Để đảm bảo cho hàng hóa không bị tăng quá cao hoặc giảm quá thấp một cách bất hợp lý, Nhà nước đã can thiệp bình ổn giá đối với những mặt hàng thiết yếu. Vậy danh mục hàng hóa và dịch vụ thực hiện bình ổn giá mới nhất gồm những gì?
Mục lục bài viết
1. Danh mục hàng hóa và dịch vụ thực hiện bình ổn giá mới nhất:
Để đảm bảo cân bằng an sinh xã hội với những mặt hàng đáp ứng nhu cầu thiết yếu, đặc biệt như nhiên liệu, lương thực, … thì Nhà nước sẽ can thiệp để định giá, điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác tránh trường hợp lợi dụng tình trạng khan hiếm hoặc lợi dụng nhu cầu của người dân mà không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý. Cụ thể theo quy định tại Điều 15 của
– Xăng, dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa ở nhiệt độ thực tế bao gồm: xăng động cơ (không bao gồm xăng máy bay), dầu hỏa, dầu điêzen, dầu mazut;
– Điện bán lẻ;
– Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG);
– Phân đạm urê có hàm lượng Nitơ (N) tổng số ≥ 46%; phân NPK có tổng hàm lượng các chất dinh dưỡng Nitơ tổng số (Nts), lân hữu hiệu (P2O5hh), kali hữu hiệu (K2Ohh) ≥ 18%;
– Thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm: thuốc trừ sâu ( Fenobucarb (min 96%). Pymethrozin (min 95%). Dinotefuran (min 89%). Ethofenprox (min 96%). Buprofezin (min 98%). Imidacloprid (min 96%). Fipronil (min 96%)), thuốc trừ bệnh (Isoprothiolane (min 96%). Tricyclazole (min 95%). Kasugamycin (min 70%). Fenoxanil (min 95%). Fosetyl-aluminium (min 95 %). Metalaxy (min 95%). Mancozeb (min 95%). Zined (min 80%)), thuốc trừ cỏ (Glyphosate (min 95%). Pretilachlor. Quinclorac (min 99%). Ametryn (min 96 %));
– Vac-xin phòng bệnh cho gia súc (vac-xin Lở mồm long móng. Vac-xin Tai xanh (PRRS). vac-xin tụ huyết trùng. vac-xin dịch tả lợn), gia cầm (vac-xin cúm gia cầm, vac-xin dịch tả vịt, Newcastle);
– Muối ăn (Muối thô, muối tinh và muối iốt do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh);
– Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, nếu sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mà chưa được xác định, công bố giá tối đa hoặc điều chỉnh giá tối đa thì mức giá thực hiện trong khâu bán buôn chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày được cơ quan quản lý giá công bố; còn đối với mức giá thực hiện trong khâu bán lẻ chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày mức giá bán buôn có hiệu lực thi hành.
– Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện;
– Thóc, gạo tẻ thường (Thóc, gạo tẻ thường do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh);
– Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Muối ăn; Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; Thóc, gạo tẻ thường.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng Phân đạm urê; phân NPK.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết đối với mặt hàng Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Đối với các mặt hàng bình ổn giá trên nếu cần thiết phải điều chỉnh thực hiện bình ổn giá thì Bộ tài chính tổng hợp các đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi tắt là Bộ), Ủy ban nhân dân tỉnh , thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân tỉnh) để báo cáo Chính Phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
2. Các trường hợp thực hiện bình ổn giá:
Theo quy định của Điều 4 Nghị định 177/2013/NĐ-CP khi các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường thì cần thực hiện bình ổn giá xảy ra trong các trường hợp sau:
– So với mức tăng hoặc giảm giá do tác động của các yếu tố hình thành giá được tính dựa theo các chế độ chính sách, định mức kinh tế – kỹ thuật hoặc phương pháp tính giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành mà giá mua hoặc giá bán trên thị trường tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý;
– Trong các trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa, khủng hoảng kinh tế – tài chính, mất cân đối cung – cầu tạm dẫn đến giá mua hoặc giá bán trên thị trường tăng hoặc giảm bất hợp lý;
Đồng thời, thực hiện bình ổn giá khi mặt bằng giá biến động làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế xã hội, gây tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân để đảm bảo chế độ an sinh cho người dân.
3. Các biện pháp thực hiện bình ổn giá:
Theo quy định tại Điều 17 của Luật giá năm 2012 thì để thực hiện biện pháp bình ổn giá có các biện pháp sau:
Thứ nhất, điều hòa cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa xuất, nhập khẩu; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông;; hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa;
Thứ hai, các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật;
Thứ ba, lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá nhằm mục tiêu hỗ trợ cho bình ổn giá trong trường hợp cần thiết; sử dụng quỹ bình ổn giá (quỹ bình ổn giá được trích từ giá hàng hóa, dịch vụ; tự nguyện đóng góp của cá nhân, tổ chức; viện trợ từ nước ngoài; các nguồn tài chính hợp pháp khác) khi giá của dịch vụ, hàng hóa đó tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống hoặc có biến động bất thường;
Thứ tư, thực hiện việc đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá thuộc diện bình ổn giá theo quy định của pháp luật trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá;
Thứ năm, kiểm soát hàng hoá tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có, kiểm tra yếu tố hình thành giá;
Thứ sáu, áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế;
Thứ bảy, quy định khung giá phù hợp với từng loại hàng hóa, dịch vụ, định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu theo các phương pháp, nguyên tắc, căn cứ của luật giá;
4. Thẩm quyền và trách nhiệm áp dụng biện pháp bình ổn giá:
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Luật giá năm 2012 và Điều 7 Nghị định 177/2013/NĐ-CP, sửa đổi tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 149/2016/NĐ-CP thì thẩm quyền thực hiện bình ổn giá được quy định như sau:
– Chính phủ quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá;
– Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phân công của Chính phủ hướng dẫn, có trách nhiệm tham mưu đề xuất trình Chính phủ quyết định và hướng dẫn, tổ chức thực hiện đối với các biện pháp bình ổn giá dưới đây: Mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia; Các biện pháp về tài chính; hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế; Đăng ký giá, định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá trừ các hàng hóa, dịch vụ sữa dành cho trẻ dưới 06 tuổi, Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Kiểm tra yếu tố hình thành giá; các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu đề xuất trình Chính phủ quyết định và hướng dẫn, tổ chức thực hiện đối với các biện pháp bình ổn giá dưới đây: Điều hòa cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa, mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ lưu thông thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật; Kiểm soát hàng hóa tồn kho, kiểm tra khối lượng, số lượng hàng hóa hiện có thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.
– Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có trách nhiệm tham mưu đề xuất trình Chính phủ quyết định và hướng dẫn, tổ chức thực hiện bình ổn giá đối với mặt hàng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu bằng các biện pháp bình ổn giá dưới đây: Điều hòa cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; mua vào bán ra hàng dự trữ lưu thông; hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; Kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có; kiểm soát hàng hóa tồn kho; đăng ký giá, định giá cụ thể, khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu; kiểm tra yếu tố hình thành giá.
– Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có trách nhiệm tham mưu đề xuất trình Chính phủ quyết định và hướng dẫn, tổ chức thực hiện bình ổn giá thị trường với các mặt hàng theo quy định của pháp luật đối với các biện pháp tiền tệ phù hợp.
– Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá do Chính phủ quyết định và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các Bộ quản lý ngành liên quan; tùy vào tình hình thực tế tại địa phương mà Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động thực hiện chương trình bình ổn thị trường. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định các biện pháp khi thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh bất ngờ tại địa phương thì áp dụng bình ổn giá theo thẩm quyền như sau: Điều hòa cung cầu những hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; Các biện pháp tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật, Đăng ký giá với các hàng hóa thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá theo quy định; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có trên địa bàn, kiểm tra yếu tố hình thành giá; Áp dụng hỗ trợ về giá theo quy định của pháp luật và theo cam kết của quốc tế; Định giá cụ thể, khung giá, giá tối thiểu, giá tối đa đối với những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật giá 2012;
– Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá;
– Nghị định 149/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá.