Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 8 năm 2024 - 2025 với ma trận câu hỏi được tuyển chọn từ các đề thi Ngữ Văn 8 của các trường trên cả nước sẽ giúp các em học sinh có kế hoạch ôn tập đạt điểm cao trong kì thi sắp tới.
Mục lục bài viết
1. Đề thi học kì 1 Ngữ văn 8 năm học 2024 – 2025:
1.1. Bộ đề số 1:
1. Đọc – hiểu văn bản (5,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 5 :
Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay :
– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ !
– Cụ bán rồi ?
– Bán rồi. Họ vừa bắt xong.
Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót xa năm quyển sách của tôi quá như trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc. Tôi hỏi cho có chuyện :
Thế nó cho bắt à ?
Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão khóc mếu như con nít. Lão hu hu khóc…
(Ngữ Văn 8 – Tập 1, trang 41,42)
Câu 1. Đoạn trích được trích từ văn bản nào ? Tác giả là ai?
Câu 2. Liệt kê những từ tượng hình, tượng thanh có trong đoạn trích? Nêu tác dụng?
Câu 3. “Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão khóc mếu như con nít” Phân tích cấu tạo của câu ghép ? Nêu mối quan hệ giữa các vế trong câu ghép ?
Câu 4. Em có nhận xét gì về tâm trạng của lão Hạc khi bán chó qua đoạn trích trên?
Câu 5. Nếu em là lão Hạc, trong tình huống đó em có nên bán con chó đi không? Vì sao?
2. Tạo lập văn bản (5,0 điểm)
Kể lại một việc em đã làm khiến bố mẹ rất vui lòng.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
1. Đọc – hiểu văn bản (5,0 điểm)
Câu 1. Trích từ văn bản “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao.
Câu 2.
– Từ tượng hình : Móm mém
– Từ tượng thanh : Hu hu
– Tác dụng : Mô phỏng hình dáng miệng lão Hạc khi khóc và tiếng khóc của lão qua đó gợi lên sự đau khổ của lão Hạc sau khi bán chó.
Câu 3.
– Câu ghép : Cái đầu lão (CN) / ngoẹo về một bên (VN) và cái miệng (CN) / móm mém của lão khóc mếu như con nít. (VN)
– Mối quan hệ giữa các vế câu trong câu ghép là quan hệ đồng thời.
Câu 4. Tâm trạng của lão Hạc khi bán cậu Vàng: Buồn, đau khổ, hối hận khi bán chó.
Câu 5.
– Đáp án: Nên bán hay không nên bán đều được chấp nhận.
– Giải thích lý do nên bán hay không nên bán (GV tùy vào tính hợp lý, cách lập luận để giải thích mà ghi điểm).
2. Tạo lập văn bản (5,0 điểm)
Kể lại một việc em đã làm khiến bố mẹ rất vui lòng.
* Yêu cầu chung:
– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết bài tự sự.
– Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác kể, biểu cảm.
* Yêu cầu cụ thể:
a. Đảm bảo cấu trúc bài tự sự: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài : nêu được vấn đề; phần thân bài: biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau; phần kết bài: nêu cảm xúc.
b. Xác định đúng vấn đề tự sự: Kể lại một việc em đã làm khiến bố mẹ rất vui lòng.
c. Triển khai vấn đề cần tự sự: Nên sử dụng phương pháp kể kết hợp với yếu tố biểu cảm (tâm trạng, cảm xúc của em khi giúp đỡ người đó và cả cảm xúc, suy nghĩ của bản thân em, tâm trạng bố mẹ em…). Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, sau đây là một số gợi ý.
– Đó là việc gì?
– Thời gian, địa điểm?
– Gồm có những ai (tất nhiên là có em)? Có ai khác ngoài cuộc chứng kiến không?
– Người được em giúp có cảm xúc như thế nào? Điều đó làm em xúc động ra sao? Bố mẹ em vui như thế nào?
– Những điều em suy nghĩ.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, bài viết với cảm xúc chân thành, sinh động, hấp dẫn người đọc.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
1.2. Bộ đề số 2:
Câu 1 (2,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Đó là chiếc lá cuối cùng, Giôn-xi nói, “Em cứ tưởng là nhất định trong đêm vừa qua nó đã rụng. Em nghe thấy gió thổi. Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết”.
“Em thân yêu, thân yêu!”, Xiu nói, cúi khuôn mặt hốc hác xuống gần gối, “Em hãy nghĩ đến chị, nếu em không còn muốn nghĩ đến mình nữa. Chị sẽ làm gì đây?”.
Nhưng Giôn-xi không trả lời. Cái cô đơn nhất trong khắp thế gian là một tâm hồn đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình. Khi những dây ràng buộc cô với tình bạn và với thế gian cứ lơi lỏng dần từng sợi một, ý nghĩ kì quặc ấy hình như càng choán lấy tâm trí cô mạnh mẽ hơn.
Ngày hôm đó trôi qua và ngay cả trong ánh hoàng hôn, họ vẫn có thể trông thấy chiếc lá thường xuân đơn độc níu vào cái cuống của nó trên tường. Thế rồi, cùng với màn đêm buông xuống, gió bấc lại ào ào, trong khi mưa vẫn đập mạnh vào cửa sổ và rơi lộp độp xuống đất từ mái hiên thấp kiểu Hà Lan…
(O. Hen-ri, Chiếc lá cuối cùng)
a. Cụm từ in nghiêng trong câu “Cái cô đơn nhất trong khắp thế gian là một tâm hồn đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình.” có sử dụng biện pháp tu từ nào? Cụm từ đó có ý nghĩa gì?
b. Xét về cấu tạo, câu in đậm trong đoạn trích trên là câu gì?
c. Kết thúc truyện, Xiu đã nói với Giôn-xi rằng chiếc lá thường xuân cuối cùng ở trên tường là kiệt tác của cụ Bơ-men. Vì sao?
d. Từ đó, em hiểu thế nào về quan điểm nghệ thuật của tác giả?
Câu 2 (3,0 điểm): Em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 10 đến 15 dòng) trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của cụ Bơ-men trong tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của O.Hen-ri
Câu 3 (5,0 điểm): Hãy kể về một kỉ niệm với người bạn thân khiến em xúc động và nhớ mãi.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
Câu 1
a.
*Phương pháp: Đọc hiểu
*Cách giải:
– Cụm từ in nghiêng chuyến đi xa xôi bí ẩn sử dụng biện pháp ẩn dụ.
– Cụm từ đó ý chỉ về cái chết.
b.
*Phương pháp: Nhớ lại các kiểu câu theo cấu tạo (câu đơn, câu ghép)
*Cách giải:
– Câu in đậm trên thuộc kiểu câu ghép.
c.
*Phương pháp: Nhớ lại các chi tiết của văn bản.
*Cách giải:
– Xiu đã nói với Giôn-xi như thế vì cụ Bơ-men là người đã vẽ ra chiếc lá.
d.
*Phương pháp: Đọc hiểu
*Cách giải:
– Quan điểm của tác giả: nghệ thuật chân chính là nghệ thuật phục vụ cho con người, vì con người mà tồn tại, hướng con người tới những điều cao đẹp.
Câu 2
*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
*Cách giải:
Học sinh nắm chắc kiến thức viết đoạn văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:
– Yêu cầu hình thức:
+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm văn bản biểu cảm.
+ Đoạn văn đầy đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
– Yêu cầu nội dung:
+ Đoạn văn xoay quanh nội dung: cảm nhận về vẻ đẹp của cụ Bơ-men
– Hướng dẫn cụ thể:
1. Mở đoạn
Giới thiệu sơ lược về nhân vật và tác phẩm.
2. Thân đoạn
– Đôi nét về hoàn cảnh, nghề nghiệp cụ Bơ-men: là một họa sĩ già, sống cùng khu trọ với những cô họa sĩ trẻ.
– Con người: nhân hậu, hiền lành, trầm lắng.
– Trong cuộc đời, cụ luôn khao khát vẽ được một kiệt tác để đời nhưng chưa thực hiện được.
– Khi Giôn-xi bệnh, cụ lo lắng như với người thân ruột thịt của mình.
– Cụ đã vẽ chiếc lá cứu sống Giôn-xi, đó là chiếc lá của tình người cao cả.
⇒ Kiệt tác “Chiếc lá cuối cùng” của người họa sĩ già mãi mãi là một tuyệt phẩm để hàng trăm năm sau người đời vẫn còn ca ngợi bởi tinh thần cao thượng, tấm lòng bao dung, yêu thương đồng loại của nó.
3. Kết đoạn: Khái quát lại vấn đề.
Câu 3.
*Phương pháp: Tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm.
*Cách giải:
Học sinh nắm chắc kiến thức viết bài văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:
– Yêu cầu hình thức:
+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm văn bản tự sự.
+ Bài văn đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.
– Yêu cầu nội dung:
+ Bài văn xoay quanh nội dung: kể lại kỉ niệm của em với bạn.
– Hướng dẫn cụ thể:
1. Mở bài
– Trong một lần nghỉ hè tôi được ba mẹ cho về quê nội chơi.
– Ở đây tôi làm quen với người bạn mới tên Ái Liên và mọi người thường gọi bạn ấy là Mèo Mun, bạn ấy là con nhà nghèo nhưng rất dễ mến.
2. Thân bài
– Kể lại trường hợp vì sao cả 2 gặp và chơi thân với nhau: Mới về quê nội tôi không quen bạn nào cả. Nhà bạn Ái Liên ở cạnh nhà nội tôi, bạn Ái Liên thấy tôi thường hay ở nhà không đi đâu nên rủ tôi qua nhà bạn ấy chơi.
+ Ngày nào tôi cùng Ái Liên đều đi chơi cùng nhau. Lúc thì chơi ở sân nhà nội, lúc thì rủ nhau đi ra đồng bắt châu chấu hoặc ra đường làng chơi cùng các bạn khác.
+ Chúng tôi thường tự tổ chức những trò chơi như: Kéo xe hoa rụng, Ô ăn quan, Bịt mắt bắt dê… rất là vui.
+ Nhà bạn Ái Liên rất nghèo nên bạn hay tủi thân vì không có đồ chơi.
– Ngày tôi gần xa quê để trở lại thành phố:
+ Ái Liên gọi sang bày trò chơi mới.
+ Hôm đó chúng tôi kéo nhau ra bờ đê chơi, tôi bị té xuống mương nước.
+ Ái Liên nhảy xuống cứu nhưng nó cũng không biết bơi.
– May mắn được chú Ba làm ruộng gần đó cứu hai đứa thoát nạn.
+ Đều sặc nước và được cứu kịp thời.
+ Đêm đó nằm ngủ với Nội, nghe nội kể về hoàn cảnh gia đình bạn Ái Liên tôi thương Ái Liên vô hạn.
3. Kết bài
– Tôi cảm động với tình cảm của bạn ấy dành cho tôi. Tôi mong rằng điều kiện gia đình của bạn sẽ khá hơn để bạn có thể vui vẻ hơn.
– Bây giờ đã vào học lại nhưng tôi và Ái Liên vẫn thường viết thư gửi thăm nhau, kể cho nhau nghe những chuyện ở trường ở lớp.
-Tôi mong tình bạn giữa 2 chúng tôi luôn luôn vui vẻ
2. Ma trận đề thi văn giữa kì lớp 8:
Cấp độ
Lĩnh vực | Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Cộng | |
Vận dụng | Vận dụng cao |
| |||
1. Đọc – hiểu: | – Nhận biết tên văn bản, tác giả, ngôi kể, PTBĐ chính của phần trích. – Nhận biết, phân loại được các từ vựng/từ loại. – Các phương tiện liên kết liên câu; các cách trình bày nội dung đoạn văn. | – Hiểu, giải thích chi tiết quan trọng; hiểu được nội dung chính của đoạn trích. – Hiểu được tác dụng của biện pháp tu từ – Hiểu được công dụng/chức năng của các từ vựng/ từ loại. | – Trình bày quan điểm, suy nghĩ của bản thân từ vấn đề liên quan đến đoạn trích. |
|
|
Số câu: Số điểm: Tỉ lệ %: | Số câu: 3 Số điểm: 3.0 TL: 30% | Số câu: 1 Số điểm: 1.0 TL: 10% | Số câu: 1 Số điểm: 1.0 TL: 10% |
| 5 5.0 50% |
2. Làm văn: |
|
|
| Viết bài văn tự sự (kết hợp miêu tả và biểu cảm). |
|
Số câu: Số điểm: Tỉ lệ %: |
|
|
| Số câu: 1 Số điểm: 5.0 TL: 50% | 1 5.0 50% |
Tổng số câu Tổng số điểm Tỉ lệ % | Số câu: 3 Số điểm: 3.0 TL: 30% | Số câu: 1 Số điểm: 1.0 TL: 10% | Số câu: 2 Số điểm: 6.0 TL: 60% | 6 10 100% |
3. Mẹo đạt điểm cao môn văn:
Để đạt được điểm cao môn văn chúng ta cần phải có quá trình ôn tập dài, kĩ lưỡng, nắm bắt chắc chắn cấu trúc của đề thi. Khi hiểu rõ được cấu trúc, mỗi học sinh sẽ xây dựng cho mình một lộ trình ôn tập hiệu quả, tập trung vào phần bản thân yếu kém. Sai lầm lớn nhất của học sinh là nghĩ môn văn chỉ cần viết dài là đạt điểm cao. Để đạt điểm cao cần phải xác định đúng, trúng ý, viết ngắn gọn, lý lẽ rõ ràng, mạch lạc. Tiếp đó mới là việc xây dựng đoạn văn logic, hợp lý, câu văn mềm mại, uyển chuyển.