Các trường hợp phải đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm? Hồ sơ đăng kí thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng kí? Trình tự, thủ tục đăng kí thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng kí? Quy định chung về giao dịch bảo đảm?
Giao dịch bảo đảm được hiểu là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự. Theo pháp luật, giao dịch bảo đảm là một chế định quan trọng nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho cả cá nhân và doanh nghiệp trong quá trình tham gia các giao dịch dân sự, giao dịch kinh tế. Để được pháp luật ghi nhận và hoàn thành giao dịch bảo đảm thì cá nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan có thâm quyền có ý nghĩa rất quan trọng trong việc công khai và minh bạch các giao dịch bảo đảm của cá nhân, tổ chức. Vậy trong trường hợp cần thay đổi nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm thì phải làm như thế nào? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc quy định về hồ sơ và thủ tục đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm.
1. Các trường hợp phải đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm
Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Trường hợp cần rút bớt, bổ sung hoặc thay thế nội dung về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm; trường hợp cần thay đổi tên hoặc thay đổi thông tin bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm do tổ chức lại doanh nghiệp;
– Trường hợp bên bảo đảm rút bớt tài sản bảo đảm;
– Trường hợp cần bổ sung tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không ký kết hợp đồng bảo đảm mới;
– Trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai đã hình thành ở hiện tại, trừ trường hợp tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là hàng hóa được luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc trường hợp tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là phương tiện giao thông cơ giới đã được kê khai số khung khi đăng ký biện pháp bảo đảm.
– Trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, tài sản đó bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai đã hình thành, thì khi đó thủ tục đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm được thực hiện đồng thời với thủ tục chứng nhận quyền sở hữu tài sản vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất;
– Trường hợp có yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung đã kê khai trong phiếu yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm;
– Trường hợp bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm mà trong hợp đồng bảo đảm ban đầu bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không có thỏa thuận về việc cầm cố hoặc thế chấp tài sản để bảo đảm cho các nghĩa vụ phát sinh trong tương lai.
2. Hồ sơ đăng kí thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng kí
Hồ sơ đăng kí thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm bao gồm:
– 01 bản chính đơn yêu cầu đăng kí thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng kí theo mẫu;
– Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm (nếu là bản giấy) phải có đầy đủ chữ ký, con dấu (nếu có) của tổ chức, cá nhân.
– 01 bản chính hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm đã kí hoặc 01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực văn bản chứng minh nội dung thay đổi;
– 01 bản chính giấy chứng nhận đăng kí giao dịch bảo đảm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp;
– 01 bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đối với tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật là tài sản phải đăng kí quyền sở hữu;
– Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm và 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu của văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm là người được ủy quyền.
– Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
3. Trình tự, thủ tục đăng kí thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng kí
Trình tự thực hiện
Bước 1: Người yêu cầu đăng ký nộp trực tiếp một bộ hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký hoặc gửi qua đường bưu điện đến Trung tâm Đăng kí giao dịch, tài sản.
– Khách hàng nộp đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm, hợp đồng đã đăng ký, nội dung đã
Bước 2: Kể từ khi nhận được hồ sơ yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm hợp lệ, ngay trong ngày làm việc hoặc ngày làm việc tiếp theo đối với trường hợp nhận hồ sơ sau 15h00’ (tức 3h00’ chiều cùng ngày) (trong trường hợp phải kéo dài thì không quá 03 ngày làm việc), người có thẩm quyền thực hiện đăng kí phải:
+ Kiểm tra, xác minh các thông tin trong hồ sơ yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm với các thông tin được lưu giữ trong Sổ Đăng kí giao dịch;
+ Ghi thời điểm đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm (giờ, phút, ngày, tháng, năm) và các nội dung đăng kí thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm vào Sổ Đăng kí giao dịch;
+ Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm đã cấp;
+ Cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký cho người yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm hoặc có thể gửi Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký qua đường bưu điện cho người yêu cầu đăng ký sau khi có biên lai chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu đăng ký thay đổi thuộc một trong các trường hợp từ chối đăng ký quy định tại thì Trung tâm Đăng kí giao dịch từ chối bằng văn bản (nêu rõ lý do từ chối), trả hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
– Trung tâm Đăng ký kiểm tra các thông tin kê khai trên đơn. Nếu không thuộc các trường hợp từ chối đăng ký thì Trung tâm Đăng ký tiếp nhận và nhập thông tin trên đơn yêu cầu đăng ký, văn bản thông báo việc kê biên tài sản thi hành án vào Cơ sở dữ liệu. Trong trường hợp đơn được nộp trực tiếp, Trung tâm Đăng ký cấp cho người yêu cầu đăng ký/Chấp hành viên Phiếu hẹn trả kết quả. Nếu có một trong các căn cứ từ chối thì Trung tâm Đăng ký từ chối đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định. Việc từ chối đăng ký phải được lập thành văn bản gửi cho người yêu cầu đăng ký trong đó nêu rõ lý do từ chối;
Bước 3: Trả Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án có xác nhận của Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm và Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có dấu giáp lai của Trung tâm Đăng ký hoặc Chi tiết đơn đăng ký giao dịch bảo đảm có dấu giáp lai của Trung tâm Đăng ký (trong trường hợp đăng ký trực tuyến) bằng hình thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện cho người yêu cầu đăng ký, Chấp hành viên.
Cách thức thực hiện
Lựa chọn một trong những cách sau:
– Trực tiếp tại trụ sở Trung tâm Đăng ký;
– Gửi qua đường bưu điện;
– Gửi qua fax hoặc gửi qua thư điện tử (đối với người yêu cầu đăng ký đã đăng ký khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp);
– Gửi qua hệ thống đăng ký trực tuyến.
Thời hạn giải quyết
Giải quyết hồ sơ đăng ký ngay trong ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký ngay trong ngày làm việc tiếp theo; trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì cũng không quá 03 ngày làm việc.
4. Quy định chung về giao dịch bảo đảm
4.1. Khái niệm
Giao dịch bảo đảm được hiểu là sự thỏa thuận của các bên về việc lựa chọn một trong các biện pháp bảo đảm đã được pháp luật quy định để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với tính chất tác động dự phòng nhằm mục đích ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm là việc cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bản đảm ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm.
4.2. Những giao dịch bảo đảm phải đăng ký
Nghị định 102/2017/NĐ-CP đã có quy định về các trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:
“1. Các biện pháp bảo đảm sau đây phải đăng ký:
a) Thế chấp quyền sử dụng đất;
b) Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
c) Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;
d) Thế chấp tàu biển.”
Như vậy, đối với các giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (tài sản đã được chứng nhận quyền sở hữu), giao dịch cầm cố hoặc thế chấp tàu bay, tàu biển thì đều phải được đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền. Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm được xem như một điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực pháp luật. Việc không đăng ký bảo đảm đối với các giao dịch bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật sẽ khiến cho giao dịch bảo đảm đó trở nên vô hiệu.