Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, thì đầu tư ra nước ngoài là một xu thế chung của các quốc gia trên thế giới nhằm mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhiều người thắc mắc rằng: Đầu tư ra nước ngoài là gì? Và quy định đầu tư ra nước ngoài được ghi nhận như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đầu tư ra nước ngoài được hiểu như thế nào?
Gắn liền với sự phát triển và đi lên của nền kinh tế thế giới, hoạt động đầu tư nói chung và hoạt động đầu tư ra nước ngoài nói riêng không ngừng được mở rộng và chiếm vị trí ngày càng quan trọng. Theo quan điểm của pháp luật Việt Nam hiện nay thì, đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế hoặc đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện các dự án đầu tư khác. Nhìn chung thì hoạt động đầu tư về bản chất là việc nhà đầu tư thêm vốn của mình để thực hiện các hoạt động kinh doanh nhằm thu về những kết quả nhiều hơn nguồn vốn đã bỏ ra. Các kết quả đạt được đó có thể là tài sản bằng tiền hoặc tài sản bằng vật chất, kết quả này ngoài việc làm tăng thêm doanh thu và lợi nhuận cho nhà đầu tư thì con đồng thời làm tăng thêm của cải vật chất và sự phát triển cho xã hội.
Hoạt động đầu tư kinh doanh hiện nay không còn bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ của một nước mà đã vươn ra nước ngoài. Vì thế, đầu tư ra nước ngoài được hiểu là quá trình dịch chuyển vốn và tài sản từ quốc gia này sang quốc gia khác để các nhà đầu tư tiến hành các hoạt động đầu tư nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận hoặc nhằm mục tiêu kinh tế xã hội khác. Đầu tư ra nước ngoài mang những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, chủ thể đầu tư ra nước ngoài là các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Nhà đầu tư Việt Nam đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, mở rộng và thâm nhập sâu vào thị trường thế giới. Từ đó làm tăng cao lợi nhuận và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của mình. Các nhà đầu tư tận dụng các ưu đãi của nước tiếp nhận đầu tư và lợi thế của mình để tính toán nên đầu tư vào nước nào và bằng hình thức nào để thu về lợi nhuận cao nhất.
Thứ hai, có sự chuyển dịch vốn và tài sản qua biên giới Việt Nam để chuyển sang các nước tiếp nhận đầu tư. Đầu tư ra nước ngoài được hiểu là, từ góc độ Việt Nam là nước xuất khẩu tư bản, đem vốn và tài sản để đầu tư sang quốc gia khác nhằm tìm kiếm mục đích lợi nhuận. Các loại vốn từ Việt Nam sang các nước tiếp nhận đầu tư có thể là vốn chứng khoán, vốn vay nội bộ, vốn từ tái đầu tư hoặc vốn tìm kiếm tài nguyên …
Thứ ba, hình thức đầu tư ra nước ngoài có thể thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp.
Thứ tư, mục đích đầu tư ra nước ngoài là để tìm kiếm lợi nhuận. Đầu tư ra nước ngoài đang hoạt động nhằm mở rộng thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt hơn cũng như đem sản phẩm của mình vào thị trường thế giới, từ đó làm tăng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. So với việc chỉ đầu tư trong nước, việc mở rộng thị trường ra đầu tư nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao hơn. Vì thế có thể nói tìm kiếm lợi nhuận luôn là mục đích hàng đầu và là mục tiêu cao nhất của hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra còn có các mục đích khác như mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, tận dụng nguồn nhân công và tài nguyên phục vụ sản xuất dồi dào …
2. Quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài:
2.1. Quy định về điều kiện đầu tư ra nước ngoài:
Theo quy định của pháp luật đầu tư hiện nay thì để được đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư phải tuân thủ các điều kiện sau:
– Có dự án đầu tư ra nước ngoài;
– Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam;
– Được cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư. Khi đó thì cần phải đáp ứng được các điều kiện để cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài bao gồm:
+ Hoạt động đầu tư ra nước ngoài, phù hợp với nguyên tắc quy định tại pháp luật đầu tư;
+ Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không được thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật;
+ Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc được tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài; trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên và không thuộc dự án theo quy định của pháp luật thì Bộ Kế hoạch và đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của ngân hàng nhà nước Việt Nam;
+ Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.
2.2. Quy định về thủ tục đầu tư ra nước ngoài:
Theo quy định tại Điều 54 của văn bản hợp nhất Luật Đầu tư năm 2022, Quốc Hội quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau:
– Dự án có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng Việt Nam trở lên;
– Dự án yêu cầu áp dụng cơ chế và chính sách đặc biệt cần được Quốc Hội quyết định;
– Dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng bảo hiểm chứng khoán báo chí phát thanh truyền hình viễn thông có vốn đầu tư nước ngoài từ 400 tỷ đồng Việt Nam trở lên.
Hồ sơ đề nghị xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bao gồm: văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài, bản sao thông tin cá nhân của các chủ thể, đề xuất dự án đầu tư (mục tiêu, quy mô, hình thức địa điểm…), bản sao một số tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư, quyết định đầu tư ra nước ngoài.
3. Các hình thức đầu tư ra nước ngoài:
Tiêu chí | Hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài | Hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài |
Chủ thể | – Tổ chức kinh tế được quy định theo pháp – Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo pháp luật về tổ chức tín dụng; – Hộ kinh doanh được quy định theo pháp luật và cá nhân mang quốc tịch Việt Nam; – Hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định tại pháp luật hợp tác xã; – Các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. | – Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật đầu tư không được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật; – Cá nhân có quốc tịch Việt Nam thuộc đối tượng được tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài. |
Hình thức | Đầu tư trực tiếp là hình thức nhà đầu tư đem vốn và tài sản của mình vào nước tiếp nhận đầu tư, từ đó hình thành các dự án đầu tư tại nước tiếp nhận và được thực hiện thông qua các hình thức cụ thể sau: – Theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; – Mua lại phần vốn điều lệ (một phần hoặc toàn bộ) của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để thực hiện và tham gia quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài; – Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài; – Đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các chế định tài chính trung gian khác ở nước ngoài hoặc mua, bán chứng khoán hoặc giấy tờ có giá; – Thực hiện các hoạt động sáp nhập hoặc mua lại các doanh nghiệp của nước sở tại … và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư. | Đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư ra nước ngoài mà các nhà đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu hoặc chứng khoán của các công ty thông qua thị trường tài chính tại nước tiếp nhận đầu tư. Từ đó thì nhà đầu tư thu lại lợi nhuận dưới hình thức cổ tức hoặc thu nhập chứng khoán mà không trực tiếp tham gia quản lý hoặc điều hành đối với đối tượng mà họ bỏ vốn ra để đầu tư. |
Tính chất của hoạt động | Thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thì nhà đầu tư có quyền quản lý, quyền kiểm soát, trực tiếp điều hành và tham gia đối với các dự án đầu tư của mình. Hoạt động sản xuất và kinh doanh của dự án đầu tư tại nước ngoài có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và lợi nhuận của nhà đầu tư trong nước. | Hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đơn thuần chỉ là hoạt động đầu tư vốn thông qua việc mua bán chứng khoán hoặc tài sản có giá trị khác của các công ty để thu lại phần lợi nhuận chênh lệch từ việc mua bán chứng khoán hoặc chia cổ tức nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý và điều hành đối với các hoạt động này của công ty. |
4. Vai trò của đầu tư ra nước ngoài:
Một là, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài có vai trò thiết lập khung pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Xã hội ngày càng phát triển cùng với nền kinh tế mở rộng và hội nhập với thế giới thì hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng diễn ra hết sức đa dạng và phong phú. Điều này đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật và khung pháp lý phù hợp để điều chỉnh giúp cho hoạt động đầu tư này diễn ra một cách quy củ nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.
Thứ hai, đầu tư ra nước ngoài giúp cho các nhà đầu tư sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn vốn đầu của mình. Đầu tư ra nước ngoài giúp cho các nhà đầu tư sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Mục đích đầu tiên của bất kỳ nhà đầu tư nào khi đi đầu tư cũng là tìm kiếm nguồn thu và tăng lợi nhuận cho chính mình. Với sự cạnh tranh nội địa ngày càng khốc liệt, việc trao đổi sản phẩm giữa các nước với nhau, gia nhập thị trường chung là yếu tố tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Các nhà đầu tư cần phải mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và hàng hóa, vì vậy chiến lược đầu tư nào đưa được sản phẩm của mình ra nước ngoài trước và chiếm lĩnh thị trường trước thì nhà đầu tư đó sẽ thành công.
Thứ ba, hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp cho các nước tiếp nhận đầu tư thực hiện được mục đích của việc thú đầu tư nước ngoài vào quốc gia của mình. Đầu tư ra nước ngoài giúp bổ sung nguồn vốn cho nền kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư. Tại một số quốc gia đang có nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên dồi dào tuy nhiên do thiếu trình độ và cơ sở vật chất nghèo nàn lạc hậu, không có nguồn vốn nên chưa được khai thác và phát huy các tiềm năng sẵn có ấy. Vì vậy mà các nhà đầu tư có vai trò là nguồn cung ứng vốn lớn và góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn đầu tư tại nước tiếp nhận.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất Luật Đầu tư năm 2022;
– Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.