Trong lịch sử các triều đại phong kiến nước ta, việc đắp đê luôn là công việc được chú trọng bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và an nguy đất nước. Vậy đê quai vạc được hình thành bắt đầu từ triều đại nào trong nền văn minh Đại Việt? Mời các bạn tham khảo trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Đê “quai vạc” được hình thành bắt đầu từ triều đại nào trong nền văn minh Đại Việt?
A. Triều Lý.
B. Triều Trần.
C. Triều Hồ.
D. Triều Lê sơ.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
2. Công tác thủy lợi, đắp đê thời Trần:
Các nhà nước quân chủ Việt Nam nói chung, vương triều Trần nói riêng đều chú trọng đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhà Trần từ khi mới nắm quyền đã nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp, mở rộng thêm diện tích canh tác. Triều đình áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp và bảo vệ mùa màng. Một trong những biện pháp được chú trọng đó chính là xây dựng các hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, dẫn và thoát nước phòng chống lũ lụt, đào kênh mương, đắp đê.
Công việc này đã được vị vua đầu tiên là Trần Thái Tông rất quan tâm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (tập II, trang 13): từ năm 1231 chính vua Trần Thái Tông đã sai Nội Minh tự là Nguyễn Bang Cốc chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và kênh Hào từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu”. Năm 1248, vua Trần Thái Tông lại cho đào sông Mã, sông Lễ và đục núi Chiếu Bạch ở Thanh Hóa để tạo thành con kênh chạy dài theo hướng bắc nam, dài hơn 8 km từ sông Hoạt (chỗ sát Cầu Cừ) đến sông Lèn mà dân địa phương gọi là sông Đá Bạch nhằm tiêu nước từ Tống Giang (Hà Trung, Thanh Hóa).
Sang thế kỷ XIV, nhiều công trình thủy nông vẫn được tiếp tục xây dựng. Năm 1355 và 1357, Trần Dụ Tông cho đào sông ở Thanh Hóa và Nghệ An. Năm 1374, Trần Duệ Tông cho nạo vét các dòng sông từ Thanh Hóa tới cửa biển Hà Hoa (Kỳ La, Hà Tĩnh). Năm 1382, nhà Trần cho đào tiếp sông ở Tân Bình và Thuận Hóa. Do vậy, dưới triều Trần, trong cả nước, hệ thống thủy lợi đã tương đối hoàn thiện phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy mà đã hạn chế được những thiệt hại do lũ lụt gây ra, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no.
Bên cạnh việc đào vét các hệ thống kênh mương dẫn nước, thoát lũ và phục vụ tưới tiêu, vua Trần Thái Tông đã nhận thấy những hạn chế từ việc đắp đê từ thời Lý. Những con đê do nhà Lý dày công xây đắp nhưng có quy mô nhỏ, không ngăn được những lần lũ như trận lũ năm 1238 và 1243, do vậy nước lũ vẫn tràn vào Kinh thành và ngập đến cả cung điện. Nhận thấy những hạn chế này, vua Trần Thái Tông ra lệnh cho các lộ đắp đê giữ nước sông gọi là đê đỉnh nhĩ (quai vạc). Trên cơ sở những đê vùng cũ, nhà Trần cho đắp nối lại, hợp nhất thành tuyến từ đầu nguồn tới biển cho đê to hơn và vững hơn để ngăn nước lũ tràn vào gây lũ lụt. Đây là tuyến đê đã đi vào lịch sử bởi tầm cỡ quốc gia của nó.
Cho đến ngày nay, nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn đê quai vạc như khu vực làng Quang xã Thọ Vinh huyện Kim Thi, tỉnh Hưng Yên vẫn còn mộ cống gạch xây cuốn dài 15m tại đầu đình làng xuyên qua đê sông Hồng cũ. Việc đắp đê quai vạc bắt đầu từ đây, và chính vua Trần Thái Tông là vị vua khai mở cho công trình đắp đê này. Bên cạnh việc đắp đê ngăn lũ, vua Trần Thái Tông còn cho đắp các tuyến đê ngăn nước mặn ở các vùng ven biển – nơi mà các quý tộc vương hầu nhà Trần lập điền trang thái ấp, để chống sự xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Các hệ thống đê này chủ yếu ở hai bên bờ sông Phú Lương (sông Cái) theo hướng từ đê sông Đáy đến vùng Hải Triều (thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay) và tuyến đê từ sông Bạch Hạc (Việt Trì – Phú Thọ) đến các sông Lô, sông Đại Lũng…
Triều đình cũng quy định và khuyến khích tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia đắp đê, không phân biệt sang hèn, già trẻ. Khi khẩn cấp còn phải huy động tất cả các giám sinh ở Quốc Tử Giám… Năm 1248 vua Trần Thái Tông lập ra cơ quan Hà đê, có chánh sứ, phó sứ phụ trách đê điều tại các lộ phủ, lấy các quan giữ chức nhàn tản bổ sung, hằng năm cứ khi nào công việc mùa vụ xong, trong thời gian nông nhàn thì các vị quan Hà đê lại đốc thúc quân lính đắp bờ đê, đào mương lạch đề phòng lụt hạn. Bản thân nhà vua cũng chủ động tự mình xem xét việc tu sửa đê điều, đích thân vua Trần Minh Tông đi kiểm tra việc sửa chữa đê vào năm 1315. Nhà vua cũng đặt ra những quy định thưởng phạt đối với những vị quan Hà đê không hoàn thành phận sự. Theo đó, các quan Hà đê phải đích thân tuần hành, thấy chỗ nào đê non yếu phải tu bổ ngay, nếu không làm tròn nhiệm vụ để mưa lũ, ngập lúa má, ảnh hưởng mùa màng thì sẽ bị khiển phạt. Và khi có lụt thì mọi người cùng phải có trách nhiệm hộ đê.
Có thể nói, vương triều Trần đã rất coi trọng vai trò của công tác thủy lợi, đê điều, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên những màng bội thu, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp. Vì vậy dưới thời Trần, nền sản xuất nông nghiệp đã thật sự phát triển, sản xuất thuận lợi, nhân dân no ấm. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã khái quát tầm quan trọng của việc đắp đê thời Lý – Trần là “có một nền chính trị đê điều”.
3. Bài tập tự luyện kèm đáp án:
Câu 1. Dưới thời nhà Trần, chức quan được đặt thêm để trông coi, đốc thúc việc đắp đê được gọi là
A.Khuyến nông sứ.
B.Đồn điền sứ.
C.Hà đê sứ.
D.An phủ sứ.
Đáp án đúng là: C
Dưới thời nhà Trần, chức quan được đặt thêm để trông coi, đốc thúc việc đắp đê được gọi là Hà đê sứ (“hà” có nghĩa là sông; “đê” có nghĩa là đê điều).
Câu 2. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng chính sách phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp của nhà Trần?
A. Cho phép tự ý giết mổ trâu, bò.
B. Khuyến khích khai khẩn đất hoang.
C. Đào sông ngòi, đắp đê phòng lụt.
D. Đặt các chức quan nông nghiệp.
Đáp án đúng là: A
Nhà Trần thực hiện nhiều chính sách nhằm phục hồi và phát triển nông nghiệp, như: Khuyến khích khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích canh tác, đào sông ngòi, đắp đê phòng lụt, đặt các chức quan chuyên lo nông nghiệp và thủy lợi (SGK – Trang 67)
Câu 3. Dưới thời Trần, tầng lớp nào được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, làm chủ các điền trang, thái ấp rộng lớn?
A. Nông dân.
B. Thương nhân.
C. Thợ thủ công.
D. Quý tộc, quan lại.
Đáp án đúng là: D
Dưới thời Trần, tầng lớp quý tộc, quan lại hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, làm chủ những điền trang, thái ấp rộng lớn (SGK – Trang 68)
Câu 4. Tầng lớp đông đảo nhất trong xã hội thời Trần là
A. quý tộc, quan lại.
B. nông dân.
C. thợ thủ công, thương nhân.
D. nô tì.
Đáp án đúng là: B
Dưới thời Trần, nông dân vẫn là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, họ cày ruộng công làng xã và lĩnh canh ruộng đất của địa chủ (SGK – Trang 68)
Câu 5. Dưới thời Trần, kinh đô Thăng Long trở thành trung tâm sản xuất và buôn bán lớn nhất nước ta, với
A. 36 phường sản xuất.
B. 63 phường sản xuất.
C. 61 phường sản xuất.
D. 16 phường sản xuất.
Đáp án đúng là: C
Dưới thời Trần, kinh đô Thăng Long trở thành trung tâm sản xuất và buôn bán lớn nhất nước ta, có 61 phường sản xuất với các nghề tiêu biểu như: làm gốm, dệt, đúc đồng, tạc tượng, làm giấy,…
Câu 7. Người có vai trò lớn dẫn đến sự thành lập của vương triều Trần là
A. Trần Thủ Độ.
B. Trần Nhân Tông.
C. Trần Hưng Đạo.
D. Trần Thái Tông.
Đáp án đúng là: A
Theo sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Sự chuyển giao quyền lực êm thấm giữa hai triều đại bằng hôn nhân đã chính thức kết thúc 216 năm tồn tại của nhà Lý. Thời đại nhà Trần bắt đầu.
THAM KHẢO THÊM: