Đăng ký đất đai khi nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Giải quyết trường hợp ủy ban nhân dân xã từ chối đăng ký đất đai.
Đăng ký đất đai khi nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Giải quyết trường hợp ủy ban nhân dân xã từ chối đăng ký đất đai.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào luật sư. Tôi có thắc mắc muốn nhờ luật sư như sau ạ. Chị B hiện đang là giảng viên của trường đại học X. Chị B được cha ruột để thừa kế 500m2 đất trồng lúa nước và 300m2 đất ở tại xã Y. Chị B đã liên hệ với UBND xã Y để kê khai thừa kế và đăng ký đất đai. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Y chỉ chấp nhận cho chị B đăng ký đối với 300m2 đất ở, không chấp nhận cho chị B đăng ký 500m2 đất trồng lúa nước với lý do chị B không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Việc làm của Chủ tịch UBND xã Y có hợp pháp không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 169 Luật Đất đai 2013 quy định:
“1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
d) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế quyền sử dụng đất;”
Trong tình huống bạn nêu trên, chị B đã được cha mình để thừa kế 500m2 đất trồng lúa nước và 300m2 đất ở. Theo pháp luật dân sự, chị B có quyền được khai nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất đối với cả hai thửa đất đó.
Sau khi nhận thừa kế quyền sử dụng đất, chị B có quyền và nghĩa vụ kê khai đăng ký đất đai theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Khoản 1 Điều 93 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu”.
Như vậy, đăng ký đất đai là thủ tục bắt buộc đối với người sử dụng đất nói chung và người nhận quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế nói riêng. Chị B hoàn toàn có quyền đăng ký đất đai đối với 500m2 đất trồng lúa theo quy định của pháp luật. Trường hợp này sẽ tiến hành đăng ký biến động.
Theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đăng ký biến động đất đai nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc UBND cấp xã nơi có thửa đất nếu có nhu cầu. Việc đăng ký đất đai được ghi vào Sổ địa chính, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu chị B có nhu cầu và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Việc UBND xã Y từ chối để chị B đăng ký kê khai đất đai đối với 500m2 đất trồng lúa nước mà chị được nhận thừa kế với lý do chị không sản xuất nông nghiệp là không đúng quy định của pháp luật. Bởi chị B đã có đầy đủ các quyền được kê khai đăng ký đất đai theo quy định của pháp
Trong trường hợp UBND xã Y không nhận hồ sơ đăng ký đất đai của chị B thì chị có thể nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Nếu cơ quan này cũng từ chối đăng ký cho chị B thì chị có quyền khiếu nại cơ quan này theo pháp luật khiếu nại.
Nếu sau khi được đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị B có hành vi bỏ hoang đất trồng lúa hoặc sử dụng đất trồng lúa không đúng mục đích thì chị có thể bị xử phạt và bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Quy định pháp luật về đăng ký biến động đất đai
– Đăng ký đất đai theo Luật đất đai 2013 và Nghị định 43/2014
– Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định Luật đất đai 2013
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại