Hoạt động sản xuất phim là ngành nghề kinh doanh được quy định cụ thể tại Luật điện ảnh năm 2020. Vậy để kinh doanh sản xuất phim cần vốn pháp định bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Để kinh doanh sản xuất phim cần vốn pháp định bao nhiêu?
Ngành sản xuất phim được hiểu là một quá trình để tạo ra một bộ phim hoàn chỉnh, bắt đầu tư khâu xây dựng kịch bản phim đến khi hoàn thành phim.
Trước kia theo quy định của pháp luật, sản xuất phim thuộc một trong những ngành nghề có điều kiện. Tuy nhiên, năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo đó, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã xoá bỏ ngành sản xuất phim. Vì vậy, kể từ năm 2021, ngành sản xuất phim không còn là ngành kinh doanh có điều kiện.
Theo quy định tại Luật điện ảnh sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũ, điều kiện để kinh doanh hoạt động sản xuất phim cần đáp ứng số vốn pháp định là 200 triệu đồng thông qua một trong những hình thức văn bản sau:
– Đối với công ty cổ phần là Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập.
– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên là Biên bản góp vốn của các thành viên sáng lập.
– Quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một hoặc hai thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức.
– Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và đối với công ty trách nhiệm hữu hạn mà chủ sở hữu là cá nhân là Bản đăng ký vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay theo quy định tại Luật điện ảnh năm 2022 mới nhất đã bỏ quy định điều kiện về vốn pháp định tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động sản xuất phim điện ảnh.
Do đó, các doanh nghiệp muốn đăng ký kinh doanh hoạt động sản xuất phim điện ảnh không cần vốn pháp định.
2. Hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp sản xuất phim:
Bước 1: Lựa chọn loại hình kinh doanh và ngành nghề kinh doanh:
Tùy thuộc vào quy mô sản xuất và nguồn vốn, người có nhu cầu tiến hành thành lập công ty sản xuất phim gồm:
– Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.
– Công ty cổ phần.
– Công ty hợp danh.
– Doanh nghiệp tư nhân.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty:
Hồ sơ thực hiện thủ tục thành lập công ty sản xuất phim gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty dược.
– Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần).
– Bản sao hợp lệ giấy chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân.
– Đối với tổ chức cần Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp (bản sao).
– Trường hợp có ủy quyền thì cần văn bản ủy quyền hợp pháp.
Bước 3: Nộp hồ sơ:
Cá nhân, tổ chức có nhu cầu tiến hành nộp hồ sơ qua các cách thức sau:
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.
– Nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.
Bước 4: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu:
Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện kiểm tra hồ sơ và trả kết quả trong thời gian 03 ngày làm việc.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ: cơ quan giải quyết sẽ thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: cơ quan giải quyết sẽ phải thông báo bằng văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện nộp lại theo quy trình trước đó.
Bước 5: Tiến hành công bố thông tin:
Sau khi hoàn thiện thủ tục và được nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong vòng 30 ngày doanh nghiệp sẽ tiến hành thông báo nội dung đăng kí doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Các bước sau đó để doanh nghiệp đi vào hoạt động đầy đủ cần thực hiện như sau:
– Khắc con dấu và công bố mẫu dấu.
– Treo biển tại trụ sở của công ty.
– Đăng ký tài khoản ngân hàng.
– Mua hóa đơn.
– Nộp phí, lệ phí môn bài theo quy định.
3. Quyền và nghĩa vụ của của cơ sở điện ảnh sản xuất phim:
Căn cứ Điều 10 Luật điện ảnh năm 2022 quy định quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim bao gồm:
Thứ nhất, về quyền của cơ sở điện ảnh sản xuất phim:
– Tham gia sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.
– Tham gia các hoạt động liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim.
– Tiến hành sản xuất, hoặc hợp tác sản xuất phim.
– Thực hiện cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Thứ hai, về nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim:
– Đối với phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm thực hiện nội dung văn bản thẩm định kịch bản.
– Bảo đảm sản xuất phim theo nội dung đã đăng ký kinh doanh, chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc được phê duyệt.
– Có trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, y tế, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất phim.
– Trong trường hợp hợp tác sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài, nhận tài trợ từ tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất phim phải có trách nhiệm làm và gửi bản cam kết không vi phạm những quy định về nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
– Phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và các nghĩa vụ khác có liên quan.
4. Những lưu ý khi thành lập công ty sản xuất phim:
4.1. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp:
Cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập công ty sản xuất phim có thể lựa chọn một trong những loại hình doanh nghiệp sau:
– Doanh nghiệp tư nhân do 1 cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm vô hạn.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hai thành viên.
– Công ty cổ phần.
– Công ty hợp danh.
4.2. Lưu ý trong việc đặt tên công ty:
Do đặc thù ngành điện ảnh, công ty sản xuất phim thường được gọi với tên “hãng phim”.
Ví dụ như Công ty TNHH hãng phim Sao Mai.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đặt tên riêng doanh nghiệp bằng tiếng Anh hay ngôn ngữ sử dụng chữ cái Latin khác.
4.3. Lưu ý về địa chỉ trụ sở công ty:
Địa chỉ công ty có thể đặt tại nhà riêng hoặc thuê văn phòng ở các toà nhà có chức năng văn phòng. Luật Nhà ở cấm việc đặt trụ sở công ty tại các nhà chung cư, ngoại trừ các nhà chung cư có khu văn phòng. Do đó, khi thành lập công ty sản xuất phim phải lưu ý vấn đề trên.
4.4. Lưu ý về ngành nghề công ty sản xuất phim:
Công ty điện ảnh ngoài ngành sản xuất phim còn có thể đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề khác.
Lưu ý trong lĩnh vực điện ảnh, bên cạnh ngành sản xuất phim còn có ngành nghề khác như phát hành phim và phổ biến phim. Đây là 02 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trước đây như đã phân tích ngành sản xuất phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện như từ ngày 1/1/2021 theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 ngành sản xuất phim đã không còn điều kiện kinh doanh nữa.
Doanh nghiệp có thể đăng ký không hạn chế các ngành kinh doanh khác ngoài lĩnh vực điện ảnh tuỳ theo ý tưởng và nguyện vọng của mình.
4.5. Lưu ý về vốn điều lệ công ty sản xuất phim:
Do ngành sản xuất phim không còn là ngành kinh doanh có điều kiện nên không bị ràng buộc về vốn của công ty, trước đây theo quy định cũ có yêu cầu về vốn pháp định đối với công ty kinh doanh sản xuất phim.
Hiện nay, doanh nghiệp có thể đăng ký với số vốn mà mình dự kiến đầu tư. Doanh nghiệp nộp lệ phí môn bài hàng năm theo mức vốn đăng ký. Theo đó, nếu vốn từ 10 tỷ trở xuống thì lệ phí môn bài là 2 triệu đồng/năm và vốn trên 10 tỷ thì môn bài là 3 triệu đồng/năm. Riêng năm đầu thành lập thì doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài.
4.6. Lưu ý về người đại diện theo pháp luật của công ty:
Công ty có thể chọn một hoặc nhiều người làm đại diện theo pháp luật của công ty. Người đại diện theo pháp luật có thể góp vốn hoặc không góp vốn vào công ty.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật điện ảnh năm 2022.
Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật điện ảnh.