Đang mang thai nghỉ việc có được hưởng chế độ thai sản không? Nghỉ việc trước khi sinh thì có được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản nữa không?
Có thể nói, bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách quan trọng của Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Đây là một trong những công cụ giúp Nhà nước đảm bảo ổn định cuộc sống, trợ giúp cho người lao động khi họ gặp rủi ro hay phát sinh những sự kiện dẫn đến việc không đảm bảo khả năng lao động như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động,…Trong những chế độ này, chế độ thai sản là một trong những chính sách quan trọng đối với lao động nữ khi sinh con. Vậy, trong trường hợp lao động nữ đã nghỉ việc từ khi mang thai thì chế độ thai sản được giải quyết như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp chấm dứt lao động với lao động nữ mang thai
Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật lao động năm 2019, người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động trong các trường hợp sau đây:
– Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
– Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo
Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
– Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
– Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng
– Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
– Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
– Người lao động cung cấp không trung thực các thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu. khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
Tuy nhiên, Bộ luật lao động năm 2019 cũng có những quy định về việc chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp đặc thù như sau:
Thứ nhất, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 37 “Bộ luật lao động năm 2019”, cụ thể:
– Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật lao động năm 2019
– Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
– Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Thứ hai, theo quy định tại Khoản 4 Điều 122 Bộ luật lao động năm 2019, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong các trường hợp sau:
– Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
– Đang bị tạm giữ, tạm giam;
– Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật lao động năm 2019
– Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, có thể thấy, đối với trường hợp lao động nữ mang thai, việc chấm dứt hợp đồng lao động chỉ có thể được thực hiện trong các trường hợp sau:
– Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản khoản 4 Điều 177 của Bộ luật lao động 2019.
– Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
– Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của “Bộ luật lao động 2019”
2. Quy định của pháp luật về điều kiện hưởng chế độ thai sản
Theo quy định tại Điều 30 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, chế độ thai sản được áp dụng cho các đối tượng là những người lao động sau:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
Lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 31
– Lao động sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
– Trường hợp lao động nữ sinh con không đáp ứng được điều kiện trên nhưng đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
– Trường hợp lao động nữ sinh con đáp ứng được một trong hai điều kiện đã nêu ở trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định
Lưu ý:
Thời gian 12 tháng trước khi sinh con của lao động nữ để làm cơ sở tính điều kiện hưởng chế độ thai sản được Hướng dẫn cụ thể tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
– Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
– Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Như vậy, có thể xác định đối với lao động nữ mang thai mà nghỉ việc trước khi sinh con nếu đáp ứng đủ các điều kiện này vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
3. Quy định về mức hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ sinh con
Tại Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và Hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, chế độ thai sản cho lao động nữ sinh con được xác định như sau:
– Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
– Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng như đã đề cập ở trên, trường hợp có ngày lẻ thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
Bên cạnh đó, lao động nữ khi sinh con còn được hưởng chế độ trợ cấp một lần khi sinh con quy định tại Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, theo đó trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
4. Trình tự, thủ tục giải quyết chế độ thai sản cho lao động nữ sinh con
Theo quy định tại Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ sinh con thực hiện thủ tục giải quyết chế độ thai sản theo trình tự sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ thai sản
Lao động nữ sinh con chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 101 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 gồm các giấy tờ sau đây:
– Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
– Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
– Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
– Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
– Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
– Đối với trường hợp lao động nữ chấm dứt hợp đồng lao động trước khi sinh con phải xuất trình sổ bảo hiểm xã hội
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết
Trình tự nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết chế độ thai sản được quy định tại Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
– Trường hợp lao động nữ sinh con đang tồn tại quan hệ lao động thì phải nộp hồ sơ trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con thì nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 3: Cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện giải quyết chế độ thai sản theo quy định
– Trường hợp lao động nữ sinh con còn tồn tại quan hệ lao động thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;
– Đối với trường hợp lao động đã thôi việc trước thời điểm sinh con thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
– Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.