Địa tô tuyệt đối là là lợi nhuận siêu ngạch dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân, được hình thành do cấu tạo hữu cơ của tư bản trong nông nghiệp luôn thấp hơn cấu tạo hữu cơ của tư bản trong công nghiệp, nó là số chênh lệch giữa giá trị nông phẩm và giá cả sản xuất chung. Địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch sẽ có những điểm khác biệt nhất định.
Mục lục bài viết
1. Địa tô tuyệt đối là gì?
Địa tô tuyệt đối là là lợi nhuận siêu ngạch dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân, được hình thành do cấu tạo hữu cơ của tư bản trong nông nghiệp luôn thấp hơn cấu tạo hữu cơ của tư bản trong công nghiệp, nó là số chênh lệch giữa giá trị nông phẩm và giá cả sản xuất chung. Đây là loại địa tô mà tất cả các nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp đều phải nộp cho địa chủ, cho dù ruộng đất là tốt hay xấu. Đây là loại địa tô thu trên mọi loại đất.
Do có sự độc quyền tư hữu về ruộng đất trong chủ nghĩa tư bản nên đã cản trở sự phát triển của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp; nông nghiệp thường lạc hậu so với công nghiệp cả về kinh tế lẫn kỹ thuật, vì thế cấu tạo hữu cơ của tư bản trong nông nghiệp thường thấp hơn cấu tạo hữu cơ của tư bản trong công nghiệp. Chính độc quyền tư hữu ruộng đất làm cho lợi nhuận siêu ngạch hình thành trong nông nghiệp không bị đem chia đi và làm cho lợi nhuận siêu ngạch đó phải chuyển hoá thành địa tô
Để hiểu rõ về địa tô tuyệt đối thì chúng tôi đưa ra một vài ví dụ như sau:
Có hai tư bản trong nông nghiệp và trong công nghiệp đều là 100, cấu tạo hữu cơ tư bản trong nông nghiệp là 3/2, cấu tạo hữu cơ tư bản trong công nghiệp là 4/1.
Giả sử m’ = 100%, thì giá trị sản phẩm và giá trị thặng dư sản xuất ra trong từng lĩnh vực sẽ là:
Trong công nghiệp : 80c + 20v + 20m = 120
Trong nông nghiệp : 60c + 40v + 40m = 140
Trong đó:
c: Tư liệu sản xuất
v: Sức lao động
m: Giá trị thặng dư
m’: Tỉ suất giá trị thặng dư
Giá trị thặng dư dôi ra trong nông nghiệp so với công nghiệp là: 20. Số chênh lệch này là lợi nhuận siêu ngạch, lợi nhuận siêu ngạch này không bị bình quân hoá mà chuyển hóa thành địa tô tuyệt đối.
Từ ví dụ này ta có thể hiểu rằng cơ sở của địa tô tuyệt đối là do cấu tạo hữu cơ của tư bản trong nông nghiệp thấp hơn trong công nghiệp. Còn nguyên nhân tồn tại địa tô tuyệt đối là do chế độ độc quyền sở hữu ruộng đất đã ngăn cản nông nghiệp tham gia cạnh tranh giữa các ngành để hình thành lợi nhuận bình quân.
Trong nông nghiệp, nông sản phẩm được bán ra theo giá trị chứ không bán theo giá cả sản xuất chung. Phần chênh lệch giữa giá trị nông sản phẩm và giá cả sản xuất chung, cũng là phần chênh lệch giữa giá trị thặng dư được tạo ra trong nông nghiệp và lợi nhuận bình quân sẽ được giữ lại để nộp địa tô cho địa chủ.
2. Địa tô chênh lệch là gì?
Địa tô chênh lệch là phần địa tô thu được ở trên những ruộng đất có lợi thế về điều kiện sản xuất. Địa tô chênh lệch sẽ bằng giá cả sản xuất chung trừ đi giá cả sản xuất cá biệt. Nguồn gốc của nó là một phần giá trị thặng dư do công nhân nông nghiệp làm thuê tạo ra. Địa tô chênh lệch gắn với chế độ độc quyền kinh doanh ruộng đất theo lối tư bản chủ nghĩa.
Địa tô chênh lệch có hai loại địa tô:
Một là, địa tô chênh lệch thu được trên những ruộng đất có độ màu mỡ tự nhiên thuộc loại trung bình và tốt, có vị trí gần thị trường hoặc gần đường giao thông.
Hai là, địa tô chênh lệch thu được do thâm canh mà có. Thâm canh là việc đầu tư thêm tư bản vào một đơn vị diện tích ruộng đất để nâng cao chất lượng canh tác của đất, nhằm tăng độ màu mỡ trên thửa ruộng đó, nâng cao sản lượng trên một đơn vị diện tích.
3. Phân biệt địa tô tuyệt đối với địa tô chênh lệch?
Điểm, giống nhau giữa địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch:
– Đều là lợi nhuận siêu ngạch, đều có nguồn gốc từ giá trị thặng dư, đều là kết quả của sự chiếm đoạt lao động thặng dư của công nhân nông nghiệp làm thuê.
Điểm khác nhau giữa địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch:
– Nguyên nhân sinh ra địa tô chênh lệch độc quyền kinh doanh ruộng đã theo kiểu tư bản chủ nghĩa
– Nguyên nhân sinh ra địa tô tuyệt đối là độc quyền tư hữu về ruộng đất. Vì vậy, việc xóa bỏ chế độ độc quyền tư hữu về ruộng đất chính là cơ sở để xóa bỏ địa tô tuyệt đối, khi đó giá cả nông sản phẩm sẽ hạ xuống và có lợi cho người tiêu dùng.
4. Vận dụng lý luận địa tô trong việc quản lý đất đai:
4.1. Vận dụng lý luận địa tô trong thuế đất nông nghiệp:
Việc vận dụng lý luận địa tô trong thuế đất nông nghiệp được thể hiện ở việc nhà nước đã có những quy định về thuế sử dụng đất nông nghiệp trong
Nhà nước trực tiếp quản lý và điều hành, nhà nước giao đất cho dân làm nông nghiệp, thu thuế nhưng tạo mọi điều kiện cho người dân sản xuất. Mặt khác nhà nước còn đưa ra một số quy định cho thấy thuế trong nông nghiệp bây giờ giảm đi rất nhiều mà chủ yếu là tăng thuế trong việc thuê đất để hoạt động phi nông nghiệp. Cụ thể là khi chuyển quyền sử dụng đất đai mà được phép chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp thì thuế từ 20% – 40%, nếu đất nông nghiệp chuyển sang xây dựng các công trình công nghiệp từ 40% sang 60%. Đối với các tổ chức, hộ gia đình và các cá nhân sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp thì không phải trả tiền sử dụng đất cho nông nghiệp, nếu sử dụng vào mục đích khác thì phải trả tiền, thậm chí phải chuyển sang hình thức thuê đất nếu là tổ chức sử dụng đất ở trong nước.
4.2. Vận dụng lý luận địa tô trong luật đất đai:
Mác đã kết luận: “mỗi bước tiến của nông nghiệp tư bản chủ nghĩa là một bước tiến không những trong nghệ thuật bóc lột người lao động mà còn là bước tiến về mặt làm cho đất đai bị kiệt quệ mà sự bóc lột đó được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó có địa tô.
Việc vận dụng lý luận địa tô trong luật đất đai được thể hiện ở việc nhà nước đã ban hành luật đất đai để quy định một cách rõ ràng quyền và nghĩa vụ của người dân theo những điều khoản như: điều 1, điều 4, điều 5, điều 12, điều 22, điều 79 luật đất đai.
Bên cạnh đó việc vận dụng lý luận địa tô còn thể hiện trong việc pháp luật về đất đai của nhà nước ta hiện nay cũng ban hành những quy định để người dân phải trả tiền thuê đất khi sử dụng đất một cách tự nguyện. Hiện nay, đất được cấp cho dân, dân có quyền sử dụng đất vào mục đích của mình. Nếu đối với đất ở thì người dân chỉ phải nộp một khoản tiền thuê đất rất nhỏ so với thu nhập của họ. Còn đối với đất để làm nông nghiệp thì người dân phải nộp thuế nhưng họ có thể tự do kinh doanh trên đất của mình sao cho thu được lợi nhuận cao nhất.
4.3. Vận dụng lý luận địa tô trong việc cho thuê đất:
Việc vận dụng lý luận địa tô trong việc cho thuê đất được thể hiện ở việc nhà nước đã quy định rất rõ việc thuê đất để kinh doanh, sử dụng những văn bản pháp lý quy định quyền và nghĩa vụ của người thuê đất để người dân khi nộp tiền thuê đất đều tự nguyện đóng góp. Trong việc thuê đất để kinh doanh thì người đã thuê đất của nhà nước sẽ phát triển kinh doanh trên mảnh đất đó rồi lấy lợi nhuận mà mình làm ra để trả cho nhà nước và số tiền đó sẽ vào ngân sách nhà nước. Từ đó ta thấy rõ sự khác biệt và sự vận dụng lý luận địa tô của Mác trong thời đại ngày nay, hiện nay không chỉ có việc thuê đất trong nông nghiệp trong việc kinh doanh mà nhà nước còn cho nước ngoài thuê đất để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài ở Việt Nam và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Tuy nhiên trong việc sử dụng lý luận địa tô của C.Mác trong việc quản lý đất đai vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Chẳng hạn như nhà nước thu đất của nông dân với giá rất rẻ sau đó quy hoạch xây dựng nhà ở và cho thuê với giá rất cao. Nếu như trong xã hội phong kiến và tư bản chủ nghĩa, người sử dụng đất phải nộp tô cho địa chủ thì ngày nay tô hay còn nói các khác là thuế đất, thuế nhà, tiền thuê đất đều được nộp vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, lý luận địa tô tư bản chất Mác không chỉ vạch rõ bản chất quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp mà còn là cơ sở khoa học để xây dựng các chính sách thuế đối với nông nghiệp và các ngành khác có liên quan đến đất đai có hiệu quả hơn. Lý luận về địa tô của C.Mác đã được đảng và nhà nước ta vận dụng một cách sáng tạo và hợp lý. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và nhà nước đang dần cải thiện để xây dựng một Việt Nam giàu mạnh