch vụ công mức độ 1, 2, 3, 4?
2.1. Khái niệm dịch vụ công mức độ 1, 2, 3, 4:
Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP quy định:
– Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó
– Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ
– Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ
– Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
2.2. Yêu cầu đối với mức độ của dịch vụ công trực tuyến:
* Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 phải cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản sau:
– Tên thủ tục hành chính
– Trình tự thực hiện
– Cách thức thực hiện
– Thành phần, số lượng hồ sơ
– Thời hạn giải quyết
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính
– Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính
– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: ghi rõ kết quả cuối cùng của việc thực hiện thủ tục hành chính
– Thông tin nếu có về mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, mẫu kết quả thực hiện thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện, phí, lệ phí
– Hình thức nhận hồ sơ, trả kết quả (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, qua môi trường mạng)
– Văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp về thủ tục hành chính, quyết định công bố thủ tục hành chính.
* Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
– Cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản như dịch vụ công trực tuyến mức độ 1
– Cung cấp đầy đủ các biểu mẫu điện tử không tương tác và cho phép người sử dụng tải về để khai báo sử dụng
– Hồ sơ in từ biểu mẫu điện tử không tương tác sau khi khai báo theo quy định được chấp nhận như đối với hồ sơ khai báo trên các biểu mẫu giấy thông thường.
* Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
– Đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 2
– Các biểu mẫu của dịch vụ được cung cấp đầy đủ dưới dạng biểu mẫu điện tử tương tác để người sử dụng thực hiện được việc khai báo thông tin, cung cấp các tài liệu liên quan (nếu có) dưới dạng tệp tin điện tử đính kèm và gửi hồ sơ trực tuyến tới cơ quan cung cấp dịch vụ
– Hồ sơ hành chính điện tử được sắp xếp, tổ chức, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để bảo đảm khả năng xử lý, tra cứu, thống kê, tổng hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu của các hệ thống ứng dụng liên quan
– Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng
– Việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ hoặc qua dịch vụ bưu chính.
* Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
– Đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3
– Cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến để người sử dụng thực hiện được ngay việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) qua môi trường mạng
– Việc trả kết quả cho người sử dụng có thể được thực hiện trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp. Kết quả dưới dạng điện tử của dịch vụ công trực tuyến có giá trị pháp lý như đối với kết quả truyền thống theo quy định về kết quả điện tử của cơ quan chuyên ngành. Việc trả kết quả trực tuyến được thực hiện theo sự thống nhất của người sử dụng và cơ quan cung cấp dịch vụ qua một hoặc nhiều hình thức sau: thông báo trên cổng thông tin điện tử có dịch vụ công trực tuyến; gửi qua chức năng trả kết quả của dịch vụ công trực tuyến; gửi qua thư điện tử của người sử dụng. Khuyến khích gửi kết quả qua các kênh giao tiếp điện tử khác như: tin nhắn trên điện thoại di động, dịch vụ trao đổi thông tin trên mạng.