Với sự phát triển của khoa học công nghệ và thông tin, quá trình sử dụng mạng xã hội là phương tiện kết nối đã dần trở thành xu thế tất yếu. Đăng tải những nội dung độc hại trên mạng xã hội không chỉ thể hiện sự vô cảm mà còn là một hành động "tiếp tay" lan truyền tội ác. Vậy hành vi đăng video độc hại lên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đăng video độc hại lên mạng xã hội bị xử lý thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông (sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP), có quy định về mức xử phạt đối với các đối tượng có hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Theo đó:
(1) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Hành vi cung cấp và chia sẻ thông tin giả mạo, cung cấp thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc vu khống, nhằm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của các tổ chức, danh dự nhân phẩm của các cá nhân trong xã hội;
+ Cung cấp và chia sẻ thông tin cổ suý, truyền bá hủ tục, truyền bá mê tín dị đoan, nội dung dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam;
+ Cung cấp và chia sẻ thông tin miêu tả tỷ mỉ về hành động giết/chém người hoặc động vật, tai nạn, các hình ảnh kinh dị hoặc rùng rợn;
+ Cung cấp và chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, kích động bạo lực, lan truyền tội ác (bao gồm cả tội ác quốc tế), lan truyền tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ cho mục đích đánh bạc;
+ Cung cấp và chia sẻ các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn hóa nghệ thuật, tuy nhiên khi không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc các loại tác phẩm chưa được phép lưu hành trên thị trường, hoặc các loại tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định tịch thu bởi cơ quan có thẩm quyền;
+ Quảng cáo, chia sẻ, tuyên truyền thông tin về hàng hóa và dịch vụ bị cấm;
+ Cung cấp và chia sẻ hình ảnh bản đồ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuy nhiên không thể hiện chủ quyền quốc gia hoặc thể hiện nội dung không đúng chủ quyền quốc gia dân tộc;
+ Cung cấp hoặc chia sẻ đường dẫn đến các trang thông tin có nội dung bị cấm.
(2) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, danh mục bí mật đời tư cá nhân và các bí mật khác tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, hành vi đăng tải video độc hại trên mạng xã hội có thể bị xử phạt với mức phạt cao nhất là 20.000.000 đồng. Tuy nhiên cần phải lưu ý, mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trong trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt được xác định gấp 02 lần đối với cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm, cụ thể tối đa là 40.000.000 đồng.
Hành vi đăng tải video độc hại trên mạng xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ, tác động tiêu cực đến tâm lý của người dân, dựa vào những nội dung trong video đó sẽ phát triển hành vi phạm tội của các đối tượng xấu trong xã hội. Vì vậy, hành vi đăng tải video độc hại trên mạng xã hội cần phải được quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc.
2. Đăng tải video độc hại lên mạng xã hội thì có bị xử phạt hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Văn bản hợp nhất Luật công nghệ thông tin năm 2017 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Bao gồm:
-
Hành vi cản trở hoạt động hợp pháp, hành vi hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp trong quá trình ứng dụng phát triển công nghệ thông tin, cản trở bất hợp pháp hoạt động của hệ thống máy chủ (có đầy đủ tên miền), phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, phá hoại thông tin trên môi trường mạng internet;
-
Cung cấp, trao đổi, lưu giữ, đưa truyền, sử dụng các thông tin nhằm mục trái pháp luật. Bao gồm mục đích: Chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết của toàn thể dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh, gây thù hận giữa các dân tộc và các nhân dân các quốc gia, kích động dâm ô, đồi trụy, tệ nạn xã hội, lan truyền tội ác, lan truyền mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, tiết lộ bí mật nhà nước, tiết lộ bí mật an ninh quốc phòng, kinh tế và đối ngoại, tiết lộ bí mật khác đã được pháp luật quy định cụ thể, có hành vi xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm của các cá nhân, xúc phạm uy tín của các tổ chức trong xã hội, quảng cáo và tuyên truyền hàng hóa, tuyên truyền các loại dịch vụ thuộc Danh mục bị cấm đã được pháp luật quy định cụ thể;
-
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin, lưu hành các sản phẩm công nghệ thông tin trái quy định của pháp luật (cụ thể là những nội dung tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính và viễn thông), giả mạo trang thông tin điện tử của các tổ chức và cá nhân trong xã hội, tạo ra các đường dẫn trái phép.
Theo đó, hành vi đăng tải video có nội dung độc hại trên mạng xã hội có thể xem là hành vi truyền tải thông tin tệ nạn xã hội, truyền tải mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam … và đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
3. Thẩm quyền xử phạt hành vi đăng video độc hại lên mạng xã hội:
Căn cứ theo quy định tại Điều 115 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính và viễn thông, có quy định về thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp. Theo đó:
-
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, phạt tiền lên đến 4.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính và giao dịch điện tử, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức phạt tiền, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
-
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, phạt tiền lên đến 40.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính và giao dịch điện tử, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức phạt tiền nêu trên, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
-
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, phạt tiền lên đến 80.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính và giao dịch điện tử, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Như vậy, hành vi đăng tải video có nội dung độc hại trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và 40.000.000 đồng đối với tổ chức, vì vậy thẩm quyền xử phạt sẽ thuộc về chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
THAM KHẢO THÊM: