Nhà Bè được biết đến là một huyện ngoại thành thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này tập trung phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của TP.HCM. Bài viết dưới đây cung cấp: Danh sách các xã, phường thuộc huyện Nhà Bè (TPHCM).
Mục lục bài viết
1. Danh sách các xã, phường thuộc huyện Nhà Bè (TPHCM)
STT | Đơn vị hành chính cấp xã |
1 | Thị trấn Nhà Bè |
2 | Xã Hiệp Phước |
3 | Xã Long Thới |
4 | Xã Nhơn Đức |
5 | Xã Phú Xuân |
6 | Xã Phước Kiển |
7 | Xã Phước Lộc |
2. Điều kiện tự nhiên huyện Nhà Bè:
Huyện Nhà Bè nằm ở phía Đông Nam của Thành phố Hồ Chí Minh, sở hữu hệ thống sông ngòi thuận lợi cho giao thông đường thủy. Huyện Nhà Bè nằm án ngữ trên đoạn đường thủy huyết mạch từ Biển Đông vào Sài Gòn, tiếp giáp với rừng Sác, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 12km.
Hệ thống sông ngòi chằng chịt thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy, có điều kiện xây dựng các cảng nước sâu đủ sức tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn cập cảng. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào, Nhà Bè đóng một vai trò quan trọng về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà Bè còn được xem là một vị trí có ý nghĩa đặc biệt về mặt chiến lược.
Do ở gần cửa sông, tiếp giáp với biển nên nguồn nước ngọt dành cho sinh hoạt và sản xuất của huyện rất khan hiếm, vào mùa khô thường xuyên thiếu nước. Ngoài ra, những năm gần đây hiện tượng sạt lở đất đai xảy ra thường xuyên ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
3. Kinh tế huyện Nhà Bè:
Mặc dù được xác định phát triển theo hướng Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại – Dịch vụ và Nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm đầu thế kỷ 21 nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Nông nghiệp
Những năm qua, mặc dù đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do nhường đất cho việc xây dựng khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, đất xây dựng đô thị,… nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp vẫn rất cao. Huyện đã chuyển đổi mô hình trồng lúa một vụ năng suất kém sang mô hình sản xuất tổng hựp. Trong đó, thành công nổi bậc nhất mô hình nuôi tôm sú. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2005, giá trị sản xuất nông nghiệp Nhà Bè mỗi năm tăng 36,16% .
Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp
Từ năm 1975 đến năm 1985 tổng giá trị sản lượng của ngành Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp không ngừng tăng lên (mức tăng bình quân hàng năm từ 10 đến 30%). Từ năm 1986 đến 1988, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân hàng năm là 21%. Từ năm 1989 đến 1994, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp giao động từ 10 đến 17%.
Năm 1997, sau chia tách, Nhà Bè còn lại một phần thị trấn và 6 xã nông thôn, ngành Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp rất kém phát triển. Từ năm 2000 đến 2005, lĩnh vực này có bước phát triển trở lại, góp phần đưa nền kinh tế huyện chuyển dịch theo hướng Công nghiệp -Ttiểu thủ công nghiệp, Dịch vụ – thương mại và Nnông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn do huyện quản lý (2001 – 2005), bình quân hàng năm tăng 36,06%. Giá trị sản xuất công nghiệp trong 5 năm đạt 202.930 triệu đồng, bình quân mỗi năm tăng 36,16%. Riêng trong tháng 8-2008, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp đạt 7,655 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến nay thực hiện được 58,704 tỷ đồng, đạt 58,12% so với kế hoạch năm và tăng 5,88% so với cùng kỳ năm 2007.
Thương mại – Dịch vụ
Từ 1975 -1985, Huyện đã xây dựng được một hệ thống thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã đến nông thôn, đảm bảo lưu thông phân phối và phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân. Từ năm 1986 đến 1997, Thương mại – Dịch vụ của Huyện gia tăng rất nhanh theo chuyển biến của cơ cấu thị trường. Sau năm 1997, mặc dù ở lĩnh vực này gặp nghiều khó khăn nhưng sau vài năm ổn định và phát triển, đến nay có sự chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2001 – 2005, tổng mức thu hàng hóa và dịch vụ làm ra đạt 3.633.624 triệu đồng, bình quân mỗi năm tăng 37,97%. Trong tháng 8/2008, tổng doanh thu ngành Thương mại – Dịch vụ ước đạt 210,562 tỷ đồng, tính từ đầu năm đến nay thực hiện được 1.742 tỷ đồng, đạt 72,31% kế hoạch và tăng 46,19% so với cùng kỳ năm 2007.
4. Tình hình an sinh – xã hội huyện Nhà Bè:
Xã hội
Tại thời điểm tháng 4/1997, dân số Nhà Bè là khoảng 63.000 người. Năm 1999, số liệu điều tra thống nhất, dân số Nhà Bè là 63.450 người, trong đó có 32.015 là nữ. Năm 2002, dân số huyện tăng lên 67.688 người, trong đó nữ chiếm 37.773 người. Năm 2006, theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, dân số Nhà Bè là 74.945 người. Dự báo đến năm 2010, huyện Nhà Bè sẽ có 120 – 140 ngàn dân, trong đó chủ yếu là tăng cơ học. Thu nhập bình quân đầu người năm 2000 là 4,051 triệu VNĐ, năm 2004 là 5,8 triệu VNĐ.
Giáo dục
Năm học 2005 – 2006, toàn Huyện có 28 trường, trong đó có 08 trường mầm non, 12 trường tiểu học (5.961 học sinh), 06 trường trung học cơ sở (5.084 học sinh) và 1 trường trung học phổ thông, 1 trường Bồi dưỡng giáo dục, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học đạt cao hơn mức bình quân chung của thành phố. Hiệu suất đào tạo tiểu học đạt 94,5%; Trung học cơ sở đạt 83,4%. Mặt bằng học vấn đạt lớp 5,19.
Năm 2002, Trung tâm Dạy nghề được chính thức đưa vào hoạt động, đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng và Trường trung học kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh, đào tạo nghề ngắn hạn cho 3.879 người và dài hạn 136 người.
Y tế
Toàn bộ 7 xã và thị trấn trên địa bàn huyện đều có trạm y tế, trong đó 100% trạm có bác sĩ, trang thiết bị được trang bị cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trung tâm y tế được xây dựng đạt chuẩn vừa đưa vào sử dụng trong năm 2005, năm 2007 được nâng cấp lên thành bệnh viện. Bình quân có 5,02 y bác sĩ/vạn dân và khoảng 7,83 giường/vạn dân.
5. Bản đồ quy hoạch huyện Nhà Bè:
Theo thông tin quy hoạch trong giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Huyện Nhà Bè tại Thành phố Hồ Chí Minh có sự điều chỉnh như sau:
Về nhà ở, toàn huyện sẽ được quy hoạch thành 5 cụm tập trung, cụ thể:
- Cụm I có diện tích quy hoạch là 1.020 ha, nằm ở phía Đông Huyện Nhà Bè, bao gồm Xã Phú Xuân và Thị trấn Nhà Bè. Chức năng của cụm I là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại phù hợp với sự hình thành và phát triển khu đô thị.
- Cụm II có diện tích quy hoạch là 655 ha, nằm ở phía Bắc của huyện, bao gồm toàn bộ diện tích Xã Phước Kiển. Chức năng của cụm II là xây dựng nhà cao tầng xen kẽ nhà ở thấp.
- Cụm III có diện tích quy hoạch 809 ha, bao gồm Ngã Ba Nhơn Đức, Nhơn Đức – Phước Kiển và khu đô thị phía Đông. Chức năng của cụm III là phát triển khu đô thị sầm uất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của toàn huyện.
- Cụm IV có diện tích quy hoạch 550 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Xã Hiệp Phước. Cụm IV được đầu tư mạnh tay trong việc nâng cấp và đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
- Cụm V có diện tích quy hoạch 725 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Xã Phước Lộc, một phần Xã Nhơn Đức và toàn bộ Xã Long Thới. Chức năng của cụm V là tập trung phát triển chuyên canh về nông nghiệp đảm bảo nguồn lương thực và hình thành các không gian xanh.
Về các khu công viên cây xanh, kế hoạch quy hoạch của Huyện Nhà Bè như sau:
- Xây dựng Khu công viên văn hóa du lịch 166 ha xã Long Thới.
- Phát triển Khu cây xanh dự trữ khoảng 229,27 ha Xã Phước Kiển.
- Xây dựng các khu công viên cây xanh – thể dục thể thao bố trí xen kẽ trong các khu ở.
- Tập trung phát triển các khu công viên dọc các nhánh sông lớn như sông Mương Chuối, rạch Dơi, Long Kiển, Tắc Bà Phổ, rạch Cây Khổ, rạch Cổng Vĩnh, rạch Ông Bổn…
- Xây dựng Khu công viên chuyên đề thuộc đô thị Cảng Hiệp Phước.
- Phát triển hệ thống cây xanh cách ly khu công nghiệp với dân cư và cây xanh hành lang hệ thống hạ tầng kỹ thuật,…
Về đất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, huyện có kế hoạch phát triển như sau:
- Xây dựng Khu công nghiệp Hiệp Phước dọc sông Soài Rạp, quy mô 2.000 ha với vai trò khu công nghiệp – dịch vụ cảng – logistics.
- Xây dựng Cảng Hiệp Phước khoảng 335 ha.
- Phát triển khu kho, cảng Nhơn Đức khoảng 106,16 ha tại ngã ba sông Bà Lào và rạch Tôm (thay thế cảng Cây Khô do không đảm bảo về luồng, tuyến).
- Xây dựng Tổng kho xăng dầu Nhà Bè khoảng 157,1 ha.
- Đan cài các xí nghiệp không gây ô nhiễm trong các khu dân cư trên địa bàn huyện.
Về nông nghiệp, đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp của Huyện Nhà Bè còn lại 200 ha, tập trung tại các Xã Phước Lộc, Xã Nhơn Đức và Xã Long Thới.
THAM KHẢO THÊM: