Đảng viên vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng? Đảng viên có được kết hôn với người phạm tội trộm cắp tài sản? Đảng viên có được kết hôn với người theo đạo Thiên Chúa? Kết hôn với người theo đạo thiên chúa có bị khai trừ ra khỏi Đảng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Bạn em hiện là Đảng viên dự bị, chuẩn bị cưới em là người Đạo Công giáo và đã học Đạo và vào Đạo. Vậy điều này có ảnh hưởng gì không? Vì việc vào Đạo chỉ là để hợp thức với gia đình thôi vậy nếu không muốn bị ảnh hưởng em phải làm gì ạ?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn và những trường hợp cấm kết hôn, mặt khác theo quy định tại Hướng dẫn 01-HD/TW ngày 05 tháng 01 năm 2012 quy định về thẩm tra lý lịch người vào Đảng. Trong đó không có quy định nào cấm về việc Đảng viên kết hôn với người theo đạo công giáo.
Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng
“a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm :
– Người vào Đảng.
– Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).
b) Nội dung thẩm tra
– Đối với người vào Đảng : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
– Đối với người thân : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
c) Phương pháp thẩm tra
– Nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh. Nếu vợ (chồng) người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên : cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột và trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng). Nội dung nào chưa rõ thì thẩm tra, xác minh nội dung đó; khi các cấp uỷ cơ sở (ở quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc) đã xác nhận, nếu có nội dung nào chưa rõ thì đến ban tổ chức cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng để thẩm tra làm rõ.
– Những nội dung đã biết rõ trong lý lịch của người vào Đảng và những người thân đều sinh sống, làm việc tại quê quán trong cùng một tổ chức cơ sở đảng (xã, phường, thị trấn…) từ đời ông, bà nội đến nay thì chi uỷ báo cáo với chi bộ, chi bộ kết luận, cấp uỷ cơ sở kiểm tra và ghi ý kiến chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch, không cần thẩm tra riêng.
– Việc thẩm tra lý lịch của người vào Đảng trong lực lượng vũ trang được đối chiếu với lý lịch của người đó khai khi nhập ngũ hoặc khi được tuyển sinh, tuyển dụng. Nếu có nội dung nào chưa rõ phải tiến hành thẩm tra, xác minh để làm rõ.
– Người vào Đảng đang ở ngoài nước thì đối chiếu với lý lịch của người đó do cơ quan có thẩm quyền ở trong nước đang quản lý hoặc lấy xác nhận của cấp uỷ cơ sở nơi quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người đó ở trong nước.
Luật sư
– Người thân của người vào Đảng đang ở ngoài nước, thì cấp uỷ nơi người vào Đảng làm văn bản nêu rõ nội dung đề nghị cấp uỷ hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước (qua Đảng uỷ Ngoài nước) để lấy xác nhận; trường hợp có nghi vấn về chính trị thì đến cơ quan an ninh ở trong nước để thẩm tra.
– Người vào Đảng và người thân của người vào Đảng đang làm việc tại cơ quan đại diện, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thì đại diện cấp uỷ cơ sở đến nơi làm việc và cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi các tổ chức đó để thẩm tra những vấn đề có liên quan đến chính trị của những người này.
Ngoài ra Đảng Cộng sản Việt Nam có quy định (Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28/9/2004 của Bộ Chính trị) và hướng dẫn (Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW ngày 8/4/2005 của Ban Tổ chức Trung ương) về việc kết nạp người có đạo được tham gia sinh hoạt tôn giáo. Theo đó, người có đạo có nguyện vọng vào Đảng; có đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Điều 1, Điều lệ Đảng đều được tổ chức đảng xem xét, kết nạp vào Đảng
Như vậy, trong trường hợp của bạn nếu đăng ký kết hôn sẽ không có vấn đề, ảnh hưởng gì.
Mục lục bài viết
- 1 1. Chồng là đảng viên và cấm tôi thăm con thì có bị kỷ luật không?
- 2 2. Đảng viên vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
- 3 3. Đảng viên có được kết hôn với người phạm tội trộm cắp tài sản
- 4 4. Đảng viên có được kết hôn với người theo đạo Thiên Chúa?
- 5 5. Vào Đảng có được kết hôn với bạn trai có ông nội làm việc cho ngụy
- 6 6. Kết hôn với người theo đạo thiên chúa có bị khai trừ ra khỏi Đảng không?
1. Chồng là đảng viên và cấm tôi thăm con thì có bị kỷ luật không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư!
Em và chồng mình ly hôn được 3 tháng, bản án của Tòa quyết định em nuôi cháu nhỏ là 24 tháng tuổi, còn chồng em nuôi cháu lớn là 7 tuổi. Nhưng chồng em thường xuyên không cho em gặp con, gây khó khăn và cấm đoán em được gặp con em. Chồng em đang công tác trong cơ quan nhà nước và là đảng viên. Vậy, nếu em viết đơn gửi cơ quan anh ý thì a ấy sẽ bị kỷ luật như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Quyết định 181/QĐ-TW năm 2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm
“Điều 23. Vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình
1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Cản trở kết hôn, ly hôn. Tảo hôn hoặc để cho con tảo hôn.
b) Trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên.
c) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
d) Cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom con sau khi ly hôn (trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của Tòa án).
đ) Trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ giám hộ sau khi đã làm thủ tục công nhận giám hộ tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
e) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giả mạo giấy tờ để đăng ký nuôi con nuôi.
2. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Vi phạm trong việc sửa chữa, làm sai lệch nội dung hoặc giả mạo giấy tờ để đăng ký kết hôn.
b) Thiếu trách nhiệm, xác nhận không đúng tình trạng hôn nhân dẫn đến việc đăng ký kết hôn bất hợp pháp.
c) Cố ý khai gian dối hoặc có hành vi lừa dối khác khi đăng ký kết hôn, khi đăng ký nhận nuôi con nuôi.
3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoăc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
b) Ép buộc con làm những việc trái đạo lý, trái pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
c) Từ chối thực hiện, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu chồng cũ của bạn có những hành vi hạn chế quyền chăm nom của bạn với con mà nếu có đơn gửi cơ quan thì chồng bạn có thể bị xử lý luật theo Quyết định 181/QĐ-TW năm 2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
2. Đảng viên vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi muốn nhờ Luật sư tư vấn về vấn đề như sau:
Anh A là một Đảng viên đã có gia đình. Vì điều kiện đi làm xa gia đình, anh A đem lòng yêu thương 1 người con gái khác là chị B. Anh A không nói với chị B là có gia đình ở quê rồi và sinh sống ăn ở với chị B suốt 3 năm. Đến khi vợ anh A là chị C biết chuyện thì chị C gọi điện xúc phạm chị B, đồng thời cho nhiều người khác số điện thoại của chị B để họ gọi điện nhắn tin đến xúc phạm chị B. Do gia đình ngăn cản, anh A có ý định ruồng bỏ chị B. Vậy trong trường hợp này chị B có được phép kiện anh A hay không? Trường hợp này thì anh A sẽ bị xử lý như thế nào? Có bị khai trừ ra khỏi Đảng hay không? Mong nhận được sự tư vấn của Luật sư! Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định Các hành vi bị cấm, trong đó có:
“Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.”
Như vậy, trường hợp anh A đã vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng và phải chịu xử lý theo quy định của Pháp luật như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ – CP của Chính phủ thì :
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.”
Theo đó, hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng có thể bị xử phạt hành chính với mức từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, tại Điều 182 Bộ Luật hình sự 2015 cũng quy định về Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Như vậy, tùy vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm mà anh A có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Quyết định 181/QĐ-TW xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm về Vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình, thì:
“Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
b) Ép buộc con làm những việc trái đạo lý, trái pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
c) Từ chối thực hiện, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.”
Trong trường hợp này thì, anh A vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng thì sẽ bị áp dụng hình thực khai trừ khỏi Đảng.
Trường hợp này, chị B không có quyền khởi kiện anh A vì ruồng bỏ mình. Bản chất chị B không biết gì về việc anh A đã có vợ nên không phải chịu xử lý vi phạm, anh A vi phạm nên phải chấm dứt hành vi vi phạm này.
Tuy nhiên theo căn cứ tại Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, cụ thể là tại điểm a Khoản 3, cụ thể:
“3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;”
Trong trường hợp này, người có thẩm quyền xử phạt là Trưởng phòng công an cấp huyện (Điều 120 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Như vậy, chị B bị chị C nhắn tin xúc phạm, đồng thời cho nhiều người số điện thoại để nhắn tin xúc phạm, thì chị B có thể báo ngay với Cơ quan công an cấp quận/huyện để tiến hành điều tra và xử phạt.
3. Đảng viên có được kết hôn với người phạm tội trộm cắp tài sản
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Tôi là đảng viên có được phép kết hôn với người từng phạm tội trộm cắp tài sản, bị kết án tù 4 năm. Nhưng hiện nay đã chấp hành xong hình phạt tù? Nếu kết hôn có vi phạm hay không? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định điều kiện kết hôn như sau:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể các trường hợp cấm kết hôn bao gồm:
+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Quy định pháp luật hiện nay không có quy định nào quy định điều kiện nào kết hôn với Đảng viên. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được quy định trong văn bản lưu hành nội bộ, không công khai. Do đó, bạn cần liên hệ với Chi bộ, Đảng bộ để biết chính xác về vấn đề này. Nếu văn bản nội bộ không có thì khi đáp ứng điều kiện nêu trên thì Đảng viên vẫn có thể kết hôn với người từng phạm tội và chưa được xóa án tích.
4. Đảng viên có được kết hôn với người theo đạo Thiên Chúa?
Tóm tắt câu hỏi:
Mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi có cha mẹ đã vào Đảng và tôi cũng muốn tiến tới hôn nhân với người yêu mang đạo Thiên Chúa. Vậy nếu tôi và người yêu kết hôn có sai phạm gì không và nếu kết hôn tôi có thể vào Đảng được không? Rất cám ơn Luật sư.
Luật sư tư vấn:
Đảng Cộng sản Việt Nam có quy định (Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28/9/2004 của Bộ Chính trị) và hướng dẫn (Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW ngày 8/4/2005 của Ban Tổ chức Trung ương) về việc kết nạp người có đạo được tham gia sinh hoạt tôn giáo. Theo đó, người có đạo có nguyện vọng vào Đảng; có đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Điều 1, Điều lệ Đảng đều được tổ chức đảng xem xét, kết nạp vào Đảng; đảng viên là người có đạo vẫn được tham gia các hình thức sinh hoạt tôn giáo được pháp luật cho phép.
Vì vậy, việc bạn yêu và kết hôn với người yêu có gia đình theo đạo Thiên chúa không ảnh hưởng đến uy tín chính trị của gia đình và việc vào Đảng của bạn. Tất nhiên, gia đình bạn người yêu đó không phạm vào các điều cấm về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo Quy định số 57-QĐ/TW ngày 3/5/2007 của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.
5. Vào Đảng có được kết hôn với bạn trai có ông nội làm việc cho ngụy
Tóm tắt câu hỏi:
Em đang làm hồ sơ vào Đảng nhưng người yêu em có ông nội làm việc cho ngụy. Nếu em vào Đảng thì chúng em có kết hôn được không? Chúng em tính cuối năm nay kết hôn. Em nên vào Đảng rồi kết hôn hay kết hôn trước. Xin luật sư tư vấn cho em. Em cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Về vấn đề kết hôn.
Căn cứ vào Điều 8
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”.
Vậy, khi bạn và người yêu bạn có đủ các điều kiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì đương nhiên hai bạn được kết hôn mà không phụ thuộc vào bạn có vào Đảng hay không.
Thứ hai: Về vấn đề vào Đảng.
Căn cứ vào Mục 3, Điểm 3.4 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 05/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng quy định về thẩm tra lý lịch của người vào Đảng:
“ a, Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm :
– Người vào Đảng.
– Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).
b) Nội dung thẩm tra
– Đối với người vào Đảng : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
– Đối với người thân : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.”.
Theo Quy định số 57-QĐ/TW ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, tại Khoản 2, Điều 2 quy định người vào Đảng có người thân vi phạm một trong các điều sau đây thì không được kết nạp:
“Có cha, mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng; vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng của vợ hoặc chồng:
2.1- Đã làm tình báo, gián điệp, chỉ điểm, mật báo viên, công tác viên hoặc làm việc cho các cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát đặc biệt của địch.
2.2- Tham gia bộ máy chính quyền, lực lượng vũ trang, bán vũ trang của địch có tội ác với cách mạng, với nhân dân; giữ chức vụ uỷ viên ban chấp hành, uỷ viên ban thư ký hoặc tương đương trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động, đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội do địch lập ra từ cấp xã và tương đương trở lên.”
Như vậy, theo quy định nói trên, vấn đề làm rõ lịch sử chính trị người thân của người vào Đảng thì chỉ xem xét từ đời cha mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng; vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng của vợ hoặc chồng, không yêu cầu phải xem xét từ đời ông, bà về trước. Nên việc ông nội người yêu bạn làm việc cho ngụy sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề vào Đảng của bạn nên bạn có thể vào Đảng trước hay sau khi kết hôn đều được.
6. Kết hôn với người theo đạo thiên chúa có bị khai trừ ra khỏi Đảng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, em là một người đã vào Đảng, em có ý định sẽ kết hôn với một người theo đạo Thiên Chúa, nếu như vậy em có phải khai trừ ra khỏi Đảng không? Hay có được phép pháp luật chấp thuận không? Nếu như bên nhà chồng buộc em phải theo đạo và khai trừ khỏi Đảng thì liệu việc đó có dễ không a??
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 24 và Điều 36 Hiến pháp 2013 thì mọi người đều có quyền tự do về tín ngưỡng tôn giáo, Nhà nước cũng công nhận quyền kết hôn của công dân, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, Đảng phái…chỉ cần công dân đáp ứng đầy đủ điều kiện về kết hôn và không vi phạm những điều cấm thì hoàn toàn có thể thực hiện quyền này. Cụ thể quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân gia đình 2014 về điều kiện kết hôn và khoản 2 Điều 5 quy định về những hành vi bị cấm:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
Xét quy định tại Điều 2 Quy định 45/QĐ-TW về trách nhiệm của Đảng viên:
“Đảng viên phải gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và các quy định, hướng dẫn của Trung ương về những điều đảng viên không được làm.”
Những điều Đảng viên không được làm ở đây được quy định cụ thể tại chương I Quy định 47/QĐ-TW, trong đó không có điều nào cấm đảng viên được kết hôn với người theo đạo thiên chúa, do không có quy định cấm, nên Đảng viên hoàn toàn có thể thục hiện điều này:
“1- Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.
2- Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3- Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật.
4- Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ; Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tuỳ tiện đối với người khác. Đe doạ, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý.
5- Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo. Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo.
Cố ý gửi hoặc tán phát đơn khiếu nại, tố cáo đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết.
…”
Về việc nếu bạn muốn xin ra khỏi Đảng thì sẽ tiến hành theo quy định tại khoản 10.2 Điều 10 Hướng dẫn 01/HD-TW về việc Đảng viên xin ra khỏi Đảng:
“10.2- Đảng viên xin ra khỏi Đảng
a) Đối tượng và thủ tục
– Chỉ xem xét cho ra khỏi Đảng đối vói những đảng viên chưa vi phạm về tư cách. Nếu vi phạm tư cách đảng viên thì phải xử lý kỷ luật về Đảng, sau đó mới xét cho ra khỏi Đảng.
– Đảng viên xin ra khỏi Đảng phải làm đơn, nói rõ lý do xin ra khỏi Đảng, báo cáo chi bộ.
– Chi bộ, đảng uỷ bộ phận (nếu có), đảng uỷ cơ sở xem xét, báo cáo cấp uỷ có thẩm quyền xét, quyết định cho ra khỏi Đảng và làm thủ tục xoá tên trong danh sách đảng viên.
Đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền kết nạp đảng viên, khai trừ đảng viên thì ra quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên.
b) Đảng viên đã được cấp uỷ có thẩm quyền quyết định cho ra khỏi Đảng, nếu có nhu cầu được cấp giấy xác nhận tuổi đảng thì cấp uỷ có thẩm quyền xét, cấp “Giấy xác nhận tuổi đảng” cho những người đó.”
Như vậy, nếu muốn xin ra khỏi Đảng trước hết bạn phải không có vi phạm nào về tư cách tảng viên, nếu có bạn sẽ bị xử lý kỉ luật Đảng sau đó mới xét cho ra Đảng, thứ hai bạn phải viết đơn xin ra khỏi Đảng, đơn này phải nêu rõ lý do xin ra đồng thời báo cáo với cơ quan Đảng nơi bạn đang hoạt động. Sau khi nộp đơn và xem xét nếu thấy hợp lý, bạn sẽ được chấp nhận yêu cầu này.