Để hiểu rõ về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cần nắm được các yếu tố cấu thành của tội phạm đó, bao gồm: (1) Khách thể; (2) Chủ thể; (3) Mặt khách quan và (4) Mặt chủ quan
Việc nghiên cứu các dấu hiệu pháp lý (còn được gọi là CTTP) của một tội phạm là vô cùng quan trọng bởi nó là điều kiện chung, quan trọng nhất để định tội danh một cách chính xác, là cơ sở pháp lý cần và đủ để truy cứu TNHS người phạm tội, là căn cứ để Tòa án lựa chọn hình phạt phù hợp, đúng mức, đúng loại đối với người bị kết án và là yếu tố đảm bảo các quyền của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự.
Về mặt lý luận, có thể hiểu: CTTP là tổng hợp các dấu hiệu pháp lý (gồm cả dấu hiệu khách quan và dấu hiệu chủ quan) do PLHS quy định thể hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể là tội phạm. Hay nói cách khác, một CTTP cụ thể là tổng hợp các dấu hiệu khách quan và chủ quan bắt buộc, mà bằng các dấu hiệu đó nhà làm luật quy định tại quy phạm của phần các tội phạm BLHS tính chất tội phạm và tính chất bị xử phạt (hay còn gọi là tính chất bị xử lí về hình sự) của hành vi nguy hiểm cho xã hội tương ứng bị luật hình sự cẩm đồng thời chỉ ra loại hình phạt nào và trong giới hạn nào nó có thể được toà án áp dụng đối với người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm đó.
Để nắm rõ được CTTP của một tội phạm, cần nắm được các yếu tố cấu thành (hay chính là các dấu hiệu pháp lý) của tội phạm đó. Truyền thống khoa học pháp lý hình sự đã thừa nhận 04 yếu tố của CTTP đó là: (1) Khách thể; (2) Chủ thể; (3) Mặt khách quan và (4) Mặt chủ quan. Bất kỳ tội phạm nào cũng bao gồm đầy đủ đồng thời 04 yếu tố này, nếu thiếu đi một trong những yếu tố trên sẽ không đủ để cấu thành nên một tội phạm, từ đó cũng không đặt ra vấn đề về TNHS. Do đó để xác định một hành vi phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định trong BLHS sẽ được xem xét dựa trên những yếu tố cấu thành trên đây.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khách thể của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
- 2 2. Chủ thể của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
- 3 3. Mặt khách quan của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
- 4 3.2. Hậu quả của tội phạm và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả:
- 5 4. Mặt chủ quan của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
1. Khách thể của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Khách thể của tội phạm được hiểu là những quan hệ xã hội được PLHS bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại có tính chất tội phạm nhưng bị tội phạm xâm hại đến bằng cách gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể nhất định đối với quan hệ xã hội ấy.
Những quan hệ này được PLHS hiện hành ghi nhận tại khoản 1 Điều 8 của BLHS năm 2015, đó là:
...độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, không phải quan hệ xã hội nào cũng được luật hình sự bảo vệ, mà chỉ những quan hệ xã hội quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đến những lợi ích cơ bản của điều kiện kinh tế – chính trị – xã hội của đất nước, đến quyền và lợi ích hợp pháp của con người, của công dân mới được luật hình sự bảo vệ – và được coi là khách thể của tội phạm.
Nắm vững được bản chất khách thể của tội phạm có ý nghĩa quan trọng vì nó là một trong những yếu tố cơ sở để đặt ra vấn đề định tội danh và quyết định hình
phạt với một người. Ngoài ra, nghiên cứu về khách thể giúp thấy rõ bản chất, xu | hướng và tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, giúp phân biệt và nhận biết mức độ gây thiệt hại của hành vi (hoặc nhóm hành vi này) với những hành vi (hay nhóm hành vi) khác. Điều này lý giải tại sao một số tội phạm không do người có chức vụ thực hiện những vẫn được xếp vào nhóm Các tội phạm chức vụ như: Tội đưa hối lộ (Điều 364); Tội môi giới hối lộ (Điều 365); Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366). Đây là ý đồ của nhà lập pháp: quy định những tội phạm này trong nhóm Tội phạm về chức vụ không phải vì chủ thể mà vì “khách thể của tội phạm bởi những tội phạm này cũng xâm phạm đến những quan hệ xã hội giống như các tội phạm về chức vụ.
Căn cứ vào những dấu hiệu xã hội – pháp lý của các quan hệ xã hội được PLHS bảo vệ, khoa học luật hình sự Việt Nam phân chia thành ba loại khách thể gồm: khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. Trong đó khách thể loại là nhóm quan hệ có cùng tính chất được nhóm QPPL hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của nhóm các tội phạm cùng loại. Khách thể loại là cơ sở để giúp sắp xếp và hệ thống các quy phạm trong phần các tội phạm của BLHS thành từng chương. Ví dụ: Chương XXIII –Các tội phạm về chức vụ.
Đối với tội Thiếu TNHS gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 360 BLHS thuộc nhóm Các tội phạm về chức vụ, do đó cũng mang khách thể của nhóm tội phạm này. Theo đó, các tội phạm về chức vụ là các tội phạm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mà các cơ quan, tổ chức này bao gồm: CQNN (như: Quốc hội, Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp,...), tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức xã hội và các tổ chức kinh tế (ví dụ như: Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh Niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, ...); các cơ quan thuộc tổ chức xã hội (như Hội người mù, Hội chữ thập đỏ); các tổ chức kinh tế (như các doanh nghiệp) ... Một trong những yêu cầu đối với các hoạt động của những cơ quan, tổ chức trên là phải đảm bảo đúng pháp luật. Nhưng những hành vi do tội phạm có chức vụ thực hiện đã làm cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức này trái pháp luật, ngược lại với đòi hỏi của pháp luật, lợi ích của xã hội từ đó ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Được xếp vào nhóm tội phạm có chức vụ, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng gây nên những thiệt hại như thế. Do đó khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng chính là những hoạt động đúng đắn, bình thường và uy tín của cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức này là hoạt động theo đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các hoạt động đó có thể là: lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện; quản lý, tổ chức nhân sự; ... . Nhờ những hoạt động đúng đắn đó mà bảo đảm được quyền lợi cho những chủ thể liên quan; đảm bảo cho xã hội được vận hành một cách có trật tự, an toàn; không để quyền lợi của nhân dân và Nhà nước bị xâm hại.
Do đó hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, danh dự, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ: xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản của cơ quan, tổ chức; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất. Và đây hoàn toàn là những quan hệ xã hội mà PLHS bảo vệ không để tội phạm xâm hại.
Có thể đưa ra một ví dụ như sau: Trong vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại huyện KBang, tỉnh Gia Lai đầu năm 2021, Lê Hữu Đ có nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng thuộc lâm phần Công ty Lơ Ku quản lý nhưng lại không thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra rừng tại các tiểu khu do mình quản lý, khi làm việc chỉ kiểm tra theo đường mòn mà không đi sâu bên trong các tiểu khu nên không phát hiện việc khai thác gỗ trái phép; khi gặp lâm tặc khai thác gỗ trái phép thì không quyết liệt xử lý. Sự thiếu trách nhiệm của Lê Hữu Đ đã tạo điều kiện cho các nhóm lâm tặc khai thác gỗ trái phép, gây hậu quả thiệt hại về lâm sản là 127,438m gỗ tròn, thành tiền là 804.845.800 đồng, giá trị thiệt hại về môi trường là 3.139.741.200 đồng, tổng giá trị thiệt hại là 3.944.587.000 đồng. Hành vi của bị cáo không chỉ gây thiệt hại về tài sản, gây thiệt hại về môi tường, về an toàn trật tự trong công tác kiểm lâm mà còn ảnh hưởng đến công tác phòng hộ của địa phương cũng như an toàn của người dân nếu tình hình tội phạm như vậy tiếp tục tái diễn.
Một ví dụ khác như: Vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại TP Phan Thiết được xét xử ngày 21/2/2022: trong vụ án, các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Phan Thiết và Chi cục thuế Phan Thiết trong quá trình thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân đã thiếu trách nhiệm trong việc xác định thông tin khu vực, vị trí đối với các thửa đất xin chuyển mục đích sử dụng đất để chuyển cho Chi cục Thuế TP Phan Thiết xác định nghĩa vụ tài chính, dẫn đến hậu quả là xác định sai thông tin khu vực, vị trí đối với 46 thửa đất xin chuyển mục đích sử dụng đất, gây thiệt hại tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ phải nộp cho ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của CQNN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của đơn vị, gây thiệt hại đến nguồn thu của ngân sách nhà nước.
2. Chủ thể của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Tội phạm trước hết là một hành vi. Chính vì thế, tội phạm bao giờ cũng được thực hiện bởi chủ thể xác định. Không thể có hành vi xuất hiện ngoài thế giới khách quan mà không có chủ thể. Chủ thể của tội phạm được hiểu là người đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm, có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS theo luật định. Theo đó, ngoài dấu hiệu mặc nhiên được chấp nhận đó là chủ thể phải là người cụ thể đang sống thì hai dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất của chủ thể đó là: (i) độ tuổi và (ii) năng lực TNHS. Ngoài ra, đối với trường hợp chủ thể đặc biệt, thì ngoài hai dấu hiệu bắt buộc chung ở trên, thì còn những dấu hiệu riêng bổ sung (liên quan đến trách nhiệm, tính chất nghề nghiệp, chức vụ, tuổi tác, giới tính,...) của chủ thể đó để đảm bảo người thực hiện hành vi là chủ thể của tội phạm, nói cách khác, các dấu hiệu riêng bổ sung này mang tự cách là các dấu hiệu định tội bắt buộc của các CTTP tương ứng.
Đối với Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trước tiên chủ thể của tội phạm này phải thỏa mãn hai điều kiện cơ bản, bắt buộc đó là: đủ tuổi theo quy định của PLHS và có năng lực TNHS theo quy định tại Điều 12, Điều 13 BLHS.
Điều 12 BLHS quy định:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. 2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi,
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 BLHS có mức cao nhất của khung hình phạt được quy định tại khoản 1 là 05 năm tù, tại khoản 2 là 07 năm tù, tại khoản 3 là 12 năm tù. Căn cứ theo khoản 1 Điều 9 BLHS quy định về phân loại tội phạm thì:
....b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 13 năm tù đến 07 năm tù; c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;...
Do đó Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 360 là tội phạm nghiêm trọng; quy định tại khoản 3 Điều 360 là tội phạm rất nghiêm trọng. Đối chiếu với quy định tại Điều 12 thấy rằng những chủ thể phải từ đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều kiện thứ hai của chủ thể đó là có năng lực TNHS. Năng lực TNHS là năng lực có thể phải chịu TNHS của một người nếu thực hiện hành vi phạm tội. Luật hình sự Việt Nam không trực tiếp quy định như thế nào là có năng lực TNHS mà chỉ quy định gián tiếp thông qua việc quy định trường hợp không có năng lực TNHS tại Điều 21 BLHS như sau:
Điều 21. Tình trạng không có năng lực TNHS Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu TNHS.
Với quy định này, luật hình sự Việt Nam mặc nhiên thừa nhận người nào không rơi vào trường hợp quy định tại Điều 21 BLHS là người có năng lực TNHS. Theo đó, năng lực TNHS được đánh giá dựa trên khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của chủ thể. Một người có thể là chủ thể của tội phạm khi người đó phải có khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi của mình và khả năng điều khiển hành vi đó (khả năng lựa chọn cách ứng xử trong những trường hợp cụ thể, theo những yêu cầu chung của xã hội. Năng lực nhận thức có ở mỗi con người từ khi mới sinh ra. Nó phát triển và hoàn thiện theo sự phát triển của cấu tạo sinh học cơ thể con người qua quá trình lao động và giáo dục trong xã hội. Đến một thời điểm nhất định trong đời sống của con người thì năng lực này mới được xem là tương đối đầy đủ. Nói cách khác, đến một độ tuổi nhất định thì một người mới có đầy đủ năng lực TNHS. Do đó dấu hiệu tuổi chịu TNHS và năng lực TNHS luôn gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với nhau và luôn được xem xét đồng thời mỗi khi cần đánh giá về chủ thể của tội phạm. Một cá nhân phải đủ tuổi chịu TNHS theo luật định và có năng lực TNHS mới có thể là chủ thể của tội phạm.
Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhìn theo khía cạnh pháp lý hình sự thì điều kiện cần để trở thành chủ thể của tội phạm là phải từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực TNHS. Bên cạnh đó, nhìn theo khía cạnh pháp luật hành chính thì một người phải đủ tuổi luật định và có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi mới có điều kiện để thực hiện hành vi này bởi người này phải là người “có chức vụ” – đây chính là điều kiện thứ ba bắt buộc cần có đối với chủ thể thực hiện hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nói cách khác, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là loại tội có chủ thể đặc biệt.
Chủ thể của tội này không phải bất kỳ một cá nhân nào trong xã hội mà phải là “người có chức vụ”. BLHS 2015 định nghĩa về người có chức vụ được tại khoản 2 Điều 352 là: “... người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vu.”
Theo khái niệm này, có rất nhiều căn cứ khác nhau để xác định một người có chức vụ như do được bổ nhiệm, do dân cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác … Hình thức khác ở đây có thể hiểu là bất cứ hình thức nào mà gắn những quyền năng nhất định của chủ thể với chức vụ mà họ có. Ngoài ra, phạm vi hoạt động của chủ thể này là trong khi thực hiện “công vụ, nhiệm vụ”. Theo đó có hai khái niệm cần phải tìm hiểu:
– Thứ nhất, công vụ” có thể hiểu một cách đơn giản nhất là một loại hoạt động mang tính quyền lực – pháp lý được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước hoặc những người khác khi được nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Công vụ là phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân, gắn với quyền lực nhà nước. Do đó công vụ luôn gắn với công quyền.
– Thứ hai, “nhiệm vụ” đặt trong điều luật này được hiểu là những hoạt động không gắn với công quyền nhưng vẫn được thực hiện để phục vụ lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng. Và những hoạt động này chính là những hoạt động ở trong “khu vực tư” – tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà trước nay mới chỉ được điều chỉnh ở các văn bản QPPL khác như dân sự, thương mại, tài chính, ... mà chưa được quy định trong PLHS. Như vậy những hành vi phạm tội được thực hiện không chỉ trong khi thi hành công vụ mà cả khi thực hiện những hoạt động ngoài công vụ cũng có thể bị coi là phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là điểm mới của BLHS 2015 so với quy định về người có chức vụ tại Điều 277 BLHS 1999.
Bên cạnh đó, để cụ thể hóa những trường hợp người nào được coi là “người có chức vụ, tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 03/2000/NQ–HĐTP ngày 30/12/2020 của HĐTP TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ đã quy định rõ: “Người có chức vụ quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS là những người quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
2. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Có thể thấy ở Luật phòng chống tham nhũng ban hành năm 2008 đã xác định “người có chức vụ” không chỉ là người “thực hiện công vụ” – người có chức vụ, quyền hạn trong các CQNN, tổ chức xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước như cán bộ, công chức, sĩ quan ... mà cả những đối tượng khác như: người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức (ngoài nhà nước) hoặc người khác được giao thực hiện nhiệm vụ cũng được coi là người có chức vụ.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 03/2000/NQ–HĐTP cũng đã giải thích rõ:
5. “Do một hình thức khác” quy định tại khoản 2 Điều của 352 BLHS là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó. Ví dụ: Người được CQNN có thẩm quyền cử tham gia trực tại chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid–19.
Trước đây vì chưa quy định cụ thể về cách xác định người có chức vụ như vậy mà nhiều vấn đề vướng mắc trong thực tiễn vẫn còn bỏ ngỏ như: những người được giao những nhiệm vụ như quản lý bệnh viện tư, hiệu trưởng trường học tư, công chứng viên của các phòng công chứng tư nhân... có được xem là người có chức vụ hay không? Hay trường hợp cầu thủ bóng đá của đội tuyển quốc gia nhận tiền để cố tình đá thắng hoặc thua đội bạn thì phạm tội nhận hối lộ hay là tội đánh bạc? Chính sự thay đổi tiến bộ này không chỉ đóng góp về mặt lý luận giúp dễ dàng nắm bắt được nội hàm của một khái niệm pháp lý mà còn góp phần nghiên cứu, xem xét và giải quyết các vấn đề liên quan trong thực tiễn một cách hiệu quả hơn, ít nhiều khắc phục được “hỗ hổng” trong việc xử lý hành vi vi phạm trong thực tiễn.
Đối với trường hợp chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã có rất nhiều vụ án xảy ra trên thực tiễn. Ví dụ như: Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại công trường xây dựng Sở Tài chính Nghệ An vào ngày 2/1/2021. Theo đó, ông Lê Tiến L – Giám đốc Công ty Cổ phần thi công cơ giới và xây lắp 171 đã bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì là người có quyền hạn, trách nhiệm trong việc kiểm định vận thăng, tuyển dụng nhân sự nhưng đã thiếu trách nhiệm trong công việc dẫn đến hậu quả vận thăng lồng bị rơi tự do từ tầng 5 xuống mặt đất gây thiệt hại đến tính mạng của con người.
Trường hợp chủ thể của tội phạm không phải là người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực thi công vụ mà là người được giao thực hiện nhiệm vụ có thể minh họa bằng ví dụ sau: Vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được TAND thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai xét xử ngày 19/3/2019. Theo đó Vũ Văn M là công nhân gác đường ngang, thuộc Công ty cổ phần đường sắt S được phân công nhiệm vụ là đóng, mở chắn đường ngang kịp thời, bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên trong ca trực ngày 16/9/2018, Vũ Văn M đã thiếu trách nhiệm trong việc trực gác, không đóng chặn đường ngang dẫn đến hậu quả người dân băng qua đường ray bị tàu đụng đã tử vong tại chỗ. Rõ ràng Vũ Văn M không phải người “có chức, có quyền” nhưng vẫn bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bởi M đã được phân công thực hiện nhiệm vụ cụ thể, là người có quyền hạn nhất định trong phạm vi công việc được giao nên vẫn trở thành chủ thể của tội phạm.
3. Mặt khách quan của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Mặt khách quan của tội phạm có thể được hiểu là: sự tổng hợp các dấu hiệu do luật hình sự quy định và các tình tiết phản ánh hành vi bên ngoài của sự xâm hại cụ thể gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng PLHS. Mặt khách quan của tội phạm bao gồm: (1) Hành vi khách quan – Hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động; (2) Hậu quả – Hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi khách quan gây ra; (3) Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; (4) Các dấu hiệu khác không có tính chất bắt buộc như: thủ đoạn phạm tội, phương tiện phạm tội, thời gian, địa điểm phạm tội, ... . Việc xác định đúng các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm giúp phân biệt được từng tội phạm cụ thể, từ đó giúp định tội danh đúng, đánh giá được mức độ nguy hiểm của hành vi và thiệt hại trên thực tế giúp quyết định hình phạt phù hợp; đồng thời là căn cứ quan trọng để phân hóa TNHS trong trường hợp có đồng phạm. Để tìm hiểu rõ hơn về mặt khách quan của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tác giả đi sâu phân tích từng yếu tố cụ thể.
3.1. Hành vi khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định rõ ràng tại khoản 1 Điều 360 BLHS đó là “vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này”. Ở đây có thể thấy rằng, hành vi khách quan của tội này sẽ mang 3 đặc điểm sau: (i) Là hành vi vì thiếu trách nhiệm; (ii) hình thức của hành vi là: không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao; (iii) thuộc trường hợp luật hình sự quy định.
Đối với đặc điểm thứ nhất là tính “thiếu trách nhiệm” của hành vi. Khái niệm thiếu trách nhiệm đã được tác giả giải thích tại Chương I của luận văn. Khi xem xét đây là dấu hiệu bắt buộc mang tính định tội đối với hành vi thì phải xác định rõ: Nếu trường hợp người có chức vụ đã làm hết trách nhiệm mà hậu quả vẫn xảy ra thì không phải là hành vi thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng dù hậu quả xảy ra là rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
Ví dụ: ông A là Hiệu trưởng trường tiểu học xã T giao cho bà B là Phó hiệu trường đại diện trường học ký hợp đồng với Công ty xây dựng M để sửa chữa trường học. Trong quá trình thi công, ông A đã thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hợp đồng và yêu cầu bà B bám sát, báo cáo cụ thể tiến độ, tình hình thực hiện hợp đồng. Quá trình đang thực hiện sửa chữa thì ông A bị bệnh phải vào bệnh viện điều trị. Trong thời gian nằm viện, ông A yêu cầu bà B thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng cho mình nhưng bà B đã móc ngoặc với công ty M nâng khống một số hạng mục công trình rút tiền ăn chia. Sau khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng được sáu tháng thì bị sập một góc làm chết 2 người và bị thương 4 người với tỷ lệ thương tật mỗi người là đều trên 40%. Với vai trò là người đứng đầu, ông A đã làm hết trách nhiệm của mình, nên không thể coi việc làm của ông A là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đặc điểm thứ hai chính là các dạng biểu hiện của hành vi phạm tội – hay còn được coi là cách mà nhà làm luận cụ thể hóa tính “thiếu trách nhiệm” dưới hai hình thức đó là: không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao. Cụ thể:
– Thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện đúng nghĩa vụ, quyền hạn của mình thể hiện: thực hiện không đầy đủ, không kịp thời hoặc sai nội dung nhiệm vụ được giao do đó không đáp ứng được yêu cầu công tác. Ví dụ như: Cán bộ ngành thủy lợi được giao thời hạn 30 ngày để hoàn thành đoạn để chống lũ, nhưng đã làm chậm trễ để quá thời hạn nói trên vẫn chưa hoàn thành, khi lũ lụt xảy ra đã gây hậu quả nghiêm trọng. Hay: Người phụ trách theo dõi quản lí đèn báo hiệu ở trên sông không lắp đủ đèn hiệu theo quy định dẫn đến phương tiện giao thông thủy bị nhầm lẫn tín hiệu đã gây ra tai nạn do không phân biệt được luồng lạch.
– Không thực hiện nhiệm vụ được giao là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không làm những việc theo đúng quy định của pháp luật hoặc không theo sự phân công, giao phó của cấp trên mà đáng lẽ họ phải thực hiện. Nhiệm vụ được giao có thể là nhiệm vụ thường xuyên theo chức danh nghề nghiệp hoặc nhiệm vụ đã được quy định trong các văn bản như văn bản pháp luật, quy chế, quy định, chế độ công tác của cơ quan ...; hoặc có thể đó là một nhiệm vụ cụ thể được người có thẩm quyền có thẩm quyền giao cho. Ví dụ như: người có trách nhiệm nhận được tin lũ khẩn cấp tại địa phương đã không thông báo kịp thời cho nhân dân dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; hay Cán bộ ngành giao thông đã không đặt biển báo ở nơi có giao lộ, trong khi đã có chỉ đạo, phân công cán bộ đó phải tiến hành đặt biển báo ở nơi đó.
Ngoài ra để đáp ứng được nhu cầu phòng chống tội phạm trong tình hình mới, ngày 30/3/2020 HĐTP TAND tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid–19. Theo đó, hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố CTTP trong phòng, chống dịch bệnh, trong đó có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 1.10, mục 1 như sau: “Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid–19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 BLHS.”. Có thể thấy quy định này cũng đã khái quát hai dạng hành vi của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tương ứng theo quy định tại Điều 360 đó là: hành vi không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Trên thực tế, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thường được biểu hiện là: vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý nhà nước, quản lý con người, quản lý tài chính, … Khi xem xét về hành vi của người có chức vụ, cần đảm bảo rằng người này chỉ phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ có khả năng thực tế hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tức cần xem xét những điều kiện khách quan (như: thời gian hoàn thành công việc, cơ sở vật chất, trang bị kĩ thuật, nhân lực, phương tiện ...) và những điều kiện chủ quan (như: trình độ, năng lực, kinh nghiệm, ...) của người có chức vụ trong khi thực hiện nhiệm vụ đó.
Đặc điểm thứ ba thuộc hành vi khách quan của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là phải thuộc các trường hợp luật định. Tức không phải hành vị nào thõa mãn hai đặc điểm “thiếu trách nhiệm” mà “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” đều phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, mà hành vi đó phải thuộc những trường hợp được luật hình sự ghi nhận. Những trường hợp đó là:
– Thứ nhất, hành vi đó không thuộc các trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của BLHS, đó là các trường hợp của Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179), Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 308) và Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn (Điều 376). Điểm dễ nhận biết nhất để phân biệt hành vi thiếu trách nhiệm nào thuộc trường hợp quy định tại Điều 360 và hành vi nào thuộc các trường hợp quy định tại Điều 179, 308, 376 đó là: tính thiếu trách nhiệm là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp gây nên hậu quả đó. Nếu người có chức vụ vì sự thiếu trách nhiệm của mình mà gián tiếp gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 BLHS. Ngược lại, nếu người trực tiếp quản lý tài sản của Nhà nước mà thiếu trách nhiệm làm mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước | thì bị truy cứu TNHS về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước theo Điều 179 BLHS; người được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng gây thiệt hại về tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị truy cứu TNHS về tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 308 BLHS; người trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu TNHS về tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn theo Điều 376. Tức đối với 3 tội này thì tính thiếu trách nhiệm của chủ thể là nguyên nhân trực tiếp gây nên hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
– Thứ hai, hành vi đó phải gây nên những thiệt hại mà luật quy định. Nếu mức độ gây thiệt hại nhỏ hơn hoặc khác với thiệt hại được quy định tại Điều 360 thì sẽ không cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc điểm này sẽ được phân tích tại phần hậu quả của tội phạm.
3.2. Hậu quả của tội phạm và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả:
Hậu quả của tội phạm được hiểu là sự thiệt hại cụ thể nhất định và đáng kể do hành vi phạm tội gây ra cho các khách thể được bảo vệ. Ngoài hành vi khách quan thi hậu quả phạm tội là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc giải quyết vấn đề TNHS được đúng và chính xác. Đặc biệt với những tội phạm có cấu thành vật chất thì hậu quả của tội phạm được xem là dấu hiệu bắt buộc mang tính định tội cần phải được xem xét đến.
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là tội có CTTP vật chất, tức phải có hậu quả xảy ra thì mới cấu thành tội này. Nói cách khác hậu quả chính là một trong những dấu hiệu bắt buộc, có ý nghĩa định tội đối với tội phạm này. Hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người và những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức. Và hậu quả này phải là những thiệt hại ở mức độ nhất định mà luật quy định.
Nếu như quy định tại Điều 285 về tội này trong BLHS 1999 lại chỉ quy định chung chung là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thì tại Điều 360 BLHS 2015 đã lượng hoá khá chi tiết, cụ thể về hậu quả, thay thế cho các tình tiết định tính như trong BLHS 1999 bằng các tình tiết định tội. Cụ thể:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.
Do đó nếu một hành vi mặc dù thiếu trách nhiệm nhưng không gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, không gây tổn hại sức khỏe có tỷ lệ tổn hại cho sức khỏe cho 01 người hoặc tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể cho 02 người trở lên dưới 61%; không gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng thì không cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đồng thời, hậu quả này phải do hành vi thiếu trách nhiệm của người có chức vụ gây nên, tức giữa hành vi khách quan của chủ thể thực hiện tội phạm và thiệt hại nguy hiểm cho xã hội phải có mối quan hệ nhân quả với nhau. Hành vi khách quan xảy ra trước là nguyên nhân gây nên hậu quả đó (mà cụ thể là nguyên nhân gián tiếp như đã phân tích ở trên), và hậu quả (thiệt hại xảy ra sau) này chính do hành vi khách quan gây nên. Đây là mối quan hệ biện chứng, ràng buộc, không thể tách rời. Nếu đồng thời có hành vi thiếu trách nhiệm và thiệt hại xảy ra nhưng hành vi đó lại gây thiệt hại khác hoặc thiệt hại đó do một hành vi khác gây nên thì giữa chúng không có mối quan hệ nhân quả và đương nhiên cũng không CTTP.
Có thể minh họa mặt khách quan của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bằng ví dụ như sau: Vẫn là vụ án rơi vận thăng tại công trường xây dựng Sở Tài chính Nghệ An đã đề cập ở trên. Liên quan đến vụ án này có những bị can bị xét xử là Lê Tiến L – Chức vụ: Giám đốc Công ty Cổ phần thi công cơ giới và xây lắp 171, Nguyễn Lê K – Chức vụ: Giám đốc Công ty TNHH MTV kiểm định kỹ thuật an toàn Miền Nam và Nguyễn Quỳnh N – Cộng tác viên Công ty TNHH MTV kiểm định an toàn kỹ thuật Miền Nam.
Theo đó, vận thăng lồng này do Công ty 171 thuê của Công ty TNHH tư vấn đầu tư và xây dựng Phúc Việt. Nguyễn Quỳnh N được công ty Phúc Việt thuê kiểm định vận thăng trước khi lắp đặt cho đơn vị thi công. Nguyễn Quỳnh N kiểm định và kết luận các nội dung kiểm định đều đạt yêu cầu, đóng dấu kiểm định viên vào biên bản, gửi Nguyễn Lê K. Sau đó, N cấp và dán tem kiểm định vào vận thăng lồng. Sau khi nhận được giấy chứng nhận kiểm định đạt yêu cầu do K gửi, vận thăng nói trên được tư vấn giám sát, chỉ huy trưởng công trường, tư vấn quản lý dự án lập biên bản nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Khi công trình mới đi vào triển khai xây dựng vận thăng được lắp đặt có chiều cao theo giấy chứng nhận kết quả kiểm định là 15m. Khoảng 2 tháng sau, vận thăng được lắp đặt, nâng chiều cao lên tầng 9 công trình (tương đương 34,74m). Mặc dù không có chứng chỉ kiểm định viên nhưng Nguyễn Quỳnh N vẫn thực hiện kiểm định và kết luận các nội dung kiểm định đủ điều kiện để đưa vận thăng lồng vào hoạt động. Việc không phát hiện những dấu hiệu bất thường của thiết bị này dẫn tới khi đưa vào sử dụng xảy ra sự cố vô cùng nghiêm trọng. Đầu giờ chiều ngày 02/01/2021, khi vận thăng lồng đang vận chuyển 11 người và một số vật liệu xây dựng đi lên đến tầng 5 thì bất ngờ rơi tự do xuống đất khiến 3 người chết, 8 người trọng thương.
Quá trình điều tra, ngành chức năng phát hiện Nguyễn Quỳnh N không được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật, không phải là kiểm định viện. Công ty TNHH MTV kiểm định kỹ thuật an toàn Miền Nam không có thẩm quyền kiểm định đối với loại vận thăng lồng trong xây dựng. Do không có chuyên môn nên Nguyễn Quỳnh N không phát hiện được một số dấu hiệu bất thường có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của thiết bị trong quá trình vận hành. Đặc biệt, người này không phát hiện được cụm phanh chống rơi của vận thăng này đã hết hạn sử dụng trên 12 năm theo quy định của nhà sản xuất nên không có tác động hãm ca bin lại. Do đó ca bin vận thăng đã tụt thẳng xuống với vận tốc lớn và va chạm với đế vận thăng ở mặt đất gây hậu quả thảm khốc nói trên.
» Từ vụ án này thấy rằng hậu quả của vụ án là khiến 3 người lao động từ vong và 8 lao động khác bị thương tích từ 76–95% (tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích của các lao động là 587%).
Về hành vi: bị cáo Lê Tiến L đã thiếu trách nhiệm trong quá trình kiểm định vận thăng, nên không phát hiện được Công ty kiểm định Miền Nam không có thẩm quyền kiểm định vận thăng sử dụng trong xây dựng và Nguyễn Quỳnh N không phải là kiểm định viên, dẫn tới việc không phát hiện được vận thăng không đảm bảo an toàn đã đưa vào sử dụng dẫn đến xảy ra tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ? tức hành vi thiếu trách nhiệm này của L là nguyên nhân gián tiếp gây nên hậu quả nên bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với Nguyễn Quỳnh N: dù không có chuyên môn nhưng vẫn kết luận các nội dung kiểm định vận thăng đạt yêu cầu để đưa vào sử dụng. Còn Nguyễn Lê K không có thẩm quyền kiểm định đối với loại vận thăng lồng trong xây dựng những vẫn ký giấy chứng nhận kiểm định » Hành vi của hai người này không phải do thiếu trách nhiệm mà đã vi phạm những quy định của pháp luật liên quan đến công việc được giao, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả trên thực tiễn nên bị xét xử về tội vi phạm quy định về an toàn lao động.
* Đối với những dấu hiệu khác thuộc mặt khách quan của tội phạm như: công cụ, phương tiện, thời gian, địa điểm phạm tội, ... . Đều là những dấu hiệu không bắt buộc đối với tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa với tính chất của loại tội này thường không có công cụ, phương tiện cụ thể; còn thời gian phạm tội có thể thực hiện trong khoảng thời gian dài, không cố định; địa điểm phạm tội phụ thuộc vào phạm vi thực hiện chức trách, nhiệm vụ của chủ thể nên cũng không có quy định cụ thể. Do đó đối với những dấu hiệu này không phải dấu hiệu định tội mà có thể là những yếu tố để xem xét quyết định hình phạt.
4. Mặt chủ quan của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Mặt chủ quan của tội phạm có thể được hiểu là các đặc điểm tâm lý bên trong của cách xử sự có tính chất phạm tội xâm hại đến những khách thể được luật hình sự bảo vệ. Mặt chủ quan của tội phạm gồm các yếu tố là: (1) Lỗi, (2) Động cơ phạm tội, và (3) mục đích phạm tội. Mỗi yếu tố đều có ý nghĩa pháp lý riêng trong việc xác định một hành vi được coi là tội phạm.
Yếu tố quan trọng nhất trong mặt chủ quan của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là yếu tố “Lỗi”. Có thể hiểu: Lỗi là thái độ tâm lý của chủ thể có năng lực TNHS, thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm và hậu quả do hành vi đó gây ra trong khi họ có đủ điền kiện để lựa chọn, thực hiện hành vi khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc tâm lý các yếu tố lý trí và ý chí của con người, khoa học luật hình sự đã chia lỗi thành hai loại: lỗi cố ý và lỗi vô ý. Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý.
Trong luật hình sự hiện hành không quy định về thuật ngữ “lỗi” nhưng cũng quy định về trường hợp vô ý phạm tội như sau:
Điều 11. Vô ý phạm tội Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. 2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Đối với lỗi vô ý cần xem xét về hai yếu tố lý trí và yếu tố ý chí mới có thể tiếp cận và nắm được rõ nhất khái niệm của lỗi vô ý. Cụ thể:
Yếu tố lý trí: là khi chủ thể không nhận thức được hoặc nhận thức không đầy đủ đặc điểm thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi khi quyết định thực hiện hành vi, họ không thấy được khả năng xảy ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Yếu tố ý chí: chủ thể có điều kiện lựa chọn, thực hiện hành vi phù hợp với quy định của PLHS, nhưng chủ thể đã tự mình tước bỏ điều kiện này và lựa chọn, thực hiện một hành vi khác – hành vi trái PLHS.
Luật quy định tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được thực hiện với lỗi vô ý là hợp lý bởi nếu thực hiện với lỗi cố ý tức chủ thể thực hiện hành vi đã biết hành vi của mình là nguy hiểm, sẽ gây thiệt hại những vẫn thực hiện nhằm mong muốn thiệt hại đó xảy ra hoặc có ý thức để mặc cho thiệt hại đó xảy ra. Hành vi ấy không còn bản chất của tính “thiếu trách nhiệm” – lơ là trong công việc nữa mà là hành động có chủ đích gây thiệt hại, khi đó chủ thể phải bị xử lý đối với hành vi trực tiếp gây thiệt hại đó chứ không phải xử lý vì hành vi thiếu trách nhiệm. Do đó đối với tội này sẽ cần thỏa mãn những điều kiện sau:
Một là, chủ thể không nhận thức được đầy đủ các đặc điểm thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Tức chủ thể đó không nhận thức được sự thiếu trách nhiệm của mình sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Hai là, chủ thể phải có sự tin tưởng quá mức cần thiết hoặc sự cẩu thả, thiếu thận trọng trong việc đánh giá hành vi. Tức chủ thể khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng công việc được giao nhưng bản thân họ vẫn tin rằng sẽ không xảy ra thiệt hại, hoặc nếu có vấn đề gì phát sinh (thiệt hại) thì họ hoàn toàn có thể xử lý được. Thiệt hại xảy ra trên thực tế hoàn toàn nằm ngoài ý chí của họ.
Tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế xảy ra và tùy thuộc vào chức vụ, quyền hạn của của chủ thể mà chủ thể đó sẽ phạm tội với trường hợp vô ý nào, vô ý vì sự chủ quan, quá tự tin của mình – chủ thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi nhưng đã loại trừ khả năng đó, cho rằng khả năng đó không xảy ra hoặc sẽ ngăn ngừa được; hay vô ý do cẩu thả – từ chối việc nhận thức được sự nguy hiểm của hành vi trong khi tự bản thân họ hoàn toàn có thể thấy trước được hậu quả. Tuy nhiên, tương tự như đã nói ở trên, để xác định người có chức vụ, quyền hạn có thiếu trách nhiệm (có lỗi) trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao hay không cần chú ý đến khả năng thực tế để thực hiện nhiệm vụ đó hay không. Nếu thực tế người được giao nhiệm vụ không thể thực hiện được nhiệm vụ được giao thì họ không có lỗi và không phạm tội.
Các dấu hiệu khác trong mặt chủ quan của tội phạm như: động cơ, mục đích phạm tội không phải yếu tố bắt buộc đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu chủ thể thực hiện hành vi có động cơ, mục đích thì chỉ là động cơ, mục đích của xử sự chứ không phải động cơ, mục đích phạm tội vì người phạm tội với lỗi vô ý hoàn toàn không mong muốn hậu quả xảy ra. Ví dụ: Anh A là cán bộ văn phòng đăng ký đất đai, có trách nhiệm xác minh các tài liệu của người dân để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên để tiết kiệm thời gian và nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cho người dân nên anh A đã không xác minh kỹ những thông tin, tài liệu đối với những thửa đất mà người dân cung cấp dẫn đến các định sai những thông tin cần thiết phục vụ việc xác định nghĩa vụ tài chính gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 200.000.000 đồng. Trong trường hợp này, anh A không có mục đích, động cơ gây thiệt hại tài sản cho nhà nước mà chỉ muốn thực hiện thủ tục nhanh chóng cho người dân mà không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ mình được giao nên vô tình dẫn đến thiệt hại trên thực tế.