Trong cuộc sống đôi khi xảy ra những rủi ro bất ngờ cho nên con người luôn tìm cách để bảo vệ cũng như phòng ngừa bản thân khỏi những chuyện không may có thể bất ngờ xảy đến bất cứ lúc nào. Để dao trong cốp xe đi đường phòng thân có bị xử phạt không? Dưới đây là bài phân tích làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là phòng thân? Các biện pháp phòng thân mà người dân áp dụng phổ biến hiện nay:
Phòng thân hiểu theo nghĩa thông thường là các cách thức, biện pháp mà con người đưa ra để bảo vệ chính mình. Hay nói cách khác, đây là biện pháp đề phòng nhằm bảo vệ bản thân.
Thực tiễn xã hội thường xảy ra rất nhiều trường hợp rủi ro khác nhau. Ở đó, con người gặp phải những tình huống phát sinh không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của họ. Các vụ việc liên quan đến cướp, giết, hiếp diễn ra hết sức phổ biến và thường xuyên. Do, đó, con người luôn có sự lo lắng, đề phòng với những trường hợp như thế. Vậy nên, họ thường có những biện pháp phòng thân, nhằm bảo vệ chính mình.
Chúng ta thường hay nghe đến khái niệm “vật phòng thân”. Vật phòng thân được hiểu là những vật dụng luôn được mang theo sát bên người, nhằm phòng vệ, bảo vệ bản thân trong những tình huống rủi ro, bất ngờ xảy ra.
Các biện pháp phòng thân mà người dân áp dụng phổ biến hiện nay là:
– Tập luyện thể dục thể, thao, các bộ môn võ thuật để tự vệ.
– Mang theo các vật dụng có khả năng hỗ trợ chống trả: Bình xịt cay, dao, kéo,..
Liên quan đến các biện pháp phòng thân, có rất nhiều quan điểm trái chiều đưa ra. Cụ thể, có những quan điểm cho rằng biện pháp phòng thân mà con người sử dụng (các vật dụng) là hoàn toàn thực tế, mang tính khả thi và hợp lý cao, giúp bảo vệ con người trước những tác động nguy hiểm, rủi ro không mong muốn xảy ra. Song, có quan điểm khác cho rằng, việc sử dụng các vật dụng phòng thân như dao, kéo,.. mang tính nguy hiểm cao. Bởi, có rất nhiều đối tượng lợi dụng lý do phòng thân để giữ các vật dụng này trong người. Trong nhiều trường hợp, nó trở thành hung khí thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
2. Để dao trong cốp xe đi đường phòng thân có bị xử phạt không?
Như đã phân tích ở trên, trong nhiều trường hợp, các cá nhân lợi dụng lý do sử dụng dao (vũ khí nguy hiểm) để phòng thân để trả lời khi bị cơ quan chức năng phát hiện có dao trong người, hoặc để dao ở cốp xe. Một câu hỏi được đặt ra, là để dao trong cốp xe đi đường phòng thân có bị xử phạt không?
Theo quy định tại điểm b Khoản 7 Điều 14 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Theo đó, vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu;
Như vậy, theo quy định đã phân tích ở trên, dao găm được xem là vật dụng, phương tiện có khả năng gây ra sát thương, được pháp luật quy định cấm mang theo nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác. Nếu để dao găm trong cốp xe nhằm mục đích phòng vệ, đối tượng vi phạm này có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Quy định về việc xử phạt hành chính khi người dân để dao trong cốp xe nhằm phòng thân là hoàn toàn phù hợp. Bởi lẽ, nếu không đưa ra biện pháp xử lý, sẽ có rất nhiều đối tượng lợi dụng lý do phòng thân để tàng trữ, mang những vật dụng nguy hiểm bên người. Những vật dụng này có khả năng gây ra sát thương nguy hiểm. Vậy nên, quy định mà Nhà nước đưa ra nhằm hạn chế đến mức tối đa những rủi ro có thể xảy ra xoay quanh vấn đề “vật phòng thân”. Đồng thời, thông qua quy định xử lý này, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ hơn trong việc phát hiện và thu thập chứng cứ trong các vụ việc phát sinh xảy ra. (Tức cá nhân không được tàng trữ dao làm vật phòng thân. Trong quá trình truy vết tội phạm, nếu phạm hiện đối tượng nào tàng trữ dao trong người, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ có thêm manh mối, cắn cứ để truy vết và tìm kiếm tội phạm. Tất nhiên nó còn phụ thuộc vào nghiệp vụ điều tra, và tính xác minh thực tế).
Ví dụ: Anh Phạm Văn K, 36 tuổi, thường trú tại Quảng Bình. Anh K làm việc tại một xí nghiệp gần nhà. Trong quá trình làm việc, anh K xảy ra mâu thuẫn, xung đột với anh H. Anh K luôn nghi ngờ và lo lắng việc anh H ghét mình, sẽ tìm cách gây sự, đánh mình. Do đó, anh K luôn để dao trong cốp xe để phòng thân. Ngày 7/8/2021, trên đường đi làm về, anh được cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Tại đây, cán bộ chức năng phát hiện ra dao anh K để trong cốp xe. Khi bị hỏi, anh K nói sử dụng dao để phòng vệ. Nhận thấy sự lúng túng trong cách trả lời của anh K cùng lý do trả lời là để phòng vệ, cán bộ chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính là 2 triệu đồng đối với anh K.
3. Trong trường hợp nào để dao trong cốp xe không bị phạt?
Điểm b Khoản 7 Điều 14 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Như vậy, đối với hành vi tàng trữ, cất giữ vũ khí thô sơ (bao gồm cả dao găm), đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Vậy trong trường hợp cá nhân để dao trong cốp xe mà không bị xử phạt?
Theo quy định của pháp luật, vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu. Như vậy, nếu dao mà cá nhân để trong cốp xe không phải dao găm, thì chủ thể đó sẽ không bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trong thực tiễn, dao là một vật dụng hết sức phổ biến, đa công dụng. Nó phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của con người. Nên đôi khi, các cá nhân để dao trong cốp xe chỉ với mục đích sử dụng thông thường. Lúc này, nếu bị cơ quan chức năng có thẩm quyền tra hỏi, người dân cần nêu rõ lý do mà mình sử dụng dao, để dao trong cốp nhằm mục đích gì. Lúc này, cơ quan chức năng có thẩm quyền bằng kỹ năng và nghiệp vụ điều tra của mình sẽ xác định xem lời đối tượng này nói là đúng hay sai. Từ đó đưa ra quyết định xử phạt hay không.
Ở đây, ta cần hiểu rằng, việc đưa ra quyết định xử phạt hay không đối với hành vi để dao trong cốp xe dựa vào sự linh hoạt trong việc kiểm tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tức cán bộ chức năng sẽ xem xét hoàn cảnh của sự việc, tính trung thực trong lời khai của các cá nhân để đưa ra quyết định xử lý sao cho phù hợp nhất.
Ví dụ: Chị Nguyễn Thị K là nhân viên của công ty TNHH Minh An. Ngày 7/9/2020, công ty của chị Nguyễn Thị K tổ chức cắm trại. Chị K chịu trách nhiệm đi mua đồ. Trên đường di chuyển đồ đến Công ty, chị bị cơ quan công an giữ lại. Qua quá trình điều tra, cán bộ chức năng phát hiện thấy có hai con dao gọt hoa quả ở trong cốp xe chị K. Chị K giải thích rằng dao phục vụ cho việc nấu nướng của các thành viên trong đội. Qua xem xét thực tế, xác minh, thấy thực tiễn cùng lời khai của chị K hợp lý, cán bộ chức năng đã để chị K đi.
Ở ví dụ này, việc để dao trong cốp xe là nhằm mục đích sử dụng thiết thực trong thực tế, không có dấu hiệu của hành vi phạm. Do đó, chị K không bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình