Di sản dùng vào việc thờ cúng được hiểu như thế nào? Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin giải đáp thắc mắc của quý khách hàng như sau.
Di sản dùng vào việc thờ cúng
Di sản dùng vào việc thờ cúng được quy định tại Điều 670 BLDS:
“1.Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lí để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lí để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lí di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lí di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lí hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2.Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.
Căn cứ xác định di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định tại Điều 670 là do người lập di chúc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng và chỉ rõ phần tài sản nào được dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó là phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Trên thực tế thì di sản dùng vào việc thờ cúng còn do con, cháu tự sắm sửa trong một năm, nhiều năm để dùng vào việc thờ cúng, thậm chí di sản dùng vào việc thờ cúng còn do các con, cháu trong dòng họ hiến tặng cho nhà thờ họ hoặc di sản dùng vào việc thờ cúng do các thế hệ trước để lại một cách tự nhiên mà không có bất kì một lời dặn dò hay văn bản xác định đó là di sản dùng vào việc thờ cúng. Có thể khẳng định, di sản dùng vào việc thờ cúng của một người, hay các thành viên đã chết của một gia đình, dòng họ được xác lập từ nhiều căn cứ khác nhau nhưng pháp luật quy định căn cứ xác lập di sản dùng việc thờ cúng do một người để lại theo di chúc và căn cứ này có ý nghĩa pháp lí trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng do người lập di chúc để lại.
Theo quy định trên, người có tài sản có quyền lập di chúc định đoạt một phần di sản giao cho một người quản lí để dùng vào việc thờ cúng. Người lập di chúc chỉ định một người cụ thể quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng và thực hiện việc thờ cúng. Nhưng người được chỉ định quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng đã không thực hiện nghĩa vụ thờ cúng theo di chúc hoặc theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác để quản lí để thờ cúng. Ngoài trường hợp trên, nếu người để lại di chúc không chỉ định trong di chúc ai là người quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng và thực hiện nghĩa vụ thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lí di sản thờ cúng. Tuy pháp luật không quy định rõ những cá nhân phải có những điều kiện nào thì được quản lí di sản thờ cúng và thực hiện nghĩa vụ thờ cúng nhưng theo thông lệ và phong tục trong nhân dân, người quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng và thực hiện việc thờ cúng thường là con, cháu, anh, em ruột của người để lại di sản đó. Thực hiện nghĩa vụ thờ cúng nếu không được người để lại di sản đó viết rõ trong di chúc thì việc thờ cúng cũng tuân theo phong tục trong cộng đồng dân cư và dòng họ của người để lại di sản đó, thường là việc thờ cúng được tiến hành vào ngày giỗ hàng năm của người chết, ngày rằm, ngày tết và thờ cúng người để lại di sản đó khi mới chết ba ngày, cúng đầu tuần, cúng bốn chin ngày, cúng một trăm ngày và cúng cơm thường hàng ngày kể từ ngày người đó được mai táng xong cho đến hết một trăm ngày… Đây là nghi thức phổ biến trong nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, còn có những cách thức thờ cúng khác được lưu truyền trong nhân dân không thể xác định hết được. Hình thức thờ cúng rất phong phú, đa dạng gắn với phong tục, tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên, mục đích thờ cúng người chết và tổ tiên người đó là nhằm tưởng nhớ và biết ơn những người đã chết mang tính giáo dục sâu sắc và tính nhân văn cao cả.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Việc xử lí di sản dùng vào việc thờ cúng, theo quy định tại khoản 1 Điều 670 BLDS, trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lí hợp pháp di sản đó, với điều kiện người đang quản lí di sản đó thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản. Người quản lí và thực hiện nghĩa vụ thờ cúng này phải là người hoặc thuộc các hàng thừa kế theo pháp luật (Điều 676 BLDS) hoặc là người thừa kế thế vị hưởng di sản của người để lại di sản (Điều 677 BLDS). Pháp luật không quy định, trong trường hợp người quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng là hợp pháp nhưng người này không thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản đó và trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì di sản dùng vào việc thờ cúng được giải quyết như thế nào. Tuy nhiên, căn cứ vào những quy định của pháp luật tại Điều 670 BLDS về di sản dùng vào việc thờ cúng thì trường hợp này di sản được chuyển giao cho những người thừa kế tại hàng thừa kế được hưởng của người để lại di sản để họ tự định đoạt hoặc là cử một người trong số họ quản lí di và thực hiện nghĩa vụ thờ cúng hoặc là thỏa thuận để chia thừa kế theo pháp luật; nếu họ không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu
Di sản dùng vào việc thờ cúng là một phần thuộc di sản của người chết để lại, do vậy theo quy định tại khoản 2 Điều 670 BLDS thì trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, tuy rằng người lập di chúc đã định đoạt một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.