Thủ tục đăng ký hoạt động văn phòng công chứng do 1 thành viên thành lập nhanh, hiệu quả, uy tín với chi phí thấp tại Việt Nam.
Trình tự thực hiện:
– Trong thời hạn chín mươi (90) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng công chứng phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp của địa phương cho phép thành lập;
– Trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày nhận được giấy tờ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật;
– Trong thời hạn sáu (06) tháng, kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động, nếu Văn phòng công chứng không hoạt động hoặc trong trường hợp Văn phòng công chứng không hoạt động liên tục từ ba (03) tháng trở lên thì Sở Tư pháp thu hồi giấy đăng ký hoạt động.
Cách thức thực hiện: Hồ sơ đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng được nộp trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính đến bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Tư pháp, ngoài bì ghi rõ “Hồ sơ đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng”.
Thành phần:
– Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu:
– Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng công chứng đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định số 04/2013/NĐ-CP (Văn phòng công chứng phải có trụ sở riêng với địa chỉ cụ thể, có phòng làm việc cho công chứng viên, nhân viên, phòng tiếp người yêu cầu công chứng và kho lưu trữ hồ sơ công chứng);
– Trong trường hợp trụ sở là nhà thuê, mượn thì phải kèm theo hợp đồng thuê, mượn nhà có thời gian tối thiểu là năm (05) năm kể từ ngày làm thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng;
– Giấy tờ chứng minh nơi đăng ký thường trú tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở Văn phòng công chứng của công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng.
– Trường hợp Luật sư được bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề công chứng thì khi làm thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng phải có xác nhận của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư về việc đã rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư và giấy tờ chứng minh đã chấm dứt hành nghề luật sư. Việc chấm dứt hành nghề luật sư được thể hiện bằng một trong các giấy tờ sau đây:
+ Giấy xác nhận đã nộp lại Giấy đăng ký hành nghề luật sư cho cơ quan đã cấp giấy đó đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;
+ Giấy xác nhận đã nộp lại Giấy đăng ký hoạt động Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho cơ quan đã cấp đối với luật sư thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+ Giấy xác nhận đã rút tên khỏi danh sách thành viên Công ty luật hợp danh hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đối với luật sư là thành viên Công ty luật hợp danh hoặc thành viên sáng lập Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
+ Giấy xác nhận đã chấm dứt tư cách thành viên trong Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đối với luật sư là thành viên góp vốn trong Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
+ Giấy xác nhận đã chấm dứt hợp đồng làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư đối với luật sư làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức
Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Sở Tư pháp
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy đăng ký hoạt động
Lệ phí (nếu có): Chưa quy định cụ thể.
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Không