Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là gì? Quy định về đánh giá quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng?
Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng từ nhiều đối tượng, trong đó không thể không nhắc đến quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Đây là những chủ thể có vị trí, chức năng quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của Quân đội nhân dân. Nghiên cứu pháp luật về quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ tập trung vào nội dung về đánh giá quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Cơ sở pháp lý:
Quyết định 275/QĐ-BQP năm 2021 quy định về nội dung, phương pháp tổ chức đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật đối với quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng là nhân viên kỹ thuật trong Quân đội do Bộ Quốc phòng ban hành.
1. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là gì?
Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 là văn bản pháp luật được nâng lên từ Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và Công nhân, viên chức quốc phòng, điều này cho thấy được sự thay đổi trong tư duy lập pháp của nhà nước, ban hành một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, áp dụng thống nhất và hiệu quả hơn. Nội dung chủ yếu của văn bản này chắc chắn đều xoay quanh chủ thể là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, vì vậy, đây cũng là căn cứ pháp lý để giải thích thế nào là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, cụ thể:
– Quân nhân chuyên nghiệp là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ trong Quân đội nhân dân, được tuyển chọn, tuyển dụng theo chức danh và được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp. (Khoản 1, Điều 2).
– Công nhân và viên chức quốc phòng là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, được tuyển chọn, tuyển dụng vào Quân đội nhân dân theo vị trí việc làm hoặc chức danh nghề nghiệp mà không thuộc diện được phong quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ. (Khoản 2 Điều 2).
Vị trí, chức năng của các chủ thể được ghi nhận tại Điều 3, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, trong đó, mỗi chủ thể có một ví trị, chức năng riêng, trong đó, quân nhân chuyên nghiệp là “lực lượng nòng cốt“; công nhân quốc phòng là “lực lượng lao động chủ yếu” và viên chức quốc phòng là “thành phần chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ“. Để có thể đặt lên “bàn cân” để so sánh vai trò của chủ thể nào quan trọng hơn thì đó là câu chuyện rất khó bởi ở mỗi khía cạnh thì quân nhân, công nhân hay viên chức đều có chức năng của mình để duy trì và phát triển Quân đội nhân dân. Tuy nhiên, xuất phát từ mục tiêu, định hướng, vai trò, ý nghĩa của Quân đội nhân dân Việt Nam thì có thể nói quân nhân chuyên nghiệp có vị trí, chức năng trọng tâm và cần được quan tâm bồi dưỡng nhất.
2. Quy định về đánh giá quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng?
Đánh giá quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là việc đưa ra các nhận định, ý kiến, nhận xét về một vài khía cạnh như phẩm chất, trình độ chuyên môn, năng lực của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Đánh giá quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định tại Điều 9, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và được hướng dẫn chi tiết tại Quyết định 275/QĐ- BQP.
Nội dung được thể hiện trong các quy định được xem xét dưới các vấn đề sau:
Thứ nhất, mục đích của đánh giá.
Theo Khoản 1, Điều 9: “Đánh giá quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng để xác định phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.”
– Phẩm chất chính trị là phạm trù mang tính chất ý thức, là nhận thức, tư tưởng, về đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam.
– Đạo đức là những tiêu chuẩn, quy tắc áp dụng đối với quân nhân, công nhân và viên chức, phạm trù đạo đức có thể được ghi nhận trong văn bản pháp luật hoặc không.
– Năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật là kiến thức lý thuyết chuyên môn và năng lực thực hành thu nhận được thông qua học tập, tìm hiểu và được công nhận bằng văn bằng, chứng chỉ phù hợp của cấp có thẩm quyền công nhận. (Khoản 1, Điều 3, Quyết định 275)
– Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao là nội dung mà quân nhân, công nhân, viên chức đạt được sau khi kết thúc nhiệm vụ, thực hiện các công việc được giao.
Các nội dung này cũng là các nội dung đánh giá mà một quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức sẽ được thực hiện, nhằm đảm bảo tính toàn diện, hiệu quả và công bằng trong hoạt động đánh giá.
Thứ hai, ý nghĩa của kết quả đánh giá.
Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. (Khoản 1, Điều 9 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng). Chế độ áp dụng đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có rất nhiều nét đặc biệt, nó có thể liên quan đến việc xếp loại, nâng bậc công nhân quốc phòng; liên quan đến việc phong, thăng quân hàm đối với quân nhân; và kết quả đánh giá còn có thể là căn cứ để xác định trường hợp thôi phục vụ trong quân đội hay không. Chính vì có ý nghĩa quan trọng, do đó kết quả đánh giá phải thực sự chính xác, khách quan và được xây dựng từ quá trình đánh giá hợp pháp, hợp lý và chuyên môn.
Cụ thể hóa về hoạt động đánh giá về năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật đối với quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng là nhân viên kỹ thuật, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định riêng, nhằm quy định về nội dung, phương pháp tổ chức đánh giá, từ đó trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động đánh giá được trở nên hiệu quả và chính xác hơn, sẽ trở thành một quy chuẩn mà không cần phải làm theo cảm tính hay ý chí chủ quan của người đánh giá.
Thứ ba, phân loại đánh giá.
Khoản 2, Điều 9 quy định: ” 2. Căn cứ vào kết quả đánh giá quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được phân loại đánh giá theo các mức sau:
a) Hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ;
b) Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ;
c) Hoàn thành chức trách, nhiệm vụ;
d) Không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.”
Thực tế, để xác định được các loại đánh giá kể trên là tùy thuộc vào người đánh giá trên cơ sở nghiên cứu kết quả đánh giá. Pháp luật không quy định cụ thể về việc như thế nào là hoàn thành xuất sắc, tốt hay hoàn thành, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, tuy nhiên dựa trên quy định tại
– Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chức trách: Đó là việc quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng có phẩm chất chính trị, đạo đức năng lực và trình độ chuyên môn tốt; các tiêu chí đánh giá khác và kết quả thực hiện nhiệm vụ theo luật định hoặc nhiệm vụ được giao đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao. Thường các công việc có chỉ tiêu thì hoàn thành xuất sắc là phải vượt quá chỉ tiêu đó.
– Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ: Đó là việc quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng đáp ứng các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong và việc thực hiện nhiệm vụ, công việc cụ thể theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Các công việc có áp chỉ tiêu thì phải đạt được bằng chỉ tiêu đó.
– Hoàn thành chức trách, nhiệm vụ: Cũng tương tự là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng đáp ứng các tiêu chí đánh giá, các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành, trong đó có không quá 20% tiêu chí chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp. (Khoản 2, Điều 6, Nghị định 90/2020/NĐ-CP).
– Không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ: Đó là việc vi phạm các tiêu chí về đánh giá quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng như có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền; có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá; các công việc được giao không đảm bảo về tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Một điều quan trọng khi đánh giá và phân loại đánh giá, là phải đặt quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng cụ thể trong mối quan hệ với cơ quan, đơn vị mà họ đang hoạt động, tức là, một cá nhân tốt mà tập thể không tốt thì việc đánh giá sẽ có sự khắt khe và xem đó là một tiêu chí quan trọng, đặc biệt là tính tập thể, đoàn kết trong quân đội là yếu tố nền tảng để xây dựng lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh.